Thế giới dốc sức chống biến đổi khí hậu

24/04/2021 06:42 GMT+7

Các lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Mỹ công bố mục tiêu mới là giảm 50 - 52% khí nhà kính từ nay cho đến năm 2030 tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Tổng thống Joe Biden chủ trì vào ngày 22 - 23.4, theo AFP. Ông Biden nhấn mạnh Mỹ “không thể chờ đợi” để dẫn đầu thế giới về vấn đề cấp bách là biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Nhà Trắng thông báo sẽ nỗ lực tăng quỹ hỗ trợ tài chính để giúp các nước nghèo giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó biến đổi khí hậu.

Việt Nam cam kết tiếp tục giảm mạnh điện than

Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, tối 23.4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề “Các lợi ích kinh tế của Hành động khí hậu” tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 22 và 23.4.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, là một nước chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng ĐBSCL, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, trong đó có giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước và giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương, tiếp tục giảm rất mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045, nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện và đang triển khai chương trình trồng 1 tỉ cây xanh đến năm 2025.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ quan điểm của nhiều nước về các lợi ích của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, song cũng nhấn mạnh các nước đang phát triển còn gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi do khó khăn về nguồn vốn và công nghệ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh quá trình chuyển đổi phải công bằng và bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, không để ai “bị bỏ lại phía sau”.
Vũ Hân 
Hội nghị về biến đổi khí hậu lần này thể hiện nỗ lực của thế giới trong việc cắt giảm khí thải carbon và ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ bắt đầu giảm dần việc sử dụng than từ năm 2026 và hướng tới đạt mục tiêu “trung hòa carbon” vào năm 2060. “Trung hòa carbon” là không có sự gia tăng ròng khí thải nhà kính vào khí quyển. Tuy nhiên, mục tiêu cắt giảm khí thải của Trung Quốc vẫn còn thấp hơn so với các nước khác như Anh, Nhật Bản và Canada.

Biến đổi khí hậu đe dọa sinh kế của các "hải nữ" Hàn Quốc

Vào ngày thứ hai của hội nghị, chính phủ Mỹ cử các quan chức cấp cao nhất cùng lãnh đạo doanh nghiệp trình bày về vai trò của công nghệ trong việc phát triển nền kinh tế “có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu”. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Tổng thống Biden, Chủ tịch Tập và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi về việc tăng thuế carbon và đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng xanh, theo AFP.
Biến đổi khí hậu được xem là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với nhiều nguy cơ như thời tiết khắc nghiệt làm giảm năng suất cây trồng cùng những thảm họa khác. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính sẽ có thêm khoảng 32 triệu cho đến 132 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2030 vì tác động của biến đổi khí hậu. WB cũng xác định 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư là: hệ thống cảnh báo sớm, cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp đất khô hạn, bảo vệ rừng ngập mặn và duy trì bền vững nguồn tài nguyên nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.