Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada hôm qua lên tiếng cảnh báo nước này “ngừng can thiệp vào Hồng Kông và vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, theo Đài CBC. Đây là phản ứng của phía Trung Quốc sau khi Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện cấp cao về ngoại giao và an ninh EU Federica Mogherini ra tuyên bố chung bảo vệ “quyền tụ họp ôn hòa của người dân Hồng Kông”. Tuyên bố chung đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang và kêu gọi tất cả các bên giảm căng thẳng. Theo Bộ Ngoại giao Canada, hiện nước này có khoảng 300.000 công dân đang sinh sống tại Hồng Kông.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ mong muốn Trung Quốc giải quyết “một cách phi bạo lực” cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 tháng qua tại đặc khu. Thậm chí, chủ nhân Nhà Trắng còn tỏ ý Bắc Kinh nên giải quyết rốt ráo sự vụ Hồng Kông trước khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt thỏa thuận về thương mại. “Tôi muốn vấn đề Hồng Kông được dàn xếp theo hướng nhân văn và tôi cho là điều này sẽ đóng vai trò tích cực cho thỏa thuận thương mại”, Reuters dẫn lời Tổng thống Trump phát biểu.
Trong khi đó, phe phản đối tại Hồng Kông tiếp tục thông báo các cuộc xuống đường mới trong tuần này. Hôm 18.8, ước tính khoảng 1,7 triệu người tham gia biểu tình, lớn nhất trong vòng nhiều tuần qua, nhưng không xảy ra bạo lực. Đây được cho là diễn biến tích cực sau nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát cũng như với một số nhóm lạ mặt. Cũng trong hôm qua, tờ South China Morning Post dẫn lời giới chức Hồng Kông tuyên bố điều quan trọng hiện nay là khôi phục trật tự xã hội càng sớm càng tốt và sẽ tiến hành đối thoại với người dân “vào thời điểm mọi thứ lắng dịu”.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 19.8 đăng bài xã luận cho rằng bạo lực được ngăn chặn sau khi báo đài đưa tin về hoạt động diễn tập của lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc ở Thâm Quyến, nằm sát Hồng Kông. Đồng thời, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển thí điểm Thâm Quyến lên tầm đô thị của toàn thế giới vào năm 2025, tạo ra “vùng hòa nhập kinh tế - văn hóa” giữa thành phố này với Hồng Kông và Macau. Giới truyền thông trong nước còn khẳng định Thâm Quyến trong tương lai sẽ còn “tốt hơn cả Hồng Kông”, và nếu không nắm bắt cơ hội, sự phát triển của Hồng Kông sẽ bị “giới hạn rất lớn”. Một số chuyên gia nhận định một trong những mục tiêu của kế hoạch này là nhằm tăng cường quản lý hiệu quả 2 đặc khu kinh tế nằm ngoài đại lục.
Bình luận (0)