Mỹ tái bố trí binh sĩ sang Indo-Pacific để đối phó Trung Quốc

05/07/2020 14:13 GMT+7

Quân đội Mỹ sẽ tổ chức lại lực lượng binh sĩ trên toàn cầu, điều thêm hàng ngàn lính đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific) để đối phó Trung Quốc .

Cụ thể, hàng ngàn lính Mỹ đóng quân ở Đức dự kiến sẽ được triển khai đến các căn cứ ở đảo Guam, bang Hawaii, bang Alaska của Mỹ; Nhật Bản và Úc, theo chuyên san Nikkei Asian Review ngày 5.7.

Thay đổi chiến lược

Trong thời Chiến tranh Lạnh, các nhà chiến lược quân sự Mỹ ưu tiên duy trì lực lượng bộ binh quy mô lớn ở châu Âu nhằm đề phòng Liên Xô. Trong thập niên 2000, trọng tâm chủ yếu tập trung vào khu vực Trung Đông, khi đó Mỹ tiến hành "cuộc chiến chống khủng bố" tại Iraq và Afghanistan. Đến nay, ưu tiên của Mỹ chuyển sang đối phó Trung Quốc.
Trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal cuối tháng 6, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien nhấn mạnh: “Để chống lại hai đối thủ Trung Quốc và Nga, quân đội Mỹ sẽ phải triển khai các lực lượng ở nước ngoài theo hướng tiến bộ và viễn chinh hơn so với những năm gần đây".
Để đạt được mục tiêu này, Mỹ sẽ giảm số lượng binh sĩ đóng quân ở Đức từ 34.500 lính xuống còn 25.000 lính. Khoảng 9.500 binh sĩ Mỹ rời khỏi Đức sẽ được điều động đến những nơi khác ở châu Âu, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc trở về Mỹ.
“Riêng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ và các đồng minh phải đối mặt thách thức địa chính trị quan trọng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Cụ thể là Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân sự. Sách trắng quốc phòng Nhật Bản đã chỉ ra rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc thực sự cao hơn ngân sách được công bố chính thức hàng năm, cao gần gấp ba lần Nga", theo ông O'Brien.
Đáng chú ý là Bắc Kinh tập trung vào chiến lược “chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực” (A2/AD) nhằm ngăn chặn các tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ tiếp cận bờ biển Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc trong những năm gần đây tăng cường phát triển các hệ thống tên lửa và radar với độ chính xác cao hơn.

Ba xu hướng chiến lược quân sự của Mỹ

Các nhà phân tích đánh giá quân đội Mỹ có 3 xu hướng triển khai lực lượng trên toàn cầu để đối phó Trung Quốc.
Một là sự dịch chuyển lực lượng từ châu Âu cùng Trung Đông sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hai là quân đội Mỹ chuyển hướng từ chiến đấu trên bộ sang khái niệm Air-Sea Battle (tức tác chiến trên không-trên biển hay còn gọi là Tác chiến Không-Hải).
Ba là giảm chi tiêu quốc phòng theo đúng tinh thần của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm phát triển lực lượng nhỏ gọn nhưng tinh nhuệ hơn.
Bài viết của cố vấn an ninh quốc gia O'Brien trên tờ The Wall Street Journal đã thể hiện rõ ba xu hướng này.

Chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet bay phía trên tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt trong cuộc tập trận trên biển Philippines ngày 23.6

Quân đội Mỹ

Về mặt địa chính trị, sự dịch chuyển khỏi Trung Đông diễn ra sau khi mối quan tâm của Washington giảm dần vì đã hạn chế sự phụ thuộc vào khu vực này về năng lượng dầu khí.
Hồi năm 2011, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra chính sách tái cân bằng hay còn gọi là xoay trục sang châu Á. Chính quyền ông Obama từng thừa nhận việc tập trung vào Trung Đông tạo ra khoảng trống ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và điều này giúp Trung Quốc trỗi dậy.
Về mặt chiến lược, quân đội Mỹ chuyển hướng trọng tâm, tập trung nguồn lực cho Hải quân và Không quân vì nguy cơ bùng nổ cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn ở châu Âu được đánh giá là giảm dần.
Mỹ công bố khái niệm Tác chiến Không-Hải hồi năm 2010, trong đó bao gồm chiến thuật dùng máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ A2/AD của Trung Quốc.
Theo khái niệm này, lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ với khả năng đổ bộ cùng sức mạnh không quân lẫn hải quân là yếu tố quyết định trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.