Thầy trò thời mạng xã hội: Dựa vào ảo, thể hiện giá trị thật

17/11/2019 19:45 GMT+7

Có những hành động ở thế giới ảo nhưng thể hiện giá trị thật: Đó là lời chào hỏi lễ phép, thăm hỏi thầy cô, cùng ôn lại và kể cho thầy cô nghe những điều tuyệt vời trong học tập, trong cuộc sống một cách thật tâm thông qua mạng xã hội .

 Có nhiều người cho rằng mạng xã hội tuy ảo nhưng qua đó học trò có thể  gửi cho thầy cô những câu chúc thật tâm,  thấm đượm lòng biết ơn. Nhiều khi sống thật trên thế giới ảo còn hơn là sống “ảo” ngoài đời thật.
Ngày Nhà giáo Viêt Nam 20.11 lại về, chúng ta có dịp  để tưởng nhớ và tri ân thầy cô – những người đưa đò, kỹ sư tâm hồn và nghệ sĩ trên bục giảng thầm lặng. Mỗi thế hệ học trò, mỗi cá nhân sẽ có cách thể hiện khác nhau tùy vào hoàn cảnh và nguồn lực của chính mình.
Một người bạn ở TP.HCM của tôi chia sẻ: “Mình ở Sài Gòn, được ở gần thầy cô, nhà sát cạnh bên, nên chạy xe chừng vài cây số là tới được nhà". Một người chị ở Bình Thuận, cho hay: “Chị học tập và làm việc tại quê thì chỉ cần chạy về trường là đã thấy thầy cô rồi nên cũng tiện lắm em à”.
Nhưng bên cạnh đó một số học trò phải tha hương cầu thực, xa quê. Những người này,  mỗi lần nhớ về thầy cô chỉ thông qua các cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn, lâu lâu dịp lễ, dịp tết thì mới có cơ hội hàn huyên tâm sự lâu dài .
Nhờ có mạng xã hội mà nhiều cựu học sinh đã liên lạc lại được với thầy cô ngày xưa của mình, rồi  giao tiếp qua mạng xã hội bằng video call. Cô trò dù tương tác không trực tiếp, chỉ qua màn hình điện thoại nhưng vẫn rất vui và cảm nhận cái tình cô trò ấm áp.
Còn các học sinh THCS, THPT  hiện nay vẫn dùng mạng xã hội như là một trong những con đường để bày tỏ với thầy cô của mình. Mỗi dịp 20.11 về,  có lớp  làm một bộ sưu tập các tấm ảnh dễ thương, có phần “lầy lầy” của thầy cô đã dạy thành một video clip, để gửi tặng thầy cô cùng những lời chúc . Có bạn thì “sến” hơn sẽ viết một cái status dài ơi là dài để kể về một kỷ niệm với thầy cô. Có những học sinh chọn cách là inbox riêng để chúc thầy cô...
Mạng xã hội ra đời đáp ứng các nhu cầu liên lạc và thông tin, thể hiện nhu cầu của con người. Xét ở một góc nào đó, mạng xã hội vẫn là một kênh giao tiếp đáng để mọi người quan tâm. Những người học trò không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp các thầy cô của mình để tỏ lòng biết ơn, nay đã mượn mạng xã hội làm cầu nối có thể bằng một bài viết ôn lại kỷ niệm thời đi học, ôn lại những tiết học cùng với thầy cô.
Thể hiện lòng biết ơn quan trọng là xuất phát từ tấm lòng và cách thể hiện sao cho phù hợp. Mạng xã hội, đâu phải chỉ có ảo. Vẫn có những hành động ở thế giới ảo nhưng thể hiện giá trị thật.
Thầy trò thời mạng xã hội: Có nên chúc thầy cô qua mạng? - ảnh 1
Trên là chia sẻ của các thầy cô về tác động của mạng xã hội trong mối quan hệ thầy trò ngày nay. Qua những chia sẻ đó, chúng ta thấy mạng xã hội giúp cho quan hệ thầy trò ngày càng gần gũi hơn, là kênh thông tin giúp cho việc trao đổi bài vở giữa thầy và trò nhanh chóng, tiện lợi hơn. Đặc biệt đây còn là nơi để các em học sinh, sinh viên thổ lộ tâm tư, tình cảm ở lứa tuổi của mình với thầy cô để kịp thời nhận được những chia sẻ, tư vấn phù hợp...
Ở một góc nhìn khác, mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực đến quan hệ thầy trò nếu lạm dụng, không có điểm dừng. Đã có nhiều câu chuyện không hay, đau lòng xảy ra từ những cách cư xử thiếu văn minh, những thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy - trò, thầy cô - phụ huynh và cả hình ảnh người thầy trong xã hội.
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi mạng xã hội.
Với chủ đề Thầy trò thời mạng xã hội, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết, quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Các bài viết đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.