Liên minh Cứu sông Mê Kông kêu gọi hủy bỏ đập Luang Prabang

Vũ Hân
Vũ Hân
08/10/2019 19:01 GMT+7

Trước việc Chính phủ Lào khởi động quy trình tham vấn để xây đập thứ 5 trên sông Mê Kông , Liên minh cứu sông Mê Kông đã kêu gọi hủy bỏ lập tức đập này vì có thể gây thiệt hại to lớn cho dòng sông.

Theo Liên minh này, Mê Kông đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Biến đổi khí hậu và các con đập lớn trên dòng chính và các dòng nhánh đang khiến dòng chảy và mực nước sông Mê Kông trở nên khó lường hơn.
Từ mức thấp kỷ lục trong tháng 6 và tháng 7 đến lũ lụt lớn ở nhiều vùng trong lưu vực vào tháng 8 và tháng 9, các đập thủy điện đã làm trầm trọng thêm tác động đến sông và người dân.
Thay vì thực hiện các bước khẩn cấp để giải quyết tình trạng suy giảm nhanh chóng về sức khỏe và năng suất của hệ thống sông, ngày 31.7.2019, Chính phủ Lào chính thức thông báo cho Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về ý định xây dựng một dự án đập lớn khác trên dòng chính.
Đập Luang Prabang là đập thứ 5 được trình lên để tham vấn trước theo Quy trình Thông báo trước, Tham vấn và Thỏa thuận (PNPCA).
“Liên minh Cứu sông Mê Kông quan ngại sâu sắc về các kế hoạch bắt đầu quy trình tham vấn trước cho đập Luang Prabang bởi những lo ngại về tác động từ các đập dòng chính hiện có và các đập được đưa ra tham vấn trước đó vẫn chưa được giải quyết. Do đó, chúng tôi kêu gọi hủy bỏ đập Luang Prabang và các đập dòng chính được lên kế hoạch khác”, Liên minh Cứu sông Mê Kông cho biết trong thông cáo.

Sông Mê Kông đoạn chảy qua Luang Prabang (Lào)

Ảnh Liên minh Cứu sông Mê Kông 

Liên minh này cho rằng, việc khởi xướng tham vấn trước cho đập Luang Prabang đã bỏ qua các bằng chứng khoa học về các tác động tiêu cực và không thể đảo ngược mà các đập chính sẽ gây ra, với toàn lưu vực vốn từng được MRC và các tổ chức khác chỉ ra.
Nếu được xây dựng, đập Luang Prabang, kết hợp với các đập Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi sông Mê Kông ở toàn bộ vùng bắc Lào thành một chuỗi hồ nước theo bậc, dẫn đến thiệt hại lớn và không thể đảo ngược đối với sức khỏe và năng suất của dòng sông.
Điều này có nghĩa là nhiều lợi ích kinh tế và xã hội mà dòng sông mang lại sẽ bị mất và dòng sông sẽ trở thành kênh nước để phát điện, chủ yếu mang lại lợi ích cho các công ty thủy điện.
Liên minh cứu sông Mê Kông cũng nhấn mạnh các quy trình tham vấn trước cho 4 đập chính, gồm: Xayaburi (2010-2011), Don Sahong (2014-2015), Pak Beng (2016-2017) và Pak Lay (2018-2019) cho đến nay hầu như không giải quyết được các lo ngại về tác động cũng như yêu cầu nghiên cứu và thông tin thêm.
Từ những sai sót nghiêm trọng trong các quy trình tham vấn trước cho đến nay, rất ít chỉ dấu cho thấy quy trình tham vấn trước đối với đập Luang Prabang sẽ khác với các đập trước, hay có thể đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Liên minh cứu sông Mê Kông cũng kêu gọi PV Power, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), không tham gia vào dự án này, vì đập Luang Prabang sẽ làm trầm trọng thêm các tác động trên sông Mê Kông và đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, nhấn mạnh không cần đến các đập dòng chính để đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực. Báo cáo tóm tắt năm 2018 của MRC lưu ý rằng vào năm 2040, Lào có kế hoạch xuất khẩu 11.739 MW điện sang Thái Lan, trong khi các kế hoạch của Thái Lan cho biết họ sẽ chỉ nhập 4.274 MW.
Mức chênh lệch gần 7.500 MW này lớn hơn công suất lắp đặt của cả 7 đập dòng chính được lên kế hoạch, hoặc đang được xây dựng ở Lào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.