Nguy cơ nào khi Nhật Bản xả xuống biển nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima?

16/04/2021 13:28 GMT+7

Quyết định của Nhật Bản xả thải nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi xuống biển gây lo ngại cho một số nước, nhưng việc này ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 13.4 thông báo nước này đã đi đến quyết định xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi xuống biển. Việc này sẽ bắt đầu trong 2 năm nữa và là một phần của kế hoạch nhằm dọn sạch và đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Nhà máy điện này bị thiệt hại nghiêm trọng sau trận động đất - sóng thần năm 2011. Trận sóng thần phá hủy nhiều hệ thống làm lạnh cho các thanh nhiên liệu hạt nhân tại các lò phản ứng. Do đó, Nhật Bản trong những năm qua đã sử dụng hàng triệu tấn nước để làm lạnh các thanh nhiên liệu hạt nhân.
Loại nước nhiễm xạ này sau đó được xử lý bằng một quy trình phức tạp và cho vào trong các bể chứa khổng lồ tại nhà máy. Tuy nhiên, các bể chứa này dự kiến sẽ bị đầy vào năm 2022 buộc chính phủ phải đưa ra quyết định.

Ngư dân Nhật lo ngại trước này nhà máy điện hạt nhân Fukushima xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý

Nguy cơ phơi nhiễm?

Nhật Bản nhấn mạnh loại nước sắp được xả xuống biển đã qua xử lý an toàn, loại bỏ hầu hết chất phóng xạ và sẽ được pha rất loãng. Một số thành phần phóng xạ vẫn còn tồn dư trong loại nước này, trong đó có tritium.
Theo tờ The Straits Times, tritium là đồng vị phóng xạ của hydro, xuất hiện trong tự nhiên và có thể được tìm thấy trong nước mưa, nước biển.

Xe phun nước vào lò phản ứng số 3 tại nhà máy Fukushima Daiichi

Bộ Quốc phòng Nhật Bản


Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng nước nhiễm tritium không gây nguy cơ nhiều cho cơ thể người ngay cả khi uống vào vì hàm lượng thấp và sẽ sớm bị bài tiết. Loại nước này thường được thải ra đại dương tại nhà máy điện hạt nhân ở các nước như Mỹ, Trung Quốc, Pháp hay Hàn Quốc.
Theo đài NHK, các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản thải ra biển lượng nước có chứa tritium sau khi đảm bảo cường độ phóng xạ không vượt quá quy định 60.000 becquerel/lít. Becquerel viết tắt là Bq, là đơn vị đo cường độ phóng xạ. Nhà máy Fukushima thải hơn 2.000 tỉ becquerel tritium vào năm 2010, một năm trước thảm họa năm 2011.
Theo tờ Hankyoreh (Hàn Quốc), nước nhiễm xạ trong các bể chứa tại Fukushima không chỉ chứa tritium mà còn có các chất phóng xạ chết người khác. Mặc dù đã được xử lý nhưng khoảng 70% lượng nước này còn chứa các chất như cesium, strontium hay iodine.

Các bể chứa nước nhiễm xạ đã qua xử lý tại nhà máy Fukushima Daiichi

AFP

Xử lý bước hai

Trước những lo ngại, Nhật Bản còn cam kết xử lý thêm một bước là pha loãng nước chứa tritium đến mức chỉ bằng 2,5% ngưỡng quy định của quốc tế. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa công bố chi tiết về kết quả của bước xử lý thứ hai này khiến các bên tỏ ra lo ngại, theo Hankyoreh.
Ngưỡng tritium này được cho là chỉ bằng 1/7 so với ngưỡng an toàn có thể uống được theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với nước có nồng độ tritium như vậy thì mỗi ngày uống 2 lít nước vẫn là rất thấp so với mức độ phơi nhiễm phóng xạ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trung Quốc thách Nhật Bản: nói uống nước nhiễm xạ đã xử lý không sao thì uống đi!

Hơn nữa, việc xả lượng nước thải tại Fukushima sẽ kéo dài trong vòng 3 thập niên. Liên Hiệp Quốc tính toán ngay cả khi Nhật Bản đổ toàn bộ số nước thải đã qua xử lý tại Fukushima xuống biển trong 1 năm, tác động của bức xạ đối với môi trường sẽ chỉ ở mức 2,1 millisievert/năm tại Nhật Bản. Con số này là nhỏ hơn so với mức trung bình toàn cầu là 2,4 millisievert/năm.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nói rằng quyết định của Nhật Bản là cột mốc, mở đường cho tiến trình đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, theo Reuters. “Quyết định của chính phủ Nhật Bản phù hợp với cách xử lý toàn cầu, ngay cả khi lượng lớn nước tại nhà máy Fukushima khiến nó trở thành trường hợp độc nhất và phức tạp”, ông Grossi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.