Thầy giáo chế tạo máy sản xuất viên nén thức ăn chăn nuôi

19/09/2019 09:09 GMT+7

Với chi phí khoảng 9 triệu đồng, thầy Nguyễn Văn Chúng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Châu Thành, An Giang), đã sáng chế máy nghiền từ các phế liệu, tạo viên nén thức ăn chăn nuôi, mỗi giờ sản xuất được 100 kg.

Thầy Chúng (43 tuổi) kể, để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, ngoài giờ lên lớp, thầy tận dụng mảnh đất phía sau nhà nuôi gà và heo rừng. Nhưng do thức ăn chăn nuôi luôn tăng giá trong khi giá bán gia cầm, gia súc liên tục giảm, lợi nhuận không nhiều, khiến thầy trăn trở tìm cách hạ chi phí sản xuất.
Đầu năm 2017, thầy Chúng bắt đầu tìm hiểu thông tin từ sách báo và mạng xã hội. Tình cờ xem được video của một người Nga chế tạo máy nén cỏ và nén mùn cưa để làm củi đốt, thầy Chúng nảy ra ý tưởng tạo máy nén thức ăn chăn nuôi. Sau khi lên ý tưởng, thầy tìm mua thiết bị và sắt phế liệu rồi mày mò, chế tạo thành chiếc máy nén viên. Tuy nhiên, khi máy hoàn thiện thì không nén được thành viên, năng suất không cao. Sau đó, thầy Chúng tiếp tục cải tiến các bộ phận bên trong và loại bỏ bớt phần hộp số. Nhờ miệt mài nghiên cứu và khắc phục, cuối cùng chiếc máy đã hoàn thiện với chi phí chỉ khoảng 9 triệu đồng.
Thức ăn cũng được thầy Chúng nghiên cứu phối trộn sao cho cung cấp đầy đủ dinh dưỡng nhất cho đàn gà. “Thức ăn được tôi trộn lúa, bắp, cám gạo, xác tàu hũ cùng với loại lá thuốc để gà ăn đầy đủ dưỡng chất, hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, nông dân có thể bắt ốc bươu vàng hoặc tận dụng đầu cá, cá tạp để tạo ra viên nén từ máy nén viên này. Có thể trộn thêm vitamin hay thuốc ngừa bệnh tùy theo ý muốn”, thầy Chúng nói.
Ưu điểm của chiếc máy là có thể xay, nghiền, nén hai loại thức ăn lớn, nhỏ, giảm chi phí mua thức ăn, kiểm soát được nguyên liệu và chất lượng thức ăn. Ngoài ra, máy hoạt động rất nhanh, viên nén đẹp và đồng đều kích cỡ. “Nếu mặt ram lỗ nhỏ, một giờ máy có thể chạy ra 60 kg thức ăn viên. Nếu tôi thay mặt ram lỗ lớn hơn, một giờ có thể sản xuất ra 100 kg thức ăn viên thành phẩm. Nếu cho cá ăn thì thay mặt ram lỗ nhỏ hơn, mỗi giờ có thể sản xuất ra 40 kg thức ăn”, thầy Chúng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bảy (65 tuổi, ngụ cùng địa phương), nhận xét: “Tôi thấy chiếc máy này rất có ích, giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Thành phẩm thức ăn tạo ra đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp vật nuôi phát triển nhanh chóng, từ đó tăng lợi nhuận sản xuất và cải thiện kinh tế hộ gia đình”.
Thầy Chúng chia sẻ, sắp tới sẽ tiếp tục cải tiến hiệu suất máy, đồng thời nghiên cứu tạo ra máy sấy thức ăn, để tăng thời gian sử dụng viên nén.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.