Gian nan cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Vũ Hán

02/02/2021 07:00 GMT+7

Sau khi vấp phải nhiều cản trở, cuối cùng phái đoàn điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang có mặt ở TP.Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi xuất hiện các ca Covid-19 đầu tiên, dù Trung Quốc luôn muốn bác bỏ điều này.

Ngày 31.12.2019, chợ hải sản Hoa Nam đã bị đóng cửa trong đêm sau khi có liên quan đến 4 ca “viêm phổi lạ”. Tính đến cuối tháng 1.2020, Vũ Hán đã trải qua 76 ngày bị phong tỏa.
Thế nhưng, phải đợi đến ngày 31.1.2021, nhóm điều tra của WHO mới đặt chân đến chợ Hoa Nam, theo Reuters.

Nghi vấn vi rút “xổng chuồng”

Vào ngày cuối năm 2019, Văn phòng đại diện của WHO tại Trung Quốc phát hiện tin tức về “bệnh viêm phổi do vi rút gây ra” trên website của Ủy ban Y tế TP.Vũ Hán, và yêu cầu chính quyền sở tại cung cấp thêm thông tin. Đến ngày 3.1.2020, Trung Quốc bắt đầu cập nhật tin tức cho WHO về đợt bùng phát dịch bệnh “viêm phổi lạ” ở Vũ Hán.
Phải gần một tuần sau, WHO mới được chính quyền Bắc Kinh thông báo rằng “hung thủ” gây bệnh là một vi rút Corona chủng mới, chưa từng được phát hiện trước đó. Ba ngày sau, WHO loan tin “các cuộc điều tra sơ bộ do Trung Quốc thực hiện không tìm thấy chứng cứ cho các trường hợp lây từ người sang người”.

WHO phản đối các chỉ trích về cuộc điều tra Covid-19 ở Trung Quốc

Đến ngày 23.1.2020, Vũ Hán chính thức bị phong tỏa sau khi số ca nhiễm vi rút mới tăng vọt, nhiều người thiệt mạng, và một số quốc gia bắt đầu xác nhận những ca đầu tiên. Khi đó, báo đài phương Tây nhắc lại, một chuyên gia về an ninh sinh học của Mỹ là ông Tim Trevan vào năm 2017 đã cảnh báo trên chuyên san Nature về nguy cơ vi rút phát tán khỏi phòng thí nghiệm được khai trương cùng năm tại Vũ Hán. Đó là Phòng thí nghiệm an ninh sinh học quốc gia Vũ Hán, nằm cách ổ dịch chợ hải sản Hoa Nam khoảng 36 km. Một phòng thí nghiệm khác cũng vào tầm ngắm là Viện Vi rút học Vũ Hán cũng trên địa bàn thành phố.

Đủ loại cản trở

Ngày 30.1.2020, WHO tuyên bố đợt bùng phát vi rút Corona mới gây viêm phổi Vũ Hán là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”, nhưng vẫn chưa đưa ra khuyến nghị về hạn chế đi lại hay hạn chế thương mại với Trung Quốc.
Vào thời điểm này, thế giới gây áp lực buộc Trung Quốc phải cho phép một đoàn chuyên gia WHO đến Bắc Kinh để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tuy nhiên, phải gần đến 2 tuần, Bắc Kinh hôm 9.2.2020 mới đồng ý về thành phần các chuyên gia có mặt trong đoàn, theo Reuters. Ban đầu, giới chức tỉnh Hồ Bắc từ chối tiếp đoàn vì trong giai đoạn then chốt chống Covid-19, nhưng cuối cùng cũng nhượng bộ. Tuy nhiên, chuyến đi này không đưa ra kết luận về nguồn gốc dịch bệnh.

EU quyết liệt "giành" vắc xin Covid-19, có thể chặn xuất khẩu

Đến tháng 4.2020, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump tuyên bố ngừng góp quỹ cho WHO, cáo buộc tổ chức thiên vị Trung Quốc và không thực thi trách nhiệm của mình, đồng thời ông gọi dịch Covid-19 là “vi rút Trung Quốc”. Ngày 22.4.2020, Úc kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập nhằm xác định nguồn gốc của Covid-19. Gần một tháng sau, ông Mike Pompeo, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, tố cáo Trung Quốc từ chối cho các nhà điều tra tiếp cận các cơ sở khả nghi ở Vũ Hán, như hai phòng thí nghiệm đề cập ở trên và chợ Hoa Nam.
Phải đến tháng 8 năm ngoái, nhóm 2 chuyên gia WHO mới hoàn tất chuyến tiền trạm chuẩn bị cho cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Ngày 18.12.2020, WHO thông báo sẽ gửi nhóm điều tra đến Vũ Hán trong tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên, ngày 6.1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom bày tỏ thất vọng vì các chuyên gia của tổ chức này vẫn chưa được Bắc Kinh cấp thị thực nhập cảnh, khiến họ đã lên đường đến Trung Quốc nhưng phải quay lại. Gần 1 tuần sau, Bắc Kinh mới xác nhận đoàn WHO sẽ đến Vũ Hán. Và đến ngày 31.1, tiến trình tìm hiểu thực địa mới bắt đầu.

Bản tin Covid-19 ngày 1.2: Hà Nội thành 'điểm nóng' mới, Bắc Giang xuất hiện lây nhiễm cộng đồng

AstraZeneca tăng cung ứng vắc xin cho EU
Hãng dược AstraZeneca (Anh) vừa cam kết sẽ tăng số lượng vắc xin Covid-19 được phân phối đến các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) lên 30%. Tuần trước, hãng thông báo có thể chỉ phân phối khoảng 1/4 số liều đã cam kết với EU trong quý 1 năm nay, do một số vấn đề tại một nhà máy ở châu Âu.
Tuy nhiên, AFP ngày 1.2 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho hay hãng vừa đồng ý cung cấp thêm 9 triệu liều và sẽ bắt đầu phân phối sớm hơn 1 tuần so với kế hoạch. Một nguồn tin cho hay các lô hàng đầu tiên sẽ được giao vào tuần thứ 2 của tháng 2. Bên cạnh đó, theo bà Von der Leyen, AstraZeneca cũng sẽ gia tăng sản xuất vắc xin ở châu Âu. Thông tin được đưa ra sau khi bà trao đổi với lãnh đạo các hãng dược đã ký hợp đồng cung cấp vắc xin Covid-19 cho EU. 
Khánh An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.