Phát biểu tại Viện Brookings ở thủ đô Washington D.C hôm 23.10, Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer đã phân tích hết sức rõ ràng chiến lược mà Trung Quốc đang triển khai trong lúc mưu đồ thách thức Mỹ trên bình diện toàn cầu.
Theo ông, Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận tổng lực, phối hợp kín kẽ và xuyên suốt giữa lĩnh vực công và tư để đua tranh với Mỹ. Và vì thế ông cho rằng đã đến lúc Washington phải có các đáp trả tương tự, theo đó phải viện dẫn sức mạnh của toàn chính phủ.
“Đứng trước đối thủ hiện nay, chẳng có chuyện phân biệt giữa quân sự hoặc dân sự”, tờ South China Morning Post dẫn lời vị bộ trưởng.
Phối hợp quân sự - dân sự
“Tôi liên tục nhấn mạnh rằng chúng ta cần dốc toàn lực, đó là điều chúng ta phải làm”, theo ông Spencer, người từng giữ chức quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong thời gian ngắn sau khi ông James Mattis từ chức. Điều này có nghĩa là Lầu Năm Góc cần phối hợp với các cơ quan khác của chính quyền, trong đó có Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp.
|
Đây cũng cách tiếp cận đang được chính quyền Mỹ triển khai trong thời gian gần đây, trong bối cảnh hai nước đối đầu trên các mặt trận thương mại, công nghệ và ngoại giao. Ví dụ, hồi năm ngoái quốc hội và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua luật nhằm gia tăng quyền hạn của Ủy ban Mỹ về Đầu tư nước ngoài (CFIUS).
Theo Reuters, CFIUS được mở rộng năng lực điều tra những người nắm giữ cổ phần thiểu số trong các công ty Mỹ. Đồng thời ủy ban cũng được yêu cầu rà soát các khoản đầu tư có thể gây rò rỉ dữ liệu nhạy cảm của Mỹ cho các chính phủ nước ngoài, hoặc tiết lộ thông tin về cơ sở hạ tầng then chốt của nước này, bao gồm hạ tầng viễn thông.
Dựa trên kết quả thu được, CFIUS có quyền hủy các giao dịch đang chờ cấp phép và đảo ngược mọi thỏa thuận đã ký kết. Khi giới thiệu dự luật trước quốc hội, không có dòng chữ nào đề cập đến các đối tượng hoặc quốc gia cụ thể mà Mỹ muốn đối phó.
Tuy nhiên, việc gia tăng quyền hạn của CFIS nhanh chóng được triển khai sau khi một số cơ quan đồng loạt lên tiếng cảnh báo về nguy cơ công nghệ có ứng dụng quân sự lẫn dân sự bị đưa về Bắc Kinh thông qua các thương vụ Trung Quốc thu mua công ty Mỹ.
Trong một ví dụ khác, hồi tháng 6 Lầu Năm Góc thiết lập văn phòng mới, đảm nhận nhiệm vụ duy nhất là theo dõi sự vụ có liên quan đến Trung Quốc. Đây được xem là một trong những nỗ lực mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng.
Sát cánh với đồng minh
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hải quân Spencer nêu bật sự cấp thiết buộc các lực lượng vũ trang của nước này phải sát cánh với các đồng minh Mỹ tại châu Á. “Chúng ta càng mạnh hơn khi thực hiện được sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thủy quân lục chiến, các liên quân, cũng như các đồng minh và đối tác tại khu vực”, ông Spencer chỉ ra.
|
Một minh chứng gần đây nhất về cách tiếp cận trên của Lầu Năm Góc là sự quay lại của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tại khu vực, gồm hàng không mẫu hạm với 7.500 quân nhân và 65 - 70 máy bay, ít nhất hai tàu khu trục, hai tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường lần lượt đến Philippines và Singapore.
Theo trang Naval Today, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan hồi đầu tháng 10 cũng đã phối hợp với nhóm tàu đổ bộ Boxer (Boxer ARG) thực hiện chiến dịch vì an ninh ở Biển Đông và ủng hộ tự do lưu thông hàng hải.
“Chúng tôi bao quát toàn bộ Thái Bình Dương. Chúng tôi quan tâm New Zealand, Úc, cũng như những gì chúng tôi đang làm với Hàn Quốc và các cuộc diễn tập truyền thống với Nhật Bản”, ông Spencer cho biết. “Đây là những quốc gia dẫn đầu, đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược của Mỹ. Chúng ta phải cùng nhau làm điều đó. Không có chuyện người Mỹ đặt chân đến một quốc gia với giày to, súng lớn và hô to buộc họ hãy theo mình”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ kết luận.
Bình luận (0)