Nhật Bản, Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của căn cứ tên lửa Triều Tiên

09/09/2019 16:52 GMT+7

Căn cứ tên lửa Kumchon-ni tại tỉnh Kangwon của Triều Tiên có thể đặt tất cả mục tiêu ở Hàn Quốc, Nhật Bản trong tầm bắn, theo báo cáo mới công bố.

Trong báo cáo mới công bố, chuyên gia Joseph Bermudez và Victor Cha thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) kết luận Kumchon-ni là “một trong số khoảng 20 căn cứ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên”, theo tờ The Chosun Ilbo.
Hai chuyên gia cho biết thêm tên lửa đạn đạo Hwasong-6 với tầm bắn ngắn (500-600 km) từng được triển khai tại căn cứ Kumchon-ni hồi đầu thập niên 1990. Còn tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-9 với tầm bắn đạt mức 1.000 km từng được phóng tại căn cứ này lầu đầu tiên hồi 1999.
Theo báo cáo của CSIS, Triều Tiên có thể dùng Hwasong-6 tấn công tất cả mục tiêu ở Hàn Quốc, ngoài trừ đảo Jeju, trong khi tầm bắn của Hwasong-9 đe dọa toàn bộ phía nam Nhật Bản.
“Nếu Kumchon-ni được trang bị tên lửa Pukkuksong-2 (còn gọi là KN-15) mới được hé lộ gần đây với tầm bắn 2.000 km thì mối đe dọa có thể bao trùm toàn bộ Nhật Bản, bao gồm các căn cứ Mỹ ở Okinawa”, các chuyên gia CSIS cảnh báo. Theo CSIS, căn cứ vận hành tên lửa Kumchon-ni lâu nay bị “hiểu nhầm” là “kho tên lửa trong lòng đất”.

Triều Tiên từng tuyên bố sản xuất đại trà tên lửa Pukkuksong-2

KCNA

Trước đó, một ủy ban các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 5.9 cảnh báo rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển vũ khí dù đã ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) kể từ năm 2017. Sau khi tiến hành đánh giá hoạt động của Triều Tiên giai đoạn tháng 2.2-2.8, các chuyên gia đưa ra kết luận trên trong báo cáo mới đây của ủy ban LHQ phục trách theo dõi việc thực thi những lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng, theo Yonhap.
Các chuyên gia LHQ phát hiện có nhiều hoạt động tiếp diễn tại Trung tâm hạt nhân Yongbyon ở tỉnh Bắc Pyongan, cụ thể là làm giàu uranium và xây dựng lò phản ứng. Theo báo cáo của LHQ, Triều Tiên đã phóng loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới vào ngày 4,9.5, cùng hai tên lửa được Bình Nhưỡng mô tả là “vũ khí dẫn đường chiến thuật mới” hôm 24.7.

[VIDEO] Triều Tiên "không còn gì để nói với Hàn Quốc", tiếp tục phóng vật thể bay ra biển

Đây được xem là bằng chứng cho thấy Triều Tiên sở hữu linh kiện, công nghệ then chốt để đẩy mạnh phát triển các hệ thống tên lửa, bao gồm cả ICBM. Ngoài ra, các chuyên gia LHQ kết luận rằng Triều Tiên đang đẩy mạnh phát triển động cơ cho ICBM. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của LHQ nghiêm cấm Triều Tiên tiến hành chương trình phát triển tên lửa đạn đạo.
Hai báo cáo kể trên được đưa ra giữa lúc cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa có tiến triển mới. Sau những đợt phóng tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ gọi đây là “những cuộc thử nghiệm tiêu chuẩn”, nhấn mạnh Bình Nhưỡng vẫn duy trì thỏa thuận với Mỹ là không phóng thử ICBM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.