Thầy giáo mầm non yêu nghề

31/07/2024 09:00 GMT+7

Gần 8 năm làm thầy giáo mầm non tuy chưa phải quãng thời gian dài nhưng cũng đủ để thầy Hà Văn Thạo yêu nghề và xác định gắn bó với sự nghiệp vun trồng những búp măng non.

Bỏ nghề IT đến với mầm non

Đến thăm Trường mầm non Pù Nhi (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) sẽ không khó để bắt gặp cảnh tượng thầy giáo Thạo đang đàn hát, tổ chức cho các bé học tập vì thầy đã có 8 năm trong nghề và hiện là thầy giáo mầm non duy nhất của huyện vùng cao Mường Lát.

Thầy giáo mầm non yêu nghề- Ảnh 1.

Thầy Thạo và các em nhỏ Trường mầm non Pù Nhi

NVCC

Thầy Thạo sinh năm 1986, là người dân tộc Thái. Trước khi đến với nghề giáo viên mầm non, thầy Thạo từng làm nhiều nghề, trong đó có thời gian làm chuyên viên công nghệ thông tin (IT) với tấm bằng cử nhân. Tuy nhiên nghề nào thầy cũng thấy chưa thực sự phù hợp nên trong lòng luôn mang nỗi tâm tư.

Trước khi đến với mầm non, thầy vốn là người yêu trẻ con, sẵn sàng trông con cho vợ hoặc trông cháu cho anh chị em mà không cảm thấy phiền phức, thậm chí thầy còn dỗ dành, ru ngủ "có nghề" không kém chị em phụ nữ. Ngoài ra, thầy Thạo có vợ làm giáo viên mầm non nên càng hiểu và sẵn sàng chia sẻ những áp lực nghề nghiệp của vợ. Trong câu chuyện thường ngày, vợ thầy gợi ý thầy đi học sư phạm mầm non và thầy thấy khá hứng thú.

Năm 2014, dù đã 28 tuổi nhưng thầy Thạo vẫn quyết tâm đi học trung cấp mầm non. "Thời gian đi học khá ngại ngùng, trong lớp toàn các em nữ, chỉ có mình tôi là nam giới. Rồi nhiều người tò mò về 'động cơ' tôi đi học sư phạm mầm non. Tôi cố gắng vượt qua từng môn một, đặc biệt là các môn học khó với nam giới như múa", thầy Thạo chia sẻ.

Đến với nghề giáo viên mầm non từ lòng yêu trẻ, thầy Thạo luôn nỗ lực học tập chuyên môn, chủ động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, tâm sinh lý trẻ, các hoạt động tốt nhất để khi ra trường có đủ năng lực chuyên môn dạy và truyền cảm hứng đến các con.

Ra trường, thầy Thạo được phân công về công tác tại một điểm trường mầm non cách nhà khoảng 10 km. Ngày đầu đến trường, nhiều đồng nghiệp, phụ huynh tưởng thầy Thạo là cán bộ huyện về làm công tác quản lý nhưng họ đã ngạc nhiên khi thấy thầy nhận lớp. "Hôm đó tôi cũng rất ngại ngùng, rụt rè vì chỉ có mình tôi là giáo viên nam đứng giữa các đồng nghiệp nữ, phụ huynh họ cười và nói chưa thấy thầy giáo mầm non bao giờ. Vào lớp thì các con gọi tôi bằng... cô!".

Thầy giáo mầm non yêu nghề- Ảnh 2.

Thầy Thạo và các em nhỏ trong ngày lễ tốt nghiệp bậc học mầm non

NVCC

Có người chồng là đồng nghiệp, thấu hiểu chuyện nghề nên hai vợ chồng thầy Thạo thường xuyên trao đổi chuyên môn lẫn nhau, học ở nhau, thậm chí vợ thầy thừa nhận phải học ở chồng – thầy giáo mầm non rất nhiều trong phương pháp giảng dạy hiện đại.

Cô Trịnh Thị Mai, giáo viên Trường mầm non Pù Nhi, vợ thầy Thạo chia sẻ: "Thời gian mới vào nghề tôi động viên chồng rất nhiều, anh ấy rất yêu trẻ nhưng không thể tránh được một số vụng về của nam giới khi chăm sóc em nhỏ. Hai vợ chồng cũng thường xuyên trao đổi chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục cho trẻ mầm non vùng cao. Mỗi năm học, cả hai vợ chồng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chúng tôi càng thêm tự hào và yêu nghề hơn, nỗ lực cống hiến cho ngành giáo dục địa phương".

