Phi thuyền bí ẩn của Mỹ trên quỹ đạo Trái đất sẽ kết nối với chiến đấu cơ F-22, F-35

12/11/2019 18:31 GMT+7

Tham mưu trưởng không quân Mỹ (USAF) tướng David Goldfein vừa tiết lộ kế hoạch sắp tới của lực lượng này, trong nỗ lực cải thiện hoạt động kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nền tảng khí tài ở phạm vi ngoài Trái đất.

Lâu nay, sứ mệnh của X-37B của Mỹ luôn là một bí ẩn. Không ai biết con tàu này làm gì trên quỹ đạo địa cầu trong những sứ mệnh nối tiếp nhau, lần gần đây nhất kéo dài 780 ngày.
Tuy nhiên, có vẻ như một trong các bí mật của X-37B sắp lộ diện, sau khi Tham mưu trưởng USAF, tướng Goldfein cho rằng đã đến lúc chuyển sang giai đoạn kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nền tảng khí tài ở phạm vi ngoài Trái đất.
“Việc quan trọng nhất là thiết lập nền tảng kỹ thuật số”, Tạp chí Không quân hôm 10.11 tướng Goldfein nhấn mạnh trong cuộc trao đổi do Hiệp hội Không quân Mỹ tổ chức.

Tham mưu trưởng không quân Mỹ, tướng David Goldfein

USAF

Tham mưu trưởng của Mỹ phân tích: “Nếu bạn muốn sở hữu trí thông minh nhân tạo, nếu bạn muốn đưa (các dạng khí tài và vũ khí) bội siêu thanh vào sử dụng, nếu bạn muốn tiến vào lĩnh vực bảo vệ không gian, nếu bạn muốn hướng chùm tia năng lượng tập trung đến bất kỳ mục tiêu nào, nếu bạn muốn nắm vững kỹ thuật máy tính lượng tử, bạn không thể bỏ qua các bước xây dựng mạng lưới kiến trúc kỹ thuật số và phát triển hơn nữa kiến trúc mây dữ liệu”.
Trang Military.com cũng đã dẫn lời Chuẩn tướng David Kumashiro của USAF trong một sự kiện sau đó, phần nào cho phép hình dung viễn cảnh của bức tranh thông qua lời tiết lộ của tướng Goldfein.

X-37B vào thời điểm đáp sau sứ mệnh kỷ lục 780 ngày

USAF

Theo chuẩn tướng, dữ liệu được chia sẻ giữa các dòng chiến đấu cơ và nền tảng như X-37B cho phép nâng cao hiệu quả tác chiến và tăng cường năng lực bao quát tình hình trong những tình huống khẩn cấp.
“Trong quá trình kiện toàn hoạt động kết nối giữa X-37, F-35 hoặc F-22, chúng ta sẽ chứng tỏ được khả năng tương tác ở tầm như thế thật sự mang đến hiệu quả, mang đến nguồn thông tin dồi dào và đáng tin cậy. Từ đó chúng ta có thể xây dựng các biện pháp tốt hơn trong việc đối phó địch thủ”, theo chuẩn tướng Kumashiro.

[VIDEO] Phi thuyền X-37 hạ cánh sau một chuyến thử nghiệm ở căn cứ Vandenberg

Dù chương trình X-37 đã bắt đầu manh nha từ năm 1999, phải đợi đến năm 2004 Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới chuyển giao dự án cho Cơ quan Nghiên cứu Các dự án Quốc phòng Hiện đại (DARPA).
Không lâu sau khi tàu vũ trụ X-37A hoàn tất sứ mệnh đầu tiên vào năm 2005, DARPA bàn giao tiếp dự án cho USAF, và lực lượng này bắt đầu phát triển phiên bản X-37B sử dụng cho đến nay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.