Các tập đoàn Nhật ngưng sản xuất để cấp oxy cứu dân Ấn Độ giữa đại dịch

01/05/2021 11:10 GMT+7

Các hãng xe Nhật gồm Suzuki, Honda và Toyota và hãng điện tử Panasonic tạm thời ngừng sản xuất ở Ấn Độ khi chính phủ sở tại kêu gọi các nhà sản xuất chuyển oxy công nghiệp sang sử dụng trong y tế.

Tình hình bệnh dịch Covid-19 lan rộng đang khiến Ấn Độ bị thiếu hụt trầm trọng lượng oxy để dùng trong các bệnh viện. Trong tình thế đó, chính phủ nước này đã kêu gọi các doanh nghiệp chuyển oxy công nghiệp cho ngành y tế nhằm hỗ trợ cho các bệnh viện.

Sau lời kêu gọi, Maruti Suzuki - một công ty con của Suzuki tại Ấn đã tuyên bố tạm ngưng hoạt động của  nhà máy sản xuất ô tô ở Manesar (bang Haryana) và Gurugram (phía bắc New Delhi) từ ngày 1-9.5. Qua đó, Suzuki có thể chuyển một lượng lớn oxy cho các bệnh viện ở Ấn Độ.

Trong sóng thần Covid-19 Ấn Độ, người khá giả cũng thấm đòn như người nghèo

Asia Nikkei dẫn thông báo từ Suzuki chia sẻ rằng: “Trong tình hình hiện tại, chúng tôi tin rằng tất cả oxy sẵn có nên được sử dụng để cứu người”. Một công ty khác thuộc Suzuki ở Ấn Độ là Suzuki Motor Gujarat – nhà sản xuất cho Maruti Suzuki cũng ngừng hoạt động vì cùng mục đích trên.

Danh sách các công ty Nhật ở Ấn Độ ngừng hoạt động để chuyển oxy cho các bệnh viện còn có Honda, Toyota, Panasonic. Trong đó, Honda tại ngừng sản xuất của 4 nhà máy từ ngày 1-15.5, Toyota ngừng hoạt động của 2 nhà máy đến hết ngày 14.5.

Các bệnh viện ở Ấn Độ đang cần bổ sung nguồn oxy

Reuters

Những ngày qua, tình hình lây lan Covid-19 tăng cao ở Ấn Độ với nhiều ngày có thêm khoảng 350.000 ca nhiễm mới và hàng ngàn người chết. Tình hình này khiến cho nhu cầu oxy tăng cao ở nhiều bệnh viện, vì việc cấp đủ oxy là một trong các yếu tố sống còn giúp người nhiễm Covid-19 chống chọi với diễn biến của bệnh này.

Trong khi đó, nguồn oxy lại không đủ cung cấp cho các bệnh viện ở Ấn Độ nên oxy trở nên vô cùng quý giá ở nước này, việc vận chuyển oxy ở Ấn Độ giờ đây được bảo vệ chặt chẽ bởi lực lượng an ninh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.