Thay vì 'nuông chiều' hãy dạy con biết tự lập

16/01/2023 07:20 GMT+7

Nhiều bạn đọc đồng tình với bài viết Hệ lụy từ cách giáo dục “nuông chiều”? và cho rằng thương con là phải biết cách để giúp con trưởng thành, biết tự chăm lo cho mình, cho gia đình và giúp ích cho xã hội.

Như Thanh Niên đã thông tin, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM (nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại ĐH Illinois, Mỹ), kể lại câu chuyện: “Trong những bữa ăn trưa, có trường muốn rèn tính tự lập và kỹ năng sống cho trẻ nên để các con tự chuẩn bị bữa ăn, tự phục vụ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không đồng ý, cho rằng mình đóng tiền học cao hằng tháng cho trường là để con được chăm lo chứ không phải tự phục vụ như vậy!”.

Trẻ được giáo dục về kỹ năng tự phục vụ ngay từ nhỏ, lớn lên sẽ không ỷ lại...

THÚY HẰNG

Bà Uyên Phương nhận định đó chính là “tâm thế” nuông chiều. Nghĩa là cha mẹ không muốn con cái phải làm gì ngoài việc học, ở nhà có người giúp việc lo từ bữa ăn, lau dọn nhà cửa đến giặt giũ thì tại sao đến trường con lại phải làm những việc đó? “Không chỉ nuông chiều con, không cho con đụng vào bất cứ việc gì, mà thậm chí con làm sai, con mắc lỗi, nhiều phụ huynh (PH) cũng không dám la mắng hay uốn nắn, điều chỉnh. Đây chính là một thái cực đối lập với quan điểm dạy con bằng kỷ luật hà khắc. Cả hai thái cực này đều không tốt cho con cái”, bà Uyên Phương chia sẻ.

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên Trường THCS Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai, cũng chia sẻ: “Làm giáo viên thời nay áp lực không phải vì sự vất vả, mà áp lực nhiều khi đến từ cách ứng xử của PH. Có nhiều cha mẹ chỉ cần thấy con có một vết xước nhỏ hay bị trách phạt nhẹ nhàng cũng xót con và họ sẵn sàng đến trường trách mắng thầy cô, thậm chí đánh giáo viên. Sự nuông chiều con bất kể đúng sai, thể hiện thái độ gay gắt với thầy cô trước mặt con, vô tình khiến trẻ nghĩ mình là số một, từ đó ra ngoài xã hội, trẻ cũng sẽ ngạo mạn, coi thường người khác”.

Nhiều học sinh lớp 12 không biết nấu cơm !

Đó là nhận xét của một số bạn đọc (BĐ) khi nói về những học sinh (HS) được “nuông chiều” quá mức, dẫn đến những chuyện nhỏ nhặt đều không biết làm. BĐ Le Trinh đặt vấn đề: “Nhiều HS lớp 12 bây giờ hình như chỉ biết nấu mì gói ăn thôi, còn làm cái trứng ốp la, hay nấu cơm điện... cũng không biết làm. Lỗi tại ai?”. BĐ Ziang Nguyen thì chia sẻ: “Tôi nghĩ nấu ăn cũng là một kỹ năng sống rất quan trọng. Vậy mà nhiều PH bây giờ cho học đủ thứ, kể cả cho đi học khóa sinh tồn nhưng lại không dạy cho trẻ biết nấu ăn”. BĐ Tám cũng cho biết: “HS bây giờ, nhiều em được PH coi như bà hoàng, ông vua, cái gì cũng giành làm hết, không cho con làm, sợ con mệt, khổ... Phục vụ con tận răng như vậy, trẻ không ỷ lại, lười biếng mới là chuyện lạ”.

Bây giờ biết trách ai, nhiều bạn trẻ làm PH 9X trở về sau. Cuộc sống họ cũng không vất vả lắm. Và đã có phần được “nuông chiều” thì nay khi làm PH họ cũng “nuông chiều” con với hệ số nhân nhiều lần.

Gods King

Một ngày nào đó bạn “ra đi”, con bạn sẽ sống thế nào khi chẳng biết làm gì để tồn tại, khi đó đời sẽ “dạy” nó tơi tả?

Anh Hoàng

Thiết nghĩ, vấn đề giáo dục “nuông chiều” cần được Báo Thanh Niên tiếp tục mở diễn đàn để có phân tích sâu sắc thêm. Có bạn chứng kiến HS lớp 5 được đút cơm, còn đỡ đấy, vì cơ sở dạy kèm của chúng tôi còn bị dọn dẹp “chiến trường” mất vệ sinh trầm trọng mà các HS lớp 7, lớp 10 để lại…

Lộc Trương

Không chỉ là chuyện nấu ăn cỏn con, sự “nuông chiều” còn để lại những hệ lụy khác. BĐ Lộc Trương nhận xét: “Một trong những hệ lụy mà giáo dục “nuông chiều” gây ra đó là gây áp lực đè nặng lên tâm trí và cách dạy dỗ của thầy cô đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt trước trẻ nhỏ, và cha mẹ của chúng”. Cùng ý kiến, BĐ Hoàng Phong cho biết thêm: “Hệ lụy đó kéo dài lên đến bậc đại học khi mà có những sinh viên tuổi trên 18 nhưng suy nghĩ rất trẻ con, ích kỷ, hời hợt và luôn thích màu mè, hào nhoáng bên ngoài trong khi không sẵn sàng cảm thông và san sẻ với người xung quanh!”.

Dạy con phải biết tự chăm sóc mình

“Ai mà không thương con, mong muốn con được mọi thứ tốt nhất. Nhưng để con không biết làm chút gì cả thì đúng là hại con. Có những điều mà mọi người, bất kể ai, cũng đều phải biết, trong đó điều đầu tiên là phải biết tự chăm lo tốt cho bản thân mình, không ỷ lại vào ai. Thương con thực sự là phải biết cách để giúp con trưởng thành, biết tự chăm lo cho mình, cho gia đình và giúp ích cho xã hội”, BĐ Van Thanh N. đúc kết.

BĐ Lehongphuc3379 nhận xét: “Chán nhiều PH bây giờ lắm. Không dạy con tính tự lập, sau này gặp chuyện rắc rối, con phải làm sao với cuộc đời này?”.

Trong khi đó, nói về việc PH “nuông chiều” con cái, nhìn ở góc độ khác, BĐ bichlienvnm cho biết: “Nói do PH nuông chiều con không cho con làm việc gì thì cũng không đúng. Thử nhìn lại xem, các con đi học cả ngày đến chiều tối mới về, tắm rửa ăn cơm xong là lại phải lao đầu vào làm bài tập ở nhà. Thầy cô nào cũng thi nhau giao bài, con học đến 12 giờ đêm còn không hết bài, thử hỏi thời gian nghỉ ngơi còn không có thì thời gian đâu bắt con làm thêm việc nhà nữa? Ngày nghỉ cuối tuần hay lễ tết thì thầy cô càng tranh thủ giao thêm bài, có chút thời gian thì cũng phải cho con nghỉ ngơi một chút chứ, quá mệt mỏi rồi!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.