Giải mã tên lửa mới của Triều Tiên

Văn Khoa
Văn Khoa
14/10/2020 09:52 GMT+7

Giới phân tích cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Triều Tiên vừa ra mắt có thể gây khó khăn cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Giới chức Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 12.10 tiết lộ đang phân tích thông tin về loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới được trình làng trong cuộc duyệt binh mừng 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng vào sáng 10.10.
Đây được cho là một trong những loại vũ khí chiến lược nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un hồi đầu năm tuyên bố sẽ ra mắt với thế giới trong tương lai gần.

Tên lửa “quái vật”

Trong cuộc duyệt binh, ICBM mới được chở trên một hệ thống phóng di động (TEL) với 11 trục bánh, nhiều hơn 2 trục bánh so với TEL chở ICBM Hwasong-15, được Triều Tiên phóng thử vào cuối tháng 11.2017.

Triều Tiên 'khoe' tên lửa liên lục địa 'quái vật'

 
Giải mã tên lửa mới của Triều Tiên

Hình ảnh được cho là tên lửa Pukguksong-4 tại cuộc duyệt binh

Ảnh: Chụp từ clip

Giới chuyên gia cũng chú ý loại tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới được trình làng trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng hôm 10.10.
Họ bình luận SLBM mới, được biết với tên gọi “Pukguksong-4”, dường như có đường kính lớn gấp 2 - 3 lần so với phiên bản Pukguksong-1 và cũng lớn hơn đường kính của Pukguksong-3, theo Yonhap.
Pukguksong-4 có thể sẽ được trang bị cho một loại tàu ngầm mới đang được đóng ở Triều Tiên. Tàu này được cho là có khả năng mang tới 3 - 4 SLBM.
Giáo sư Chang Young-keun tại Đại học Không gian vũ trụ Hàn Quốc ước tính ICBM mới dài hơn Hwasong-15 từ 1 - 2 m, lên tới 23 - 24 m, và có đường kính lớn hơn 30 - 40 cm. Ông Chang cho rằng đường kính của ICBM mới lớn hơn so với Hwasong-15 là do sử dụng động cơ mới được thử hồi tháng 12.2019, theo Yonhap. Bình Nhưỡng tuyên bố cuộc thử nghiệm khi đó có tác động quan trọng đối với việc thay đổi vị trí chiến lược của Triều Tiên và tăng “khả năng răn đe hạt nhân chiến lược đáng tin cậy” của nước này.
Bên cạnh đó, chuyên gia Michael Elleman, Giám đốc về chính sách hạt nhân và hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh), ước tính ICBM mới của Triều Tiên có thể mang theo đầu đạn nặng 2.000 - 3.500 kg và đủ sức bắn đến bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ. Vì thế, hỏa tiễn này có khả năng vượt cả loại R-16 hay R-26 do Liên Xô phát triển mà chưa bao giờ được triển khai, theo Reuters.
“Nếu Hwasong-15 có thể mang đầu đạn hạt nhân “siêu lớn” đến bất kỳ nơi nào ở Mỹ, thì câu hỏi đặt ra là tên lửa lớn hơn này có thể mang thứ gì”, ông Markus Garlauskas, cựu sĩ quan tình báo Mỹ về Triều Tiên, đặt vấn đề.
Với những phân tích trên, ICBM mới của Triều Tiên được cho là có thể bay tương đương hoặc xa hơn so với Hwasong-15, vốn có tầm bắn 12.874 km, đủ sức tấn công mọi mục tiêu ở lục địa Mỹ, theo Yonhap.

Tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc?

Ngoài ra, giới chuyên gia đánh giá ICBM mới của Triều Tiên có thể được thiết kế để mang thiết bị chứa nhiều đầu đạn dẫn đường độc lập (MIRV), cho phép nó tấn công thêm nhiều mục tiêu cùng lúc và khó bị đánh chặn hơn.
“Rõ ràng, Triều Tiên đang nghĩ về cách đương đầu với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ”, tờ The Japan Times dẫn lời nhà phân tích kỳ cựu Malcolm Davis tại Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược của Úc. Ông Davis cho rằng việc trang bị khả năng áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương bằng nhiều đầu đạn và thiết bị hỗ trợ xâm nhập như Triều Tiên đang làm ít tốn kém hơn so với việc Mỹ bổ sung tên lửa đánh chặn.
Một số chuyên gia cho rằng một ICBM có 3 - 4 đầu đạn có thể đòi hỏi Mỹ chi khoảng 1 tỉ USD cho 12 - 16 tên lửa đánh chặn để đối phó.
Trong khi đó, vẫn có ý kiến cho rằng chưa rõ liệu ICBM trên là vũ khí thật hay chỉ là mô hình. Về vấn đề này, giới chuyên gia khuyến cáo không nên đánh giá thấp các khả năng của Triều Tiên, kể cả ICBM mới, theo The Japan Times.
“Nên nhớ rằng nhiều nhà quan sát từng không chú ý khả năng của Bình Nhưỡng nâng cao tầm bắn và các khả năng trang bị đầu đạn cho các lực lượng tên lửa và họ đã sai khi Triều Tiên phóng thử thành công các hệ thống mới. Chúng ta thường quên rằng Triều Tiên có một trong những chương trình tên lửa tinh vi nhất trên thế giới”, Giáo sư Andrew O’Neil, tại Đại học Griffith (Úc), nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.