Vấn nạn khai thác cát trên sông Mê Kông

26/09/2019 07:35 GMT+7

Hoạt động khai thác cát ồ ạt trên sông Mê Kông, nhất là ở Campuchia, dẫn đến nhiều hậu quả lâu dài và đe dọa đời sống người dân.

Trong báo cáo gần đây, cơ quan Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cảnh báo hoạt động khai thác cát hợp pháp lẫn bất hợp pháp đang làm xói mòn vùng châu thổ, bờ biển khắp thế giới, từ Campuchia cho đến Colombia. Hoạt động này đang hủy hoại môi trường, đe dọa sinh kế của nhiều người dân, trong khi quy định pháp luật chưa bắt kịp nhu cầu về cát xây dựng, theo UNEP. Cụ thể, sông Mê Kông đang đối mặt với nhiều mối đe dọa bao gồm các đập thủy điện và khai thác cát do nhu cầu đô thị hóa ở Đông Nam Á, trong đó Campuchia xuất khẩu nhiều cát nhất.

Người nghèo phải trả giá

Nhu cầu về cát xây dựng trên thế giới khoảng 40 - 50 tỉ tấn mỗi năm, theo UNEP. Quyền giám đốc điều hành UNEP Joyce Msuya lưu ý mặc dù hậu quả đã được ghi nhận tại nhiều nơi, nhưng nhiều quốc gia chưa kịp thời điều chỉnh luật và hành động kiên quyết để kiểm soát hoạt động khai thác cát. “Các cộng đồng ở Đông Nam Á hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Giải pháp về mặt pháp lý khó thực thi một khi nền kinh tế dựa trên cát và nhu cầu về cát luôn ở mức cao nhưng không có vật liệu khác thay thế”, theo chuyên gia Marc Goichot thuộc Tổ chức Worldwide Fund for Nature (Thụy Sĩ).
Trong năm 2015, Campuchia đứng thứ 7 trong số 20 quốc gia xuất khẩu cát hàng đầu thế giới với doanh thu hơn 53 triệu USD (1.229 tỉ đồng), theo tờ The Asean Post. Số liệu mới đây của tổ chức xếp hạng quốc gia xuất khẩu nhiều nhất thế giới WTEx cho thấy Campuchia chỉ thu về 34,6 triệu USD trong năm 2018. Tuy nhiên, Campuchia vẫn xếp thứ 7 trong số 15 nước xuất khẩu cát nhiều nhất thế giới, còn Mỹ đứng đầu và Việt Nam thứ 15. Theo WTEx, Campuchia còn là nhà xuất khẩu cát có tỷ lệ tăng trưởng hằng năm mạnh nhất (4.620%) tính từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, người dân nghèo ở Campuchia phải trả giá cho doanh thu ấn tượng này, theo báo cáo của tổ chức phòng chống nghèo đói toàn cầu Borgen Project (Mỹ).
Chẳng hạn, nhiều hộ dân sống ven sông ở huyện S'ang (tỉnh Kandal, Campuchia) đang gánh lấy hậu quả. “Cuộc sống không còn yên bình như trước do tiếng gầm rú từ máy nạo vét, hút cát liên tục suốt ngày đêm”, ông Liou Lihout, một người dân ở S’ang, nói với Đài DW. Còn người hàng xóm Sok-Jang thì mất căn nhà chỉ vài tháng sau khi cỗ máy nạo vét xuất hiện. “Bờ sông sạt lở, cuốn trôi mọi thứ. Tôi vay tiền ngân hàng mua căn nhà này, ngay khi tôi dọn đến, họ bắt đầu khai thác cát”, ông Sok-Jang chia sẻ.

Hậu quả lâu dài

Sau nhiều lần phản ánh từ các tổ chức bảo vệ môi trường và báo đài địa phương, chính phủ Campuchia hồi năm 2016 quyết định ngừng hoạt động hoặc hạn chế khai thác cát để xuất khẩu tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng như tỉnh Koh Kong. Một năm sau đó, Campuchia cấm xuất khẩu cát sang Singapore do lo ngại về môi trường bị hủy hoại, nhưng việc khai thác phục vụ thị trường trong nước vẫn tiếp diễn. Hồi tháng 4, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố sẽ tăng cường quản lý và xử lý tình trạng khai thác cát “hỗn loạn”, theo tờ The Phnom Penh Post.
Dù vậy, người dân ở Koh Kong cùng nhiều nơi khác đang phải hứng chịu hậu quả bất kể việc hút cát kết thúc hoặc hạn chế. “Do khai thác cát quá mức, hệ sinh thái bị hủy hoại dẫn đến thủy sản dần biến mất tại nhiều nơi. Người dân địa phương vốn phụ thuộc vào đánh bắt, lần lượt bỏ đi nơi khác để tìm kế sinh nhai. Đó chính là hậu quả lâu dài”, nhà đồng sáng lập Tổ chức bảo vệ môi trường Mother Nature, ông Alex Gonzalez-Davidson, cho biết. Giống như Campuchia, người dân ở Lào, Myanmar và Việt Nam cũng đang chứng kiến tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.