Rời Sài Gòn năm 18 tuổi (2003), Kevin Phạm (Phạm Khoa, sinh năm 1985) sang Mỹ học tập và định cư. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học công lập California State-Fullerton (Mỹ), Kevin có 5 năm đi làm công ăn lương trước khi anh bắt tay vào phát triển ý tưởng kinh doanh riêng.
Kết hợp mô hình khách sạn con nhộng ở Nhật Bản với quyết tâm thay đổi “văn hóa” ngủ trưa của người Mỹ, Kevin cùng em trai là Ken Phạm (Phạm Khương, sinh năm 1992), sáng tạo nên chiếc xe ngủ tiện lợi - Nappify. Với 4 gian phòng đầy đủ tiện nghi gồm tivi, bàn xếp, loa nghe nhạc, wifi... khách hàng dễ dàng tìm thấy một chỗ ngả lưng êm ái buổi trưa ngay trên chiếc xe do Kevin điều khiển.
Và để người Mỹ có thói quen ngủ trưa hữu ích, những người xây ước mơ sẽ phải hy sinh không ngủ trưa trong vài năm tới.
Trăn trở khởi nghiệp trên đất Mỹ
Từ những ngày đầu đặt chân đến Mỹ, Kevin Phạm đã ấp ủ ý định kinh doanh, dù là chủ một cửa hàng bán thức uống hay một quán ăn nhanh tự phục vụ, anh vẫn cảm thấy hãnh diện vì được tự tay chăm chút “đứa con tinh thần”. Với anh, đây là cách truyền cảm hứng làm việc mỗi ngày cho bản thân và những người xung quanh.
Tuy nhiên, khởi nghiệp ở Mỹ không đơn giản. Ngoài sự yêu thích, bạn còn cần phải trang bị vốn kiến thức sâu rộng, khả năng giao tiếp ứng xử, kinh nghiệm làm việc cùng sự am tường về văn hóa. Và sau 12 năm sống ở xứ cờ hoa, cầm trên tay 2 tấm bằng, cử nhân Tài chính ngân hàng và thạc sĩ Quản trị kinh doanh, chàng trai gốc Việt đã có đủ tự tin biến giấc mơ thành sự thật.
|
Được sự giúp sức về thiết kết của em trai Ken Phạm (sinh viên khoa Thiết kế nội thất, Học viện tự thục Nghệ thuật của Quận Cam) cộng với số vốn hỗ trợ từ người thân, tháng 6 vừa qua, dịch vụ ngủ trưa di động trên xe của Kevin và em trai đã ra mắt và chính thức đi vào hoạt động .
Trong suốt nửa năm phôi thai ý tưởng, mỗi đêm, hai anh em đều dành ra từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ để thống nhất hàng chục thiết kế khác nhau thành một mô hình cuối cùng. Với một người sáng đi làm thuê tối đến chong đen nghiên cứu như Kevin khi đó, việc xúc tiến kế hoạch này giống như tự đặt ra cho bản thân một bài toán hóc búa.
|
Nhiều người nhận định, xe ngủ là một kế hoạch kinh doanh thông minh và ít rủi ro. Bởi việc bỏ ra số vốn 40.000 USD (khoảng hơn 800 triệu đồng), đổi lại bạn được “làm chủ” trên đất Mỹ không phải là số tiền lớn. Nó chỉ bằng 1/3 số vốn đầu tư mở một quán cà phê, chưa kể chi phí mướn mặt bằng và nhân viên phục vụ.
“Mọi người nghe về ý tưởng này họ thường hỏi tôi khi nào sẽ kiếm bạc triệu hay bạc tỷ, bao giờ sẽ thu hồi vốn. Nhưng khi bắt tay thực hiện, bản thân tôi chỉ suy nghĩ rằng đây sẽ là một trào lưu mới, cơ hội cho người Mỹ được tiếp cận văn hóa nghỉ trưa. Hơn ai hết, anh em tôi thấy: ‘Ngủ trưa giống như một chiếc giường êm cho trí óc vậy’, nếu bộ não được nghỉ ngơi thoải mái, nó sẽ đỡ căng thẳng và đủ sáng suốt tỉnh táo để làm việc hiệu quả hơn”, Kevin chia sẻ.
Những điều thú vị về xe ngủ
Để tạo ra một nơi ngủ trưa có một không hai này, anh em nhà Kevin phải lặn lội tìm người thợ chuyên sản xuất xe kéo. Như một định mệnh gắn liền hai cái tên, ông Nappi (người Ý) đã đồng ý giúp Kevin tạo ra một chiếc xe “không đụng hàng” - Nappify .
Kevin kể với Thanh Niên: “Chúng tôi chỉ mô tả thiết kế, vẽ bản nháp về mô hình chiếc xe. Ông Nappi sẽ dựa vào đó để sắp xếp từng chi tiết nhỏ như đặt ổ điện ở đâu, cách lắp hệ thống làm lạnh ra sao, chất liệu sử dụng trong từng phòng thế nào để giảm thiểu tiếng ồn và mang lại cảm giác thoải mái cho người dùng. Tất cả công đoạn đều được ông Nappi làm thủ công 100% từ A tới Z”.
Khi chiếc xe hoàn thành, thạc sĩ gốc Việt lái nó đến các khu trường học, công ty để mời sinh viên, nhân viên văn phòng… ngủ trưa. Sau khi khách ngủ xong, anh sẽ là người thay ga giường, áo gối và hút bụi nếu cần thiết.
|
Trong 2 tháng đầu thử nghiệm, chi phí ngủ trưa trong xe thường ở mức 13 USD/người trong 45 phút (gần 300.000 đồng). Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian cho khách và hiệu quả kinh doanh hơn, Kevin quyết định chuyển sang hướng trả phí theo tháng và sử dụng thoải mái với mức giá dao động từ 30 đến 45 USD Mỹ (600.000 tới 900.000 đồng/tháng) tùy vào vị trí đặt xe và nhu cầu người dùng nhiều hay ít. Khi hết giờ ngủ, khách hàng sẽ được đánh thức bằng đèn thông minh do nhân viên điều khiển.
(TNO) Một cậu bé 11 tuổi ở Anh đã đã bắt đầu công việc kinh doanh từ rất sớm và thành công với doanh thu hơn 100.000 USD/năm (hơn 2,2 tỉ đồng) nhờ bán kẹo. Cửa hiệu của cậu hiện phân phối sản phẩm của hơn 70 công ty khác nhau.
Điều Kevin trăn trở nhất khi điều khiển một chiếc xe đặc biệt như vậy trên đường phố Mỹ, nơi những kiện tụng về tai nạn xảy ra như cơm bữa, chính là sự an toàn.
|
Chàng trai gốc Việt bày tỏ tham vọng nhân bản mô hình xe ngủ lên gấp nhiều lần ở quận Cam, Los Angeles trong vòng 5 năm tới. Khi đó, mỗi chiếc xe không chỉ có thiết bị hiện đại khang trang hơn mà người dùng có thể tự phục vụ mình. Người quản lý sẽ tự động hóa xe ngủ bằng phần mềm hỗ trợ.
“Hãy tự tin vào bản thân và ý tưởng của mình, dùng niềm tin đó truyền cảm hứng cho những người xung quanh”, bài học Kevin có được trong quá trình khởi nghiệp cùng xe ngủ.
Bình luận (0)