Mỹ phát triển bom hạt nhân chiến thuật

Văn Khoa
Văn Khoa
04/02/2018 07:57 GMT+7

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đề xuất đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân và phát triển loại bom hạt nhân cỡ nhỏ, chủ yếu để đối phó Nga.

Lầu Năm Góc hôm qua công bố tài liệu chính sách mang tên Đánh giá tình hình hạt nhân (NPR), khẳng định trong lúc Mỹ tiếp tục giảm số lượng vũ khí hạt nhân thì những nước khác như Nga và Trung Quốc đang làm theo hướng ngược lại. Tài liệu nhấn mạnh Mỹ sẽ giải quyết những thách thức về nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu là hạt nhân, từ Nga và Trung Quốc cùng một số nước khác. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010 Bộ Quốc phòng Mỹ dự báo những mối đe dọa hạt nhân trong tương lai, theo AFP. Tuy đề cập quan ngại của chính quyền Washington đối với CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Iran, nhưng tài liệu phần lớn tập trung vào Nga. “Chiến lược của chúng ta sẽ làm cho Nga hiểu rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào, dù hạn chế, vẫn không được chấp nhận”, NPR nhấn mạnh.
Hiện nay Lầu Năm Góc lo ngại Moscow đang nhận định rằng Washington sẽ không bao giờ sử dụng tới bom hạt nhân có sức công phá lớn vì có thể dẫn tới sự hủy diệt khủng khiếp, đồng nghĩa với việc loại vũ khí này không có tác dụng răn đe. “Có nhiều chỉ dấu cho thấy sự bố trí và các khả năng chiến lược hiện nay của chúng ta bị phía Nga xem là không đủ sức răn đe họ”, Phó giám đốc về khả năng chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Greg Weaver phát biểu với giới phóng viên.
Theo NPR, việc phát triển vũ khí hạt nhân có sức công phá thấp, hay còn được gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật, sẽ thách thức giả định của Nga. Loại vũ khí này có đương lượng nổ dưới 20 kiloton, nhưng vẫn có sức hủy diệt. Quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào tháng 8.1945 có đương lượng nổ ước tính 15 kiloton, cướp đi mạng sống tức thì của khoảng 70.000 người.
Giới chức Mỹ lập luận với sức công phá và hủy diệt thấp, bom hạt nhân chiến thuật có thể được dùng tới nên sẽ tạo ra khả năng răn đe hiệu quả. Từ đó, NPR đề xuất trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và về lâu dài sẽ phát triển một loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân mới phóng từ tàu ngầm hoặc tàu chiến mặt nước. NPR còn kêu gọi trang bị vũ khí hạt nhân cho chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới F-35. Theo đó, F-35 có thể đảm nhận vai trò triển khai bom hạt nhân B-61, với đương lượng nổ từ 0,3 - 340 kiloton.
Trong khi đó, giới phản đối lo ngại những loại vũ khí như trên có thể xóa mờ sự khác biệt giữa các hệ thống vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân nên càng làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân. “Nếu chúng ta gắn vũ khí hạt nhân cho tên lửa hành trình và khi chúng ta phóng tên lửa hành trình bình thường, làm sao Nga biết được đó là tên lửa thường?”, ông Jon Wolfsthal, cố vấn cấp cao về kiểm soát vũ khí dưới thời Tổng thống Barack Obama, đặt vấn đề và cho rằng điều này có nguy cơ dẫn tới tính toán sai lầm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.