Nhật Bản - nhà cung cấp vũ khí tiềm năng

30/03/2020 08:31 GMT+7

Sau khi thành công trong hợp đồng cung cấp radar phòng không cho Philippines, Nhật Bản đang hứa hẹn là nhà cung cấp các loại vũ khí tối tân cho các nước.

Mới đây, truyền thông Nhật Bản đưa tin nước này vừa trúng thầu cung cấp các loại radar dựa trên 2 mẫu FPS3 và TPS-P14. Đây là các loại radar tối tân có thể hỗ trợ rất nhiều trong tác chiến phòng không như phát hiện máy bay chiến đấu, tên lửa...

Bước ngoặt quan trọng

Ngày 29.3, trả lời Thanh Niên về diễn biến trên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định việc Philippines mua các loại radar JFPS3 và JTPS-P14 từ Nhật Bản mang dấu mốc quan trọng với Tokyo. Quan trọng vì đây là trường hợp đầu tiên mà Nhật Bản xuất khẩu thành công sản phẩm quốc phòng hoàn chỉnh. Theo ông Nagao, sự kiện này còn quan trọng đối với bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện nay. Bởi vì Trung Quốc gần đây có nhiều hành động gây quan ngại, khiến các quốc gia trong khu vực, trong đó có cả các nước Đông Nam Á, đều cần tăng cường năng lực quốc phòng. Mặt khác, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa quốc phòng ở mức độ rất cao. Nên các nước trong khu vực lại càng phải tiếp nhận các công nghệ quốc phòng hiện đại.

Tên lửa diệt hạm mới cho máy bay

Nhật Bản đang phát triển tên lửa diệt hạm (ASM) cho máy bay tuần tra biển Kawasaki P-1 thuộc Lực lượng phòng vệ biển (MSDF) của nước này. Jane's Defence Weekly đầu tháng 3 dẫn lời một phát ngôn viên của Cơ quan Mua sắm, công nghệ và hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật xác nhận ATLA đã dành khoảng 85 triệu USD để nghiên cứu và phát triển ASM mới trong giai đoạn 2017 - 2021. Tầm bắn của ASM mới được cho là sẽ lên tới
400 km. Một chiếc P-1 được trang bị 4 ASM mới đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên hồi tháng trước, theo truyền thông Nhật. P-1 có thể mang theo 8 quả ASM mới, thay thế ASM Type 91 đang được trang bị cho đội máy bay tuần tra P-1 và P-3C Orion của MSDF.    
Văn Khoa
Tuy nhiên, theo phân tích của TS Nagao, Tokyo vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức để tăng cường xuất khẩu khí tài quân sự. Suốt nhiều năm, hiến pháp của Nhật Bản đã cấm nước này xuất khẩu vũ khí, phương tiện quốc phòng và chỉ dần nới lỏng vào năm 2014. Sau khi được nới lỏng, thì Nhật Bản lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu vũ khí. Bên cạnh đó, lĩnh vực quốc phòng chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng thể ngành công nghiệp Nhật Bản, nên chưa tạo ra đủ động lực để các nhà sản xuất của nước này hào hứng tham gia. Cũng chính vì nhiều năm không xuất khẩu, nên vũ khí Nhật thiếu tính cạnh tranh về giá cả trên thị trường quốc tế, dẫn đến giá thành và chi phí sản xuất khá cao.
Từ những thực tế trên, dù đã được nới lỏng thì Tokyo vẫn chưa phát triển mạnh mảng xuất khẩu vũ khí. Bằng chứng là Nhật Bản đã thua cuộc Pháp trong cuộc đua giành quyền cung cấp tàu ngầm cho Úc, hay để Tây Ban Nha giành được hợp đồng cung cấp radar cho Thái Lan, rồi vẫn chưa chốt được hợp đồng cung cấp máy bay đổ bộ US-2 cho Ấn Độ… Đến nay, các hợp đồng cung cấp đáng kể thì chủ yếu là chuyển giao tàu tuần tra cho một số nước trong khu vực Đông Nam Á mà thực tế là hình thức viện trợ.
“Trong bối cảnh như vậy, hợp đồng cung cấp radar cho Philippines chính là bước ngoặt để thúc đẩy Nhật Bản tăng cường tham gia cạnh tranh trên thị trường vũ khí, phương tiện quốc phòng thế giới. Khi đẩy mạnh xuất khẩu hiệu quả, Tokyo sẽ là một nhà cung cấp khí tài quân sự hấp dẫn cho các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, TS Nagao dự báo.

Xe tăng hạng nặng T-10

Ảnh: army-technology

Nhiều “đồ chơi” thượng thặng

Tuy chưa xuất khẩu vũ khí đáng kể nhưng Nhật Bản lại được đánh giá là quốc gia sở hữu nhiều công nghệ quốc phòng hàng đầu thế giới, thậm chí không hề thua kém các cường quốc quân sự như Mỹ, Nga.