Yêu trẻ bằng cả trái tim, khối óc sáng tạo

Công tác ở địa bàn miền núi có tới 6 dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều hủ tục còn tồn tại, Mường Lát lại là nơi có địa bàn chia cắt, khó đi lại, thầy Thạo đã không ít lần đến nhà vận động phụ huynh cho con đến lớp, động viên gia đình sống theo nếp sống hiện đại. Đến nay, 100% trẻ em 5 tuổi tại Pù Nhi đều được đi phổ cập chương trình giáo dục mầm non, trong đó có sự góp công không nhỏ của thầy Thạo.

Thầy giáo mầm non yêu nghề- Ảnh 3.

Thầy Thạo nhận bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo

NVCC

Vốn có kiến thức về tin học, thầy Thạo đã có nhiều sáng kiến và áp dụng thành công vào bài giảng. Thầy chú trọng đến giáo dục STEM giúp các em nhỏ phát triển toàn diện, ngoài ra thầy còn tự tay làm một số thiết bị dạy học, đồ chơi cho các em do điều kiện trường vùng cao còn nhiều khó khăn.

"Tôi phải cảm ơn các em vì nhờ có các em tôi có được niềm vui mỗi ngày, được biết thêm 6 loại ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi lập nhóm zalo để cập nhật hình ảnh của các con mỗi buổi học cho phụ huynh để họ yên tâm đi làm. Qua giao tiếp, tôi thấy được nét văn hóa truyền thống của từng tộc người và mong muốn gìn giữ phát huy giá trị văn hóa của họ", thầy Thạo chia sẻ.

Trong thời gian 8 năm công tác, thầy Thạo đã nỗ lực hoàn thành tấm bằng đại học. Với kinh nghiệm và văn bằng đó, thầy có nhiều cơ hội chuyển sang ngành hoặc vị trí khác nhưng thầy Thạo vẫn dành tình yêu trẻ thơ và xác định gắn bó lâu dài với nghề giáo viên mầm non nơi này.

Bằng cả trái tim và khối óc, thầy Thạo đã có nhiều sáng kiến hiệu quả và được áp dụng rộng rãi. Thầy cho biết, thầy không cố gắng "bắt chước" các giáo viên nữ vì có những nhược điểm tự nhiên của giới tính nhưng thầy luôn nỗ lực đổi mới phương pháp và nâng cao kỹ năng sư phạm.

Năm 2019, sáng kiến "Một số giải pháp giúp trẻ 5 – 6 tuổi phát triển ngôn ngữ tại điểm trường Nà Tao – Trường mầm non Pù Nhi" của thầy đã đạt loại C cấp tỉnh và năm 2022, sáng kiến "Một số giải pháp giúp trẻ 5 – 6 tuổi phát triển ngôn ngữ tại điểm trường Hủa Pủ – Trường mầm non Pù Nhi của thầy xuất sắc đạt loại A cấp tỉnh. Thầy Thạo còn đạt danh hiệu giáo viên mầm non giỏi cấp tỉnh năm học 2022 – 2023. Trong dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thầy Thạo vinh dự được tuyên dương trong Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2023 và nhận bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

"Tôi hiểu rõ công việc đang theo đuổi nên luôn cố gắng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, hoàn thiện bản thân để đáp ứng nhu cầu của xã hội; đồng thời, truyền cảm hứng học tập, rèn luyện thân thể đến trẻ. Tôi cũng hy vọng sẽ sớm có thư viện tại các trường mầm non để các bé được tiếp cận với sách truyện từ giai đoạn này", thầy Thạo tâm sự.

Cô Đặng Thị Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Pù Nhi, cho biết: "Trường mầm non Pù Nhi hiện nay có 37 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó có 36 cô giáo và duy nhất 1 thầy. Thầy Thạo đã có 8 năm gắn bó với nhà trường và là người thầy giáo mẫu mực, tâm huyết, mến trẻ. Các em nhỏ ở trường rất yêu quý thầy và thường gọi thầy là 'cô giáo Thạo' bởi vì thầy quan tâm, chăm sóc các em như người mẹ thứ 2. Việc thầy Thạo tham gia công tác ở bậc mầm non cũng đã góp phần nâng cao nhận thức về những người làm công tác giáo dục và dần xóa bỏ định kiến về giới".

Thầy giáo mầm non yêu nghề- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.