Đông Nam Á trong xung đột thương mại Mỹ - Trung
23/09/2018 12:29 GMT+7
Nhiều công ty hoạt động ở Trung Quốc đang muốn chuyển sang Đông Nam Á để tránh ảnh hưởng từ cuộc xung đột thương mại Mỹ -Trung đang leo thang.
Tự động phát
Theo dự kiến, vào ngày mai 24.9, lệnh áp thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu của nhau do Mỹ và Trung Quốc đưa ra sẽ chính thức có hiệu lực. Cụ thể, Mỹ áp thuế lên 200 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc với mức ban đầu là 10% và đến tháng 1.2019 là 25%. Đáp lại, Trung Quốc sẽ áp thuế lên 60 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Mỹ, với thuế suất 5% và 10%. Trước đó, hai bên đã đánh thuế hàng của đối phương trị giá 50 tỉ USD từ tháng 7, và Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông có thể đánh thuế lên thêm 267 tỉ USD giá trị hàng nhập từ Trung Quốc.
[VIDEO] Trung Quốc hủy đàm phán thương mại với Mỹ
|
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon khẳng định chiến lược của Tổng thống Trump là biến cuộc xung đột thương mại “trở thành nỗi đau khó chịu đựng chưa có tiền lệ” đối với Bắc Kinh và chủ nhân Nhà Trắng sẽ không lui bước cho đến khi chiến thắng. Theo Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc (EUCCC), xung đột thương mại gia tăng có thể sẽ dẫn tới tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm, mất hàng triệu việc làm và chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc. Để ứng phó, nhiều công ty hoạt động ở nước này đang tìm cách mở rộng hoặc chuyển dây chuyền sản xuất sang những khu vực khác.
“Thiên đường an toàn”
Theo khảo sát trên 200 doanh nghiệp do EUCCC tiến hành, 7% đã hoặc đang chuyển cơ sở sản xuất của họ khỏi Trung Quốc và tỷ lệ này có thể tăng lên vì nhiều công ty đang đánh giá tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung trước khi đưa ra quyết định. Kết quả thăm dò cho thấy nhiều công ty châu Âu hoạt động ở Trung Quốc rất lo ngại và phần lớn đang cân nhắc dời dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines. SCMP dẫn các nguồn tin cho hay động thái này nhằm né thuế áp lên những linh kiện nhập khẩu từ Mỹ để lắp ráp và sản xuất ở Trung Quốc.
[VIDEO] Công nghiệp robot Trung Quốc 'đóng băng' giữa chiến tranh thương mại
|
Trong một cuộc khảo sát tương tự do Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải tiến hành, khoảng 1/3 trên hơn 430 công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đã và đang xem xét chuyển cơ sở sản xuất sang các khu vực khác. Trong đó, Đông Nam Á đứng đầu danh sách điểm đến. Bloomberg dẫn lời Giám đốc nghiên cứu Nicholas Kwan thuộc Hội đồng phát triển thương mại Hồng Kông gọi Đông Nam Á là “thế lực kinh tế” và “thiên đường an toàn” cho các doanh nghiệp trong lúc căng thẳng thương mại dâng cao.
Công ty nhân lực DHR International, có trụ sở tại Chicago (Mỹ) cho hay nhiều công ty hoạt động ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Bangladesh. “Trung Quốc đại lục vẫn là cơ sở sản xuất quan trọng đối với nhiều công ty. Tuy nhiên, chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu tuyển dụng tăng cao ở Đông Nam Á khi nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất ra bên ngoài để chuẩn bị đối phó chiến tranh thương mại”, Chủ tịch DHR Christine Greybe nói.
Lo chi phí lao động tăng
Bên cạnh đó, nhiều công ty điện tử Đài Loan hoạt động ở Trung Quốc cũng muốn chuyển sang Đông Nam Á. “Nhiều công ty Đài Loan đã đầu tư ở đại lục trước đây vì chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các đòn áp thuế của Tổng thống Trump đang đẩy họ chuyển sang Đông Nam Á”, nhà kinh tế học Thái Minh Phương tại Đại học Đạm Giang (Đài Loan) nhận định với Bloomberg.
Ngoài ra, ông David Nagy, đối tác quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty nhân lực DHR, cho biết thêm những điểm đến được ưa chuộng gồm có VN, Malaysia và Thái Lan. “Nhiều công ty không di chuyển hoàn toàn khỏi đại lục nhưng muốn thiết lập thêm dây chuyền sản xuất ở các quốc gia Đông Nam Á”, ông Nagy nói. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới việc tuyển dụng nhân sự ở khu vực này. “Từ khi xung đột thương mại khởi phát, chúng tôi nhận thêm yêu cầu từ các công ty muốn biết về quy định làm việc và những vấn đề khác về nhân lực ở Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Bangladesh vì họ đang xem xét chuyển một phần hoạt động từ Trung Quốc sang những nước này”, ông Jerry Chang, Giám đốc Công ty nhân lực quốc tế Barons & Company, cho SCMP hay.
Tờ The Wall Street Journal hôm qua dẫn một số nguồn tin cho hay Trung Quốc quyết định hủy cuộc đàm phán thương mại mới với Mỹ, dự kiến diễn ra trong vài ngày tới. Trước đó, giới chức và các chuyên gia Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ không đàm phán “khi bị chĩa súng vào đầu”. Mặt khác, Bắc Kinh được cho là đang lên kế hoạch giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các đối tác thương mại khác trừ Mỹ, có thể bắt đầu từ tháng 10, nhằm giảm chi phí tiêu dùng giữa lúc xung đột thương mại với Washington ngày càng leo thang, theo Bloomberg. |
Bình luận (0)