Sức hút máy bay săn ngầm P-3 Orion 

Những năm gần đây, một số nước trong khu vực Đông Nam Á chú ý đến việc tiếp nhận dòng máy bay trinh sát săn ngầm P-3 Orion mà Nhật Bản đang sở hữu. Từ năm 2013, Nhật Bản đã tiếp nhận dòng máy bay trinh sát săn ngầm Kawasaki P-1 được xem là có sức mạnh ngang ngửa với dòng Boeing P-8 Poseidon mà Mỹ cùng nhiều nước đang sử dụng. Theo kế hoạch, dòng P-1 sẽ dần thay thế dòng P-3 Orion - vốn được xem là thế hệ trước của P-8 Poseidon. Không tối tân như P-8 Poseidon, nhưng P-3 Orion hiện vẫn được đánh giá rất cao về khả năng tuần tra trên biển và chống tàu ngầm.
Tốc độ tối đa hơn 750 km/giờ và có tầm bay hơn 2.500 km, P-3 Orion còn được trang bị nhiều thiết bị điện tử hiện đại để phát hiện tàu ngầm, kể cả các loại tàu ngầm có độ ồn thấp. Về trang bị vũ khí thì P-3 Orion có thể mang theo nhiều loại tên lửa chống tàu chiến, ngư lôi. Chính vì thế, ngoài Malaysia và Philippines thì còn một vài nước khác cũng muốn sở hữu loại máy bay săn ngầm này trong bối cảnh khu vực có nhiều diễn biến phức tạp.
Về bộ binh, đất nước mặt trời mọc đã tự phát triển các loại xe tăng, pháo tự hành được đánh giá cao về sức mạnh tác chiến. Điển hình như pháo tự hành Type-99 có tầm bắn khoảng 300 km. Từ năm 2012, lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng đã được trang bị xe tăng hạng nặng Type-10 tích hợp nhiều thiết bị điện tử và công nghệ hỗ trợ tác chiến ngang hàng với các loại xe tăng mà Mỹ đang sở hữu. Theo nhiều nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ - vốn sở hữu nhiều xe tăng nội địa được đánh giá cao - nhưng cũng từng xem xét đặt mua xe tăng Type-10 của Nhật.
Về máy bay chiến đấu, sau nhiều năm sử dụng máy bay trinh sát săn ngầm P-3 Orion do Mỹ cung cấp, thì Nhật Bản đã phát triển dòng Kawasaki P-1 để thay thế. Từ năm 2000, Nhật Bản cũng đã hợp tác với Mỹ để phát triển chiến đấu cơ Mitsubishi F-2 như là một bản thửa riêng từ dòng F-16 lừng danh. Nhật Bản cũng là đối tác trong dự án tiêm kích thế hệ 5 tàng hình F-35 do Mỹ khởi xướng. Đến nay, sau khi đã tiếp nhận F-35 thì Tokyo cũng đang theo đuổi chương trình phát triển dòng chiến đấu cơ Misubishi F-3 để có thể sánh ngang cùng dòng F-2 Raptor mà Mỹ không xuất khẩu.
Đối với hải quân, thì Nhật cũng làm chủ công nghệ phát triển tàu sân bay sau khi nâng cấp thành công tàu khu trục mang máy bay trực thăng lớp Izumo có thể chở theo và triển khai tác chiến cùng máy bay chiến đấu F-35. Cũng thuộc nhóm tàu chiến nổi, Tokyo đang sở hữu nhiều lớp tàu khu trục tối tân như Maya, Atago và Kongo đều được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis như lớp tàu Arleigh Burke của Mỹ. Aegis là một hệ thống tích hợp công nghệ radar, tác chiến điện tử hiện đại kèm theo đó là các tên lửa đánh chặn tối tân. Ngoài 3 lớp tàu chiến vừa nêu, tàu khu trục lớp Akizuki mà Nhật Bản đã triển khai nhiều năm qua cũng có sức mạnh tác chiến đáng nể. Tokyo cũng sở hữu đầy đủ công nghệ phát triển các loại tàu chiến khác như tàu hộ tống, tàu đổ bộ, tàu vận tải đổ bộ…
Về tàu ngầm, Nhật Bản cùng với Đức hiện nay được xem là hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới về tàu tấn công chạy bằng động cơ điện và diesel. Cụ thể, Tokyo được biết đến với các lớp tàu Soryu và Oyashio. Với độ choán nước toàn tải khi lặn lên đến 4.200 tấn, tàu ngầm lớp Soryu có tốc độ tối đa khoảng 35 km/giờ và tầm hoạt động hơn 11.000 km, đồng thời đạt độ ồn cực thấp. Úc cũng đã từng xem xét đặt mua dòng tàu ngầm này của Nhật Bản nhưng thỏa thuận về sau bất thành.
Ngoài ra, với vị thế là quốc gia phát triển mạnh về kỹ thuật điện tử, Nhật Bản cũng sở hữu công nghệ phát triển radar hàng đầu thế giới.
Với ưu thế vượt trội về vũ khí, thiết bị quốc phòng, nếu Nhật Bản có các chính sách hiệu quả thì có thể trở thành nhà cung cấp vũ khí tối tân hàng đầu thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.