Thấy những triệu chứng này, mau đi khám thận trước khi quá muộn

Thiên Lan
Thiên Lan
16/04/2021 00:07 GMT+7

Bệnh thận mạn tính là khi thận bị tổn thương hoặc giảm chức năng trong thời gian từ 3 tháng trở lên, theo The Economic Times Panache.

Bệnh thận mạn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch - có thể dẫn đến tử vong sớm.
Nếu không được phát hiện sớm, bệnh có thể tiến triển thành suy thận, cần phải chạy thận hoặc phải ghép thận.
Khi thận bị tổn thương, các chất cặn bã và chất lỏng có thể tích tụ trong cơ thể.
Nếu không điều trị, tổn thương có thể trở nên tồi tệ hơn và cuối cùng thận có thể ngừng hoạt động.
Nếu thận đột ngột ngừng hoạt động, nó được gọi là tổn thương thận cấp tính hoặc suy thận cấp tính.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh thận

Nhiều người bị bệnh thận có xu hướng không gặp triệu chứng cho đến giai đoạn rất muộn, khi đã bị suy thận, chỉ 1 trong 10 người bị bệnh thận mạn tính biết mình mắc bệnh.
Và cách duy nhất để phát hiện là xét nghiệm máu.
Tuy nhiên, bệnh thận thường có thể điều trị được trong giai đoạn đầu. Và có một số manh mối tiết lộ thận đang gặp nguy hiểm sau:

1. Bọng mắt

Nếu thường xuyên bị bọng mắt, đặc biệt là vào buổi sáng, hãy lưu ý. Điều này có liên quan đến bệnh thận và tim, theo Kidney.org.
Hiện tượng bọng mắt có thể là do thận đang rò rỉ một lượng lớn protein qua nước tiểu.

2. Sưng phù tay chân

Thận lọc chất thải từ máu và loại bỏ lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể.
Khi thận không làm tốt nhiệm vụ, chất lỏng này có thể ở lại trong cơ thể. Sưng bàn tay, bàn chân và mắt cá chân có thể do suy thận hoặc bệnh tim, hãy cẩn thận với triệu chứng này.
Sưng ở chi dưới cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh gan và các vấn đề mạn tính về tĩnh mạch chân.

3. Luôn cảm thấy mệt mỏi

Suy giảm nghiêm trọng chức năng thận có thể dẫn đến sự tích tụ các chất độc và tạp chất trong máu. Điều này có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy nhược và khó tập trung. Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu, có thể gây suy nhược và mệt mỏi.

4. Khó ngủ

Khi thận không lọc đúng cách, các chất độc sẽ lưu lại trong máu. Điều này có thể dẫn đến khó ngủ. Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa béo phì và bệnh thận mạn tính, và người bị bệnh thận mạn tính thường bị chứng ngưng thở khi ngủ, theo The Economic Times Panache.

5. Da khô, ngứa

Thận khỏe mạnh loại bỏ chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi cơ thể và giữ mức cân bằng các khoáng chất trong máu. Da khô và ngứa có thể là dấu hiệu của mất cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu, do thận không hoạt động đúng cách.
Gặp những triệu chứng này, mau đi khám thận trước khi quá muộn1

Suy giảm chức năng thận có thể gây chuột rút

ẢNH: SHUTTERSTOCK

6. Mắc tiểu nhiều hơn

Nếu bạn cảm thấy cần phải đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Khi các bộ lọc của thận bị hư hỏng, nó có thể làm tăng cảm giác muốn đi tiểu. Đôi khi đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.

7. Thấy máu trong nước tiểu

Thận khỏe mạnh thường giữ các tế bào máu trong cơ thể khi lọc chất thải từ máu để tạo nước tiểu, nhưng khi bộ lọc của thận bị hư hỏng, các tế bào máu này có thể bắt đầu "rò rỉ" ra nước tiểu.
Ngoài dấu hiệu của bệnh thận, máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.

8. Nước tiểu có bọt

Có quá nhiều bọt trong nước tiểu - đặc biệt là bong bóng - mà cần phải xả nước nhiều lần mới trôi hết - cho thấy có protein thoát ra trong nước tiểu, theo National Kidney Foundation.

9. Chán ăn, buồn nôn, ói mửa

Đây là một triệu chứng rất chung chung, nhưng sự tích tụ chất độc do giảm chức năng thận có thể là một trong những nguyên nhân.

10. Bị chuột rút

Suy giảm chức năng thận có thể gây mất cân bằng điện giải, như mức canxi thấp và phốt pho được kiểm soát kém có thể góp phần gây ra chứng chuột rút.
Ngoài ra, còn một số dấu hiệu khác như:
Đau cơ
Đau ngực nếu tụ dịch xung quanh niêm mạc tim
Khó thở nếu tụ dịch trong phổi

Những ai có nguy cơ?

Bất kỳ ai cũng có thể phát triển bệnh thận mạn tính, ở mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra bệnh thận mạn tính chính là bệnh tiểu đường và huyết áp cao.
Các yếu tố nguy cơ khác là tiền sử gia đình, béo phì, sử dụng thuốc giảm đau kéo dài, lạm dụng thuốc, bệnh tim mạch nặng hoặc trên 60 tuổi.
Những người này cần phải kiểm tra bệnh thận hằng năm, theo National Kidney Foundation.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.