Đồng trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Adrian Hill, xác nhận mục tiêu của nhóm là sản xuất ít nhất 1 triệu liều vắc xin vào tháng 9 này.
Tuyên bố trên trái với những gì đã được chuyên gia đưa ra từ trước tới nay, là sẽ phải mất 12 đến 18 tháng để tìm ra vắc xin.
Trung tâm Vắc xin của Oxford tuyên bố: “Viễn cảnh tốt đẹp nhất là mùa thu năm 2020, chúng tôi chứng minh được sự hiệu nghiệm của vắc xin sau khi thử nghiệm giai đoạn 3”, nhưng cũng cảnh báo mục tiêu này mang tính tham vọng cao và rất dễ bị thay đổi.
Trao đổi với The Times, giáo sư Gilbert cho biết, bà tự tin 80%” vào việc vắc xin đang được thử nghiệm sẽ thành công và hiệu quả. “Tôi nghĩ cơ hội cao là nó sẽ hiệu quả, dựa trên những gì chúng tôi đã làm với loại vắc xin này. Nó không chỉ là một linh cảm. Mỗi tuần qua đi, chúng tôi đều có thêm dữ liệu để đánh giá”, giáo sư Gilbert nói. Tương tự, giáo sư Hill bày tỏ ông “tự tin là vắc xin này sẽ hiệu nghiệm”.
Sau khi thử nghiệm thành công trên động vật, thử nghiệm lâm sàng trên người cho vắc xin ChAdOx1 nCoV-19 được phát triển bởi nhóm chuyên gia Oxford này đã bắt đầu. Họ đã tuyển mộ được 510 tình nguyện viên tuổi từ 18 - 55 cho thử nghiệm giai đoạn 1, và sẽ triển khai từ tuần tới. Họ đặt mục tiêu sẽ thử nghiệm vắc xin trên toàn bộ số tình nguyện viên vào giữa tháng 5.
Giai đoạn 2 đặt mục tiêu tuyển mộ 500 người tuổi từ 55 đến 70, và giai đoạn cuối cùng hy vọng sẽ thử nghiệm được trên 5.000 tình nguyện viên.
Giáo sư Andrew Pollard cho biết, Viện Jenner sẽ tìm được toàn bộ số tình nguyện viên cho 3 giai đoạn chỉ trong vài tháng tới, căn cứ vào những kinh nghiệm đối phó với các loại virus trước đây của họ. Pollard cũng lưu ý rằng, thông thường, quá trình này sẽ mất khoảng 5 năm hoặc hơn.
Nhóm Oxford, dẫn đầu bởi giáo sư Sarah Gilbert, giáo sư Andrew Pollard, giáo sư Teresa Lambe, tiến sĩ Sandy Douglas và giáo sư Adrian Hill, bắt đầu nghiên cứu vắc xin chống Covid-19 vào đầu tháng 1 năm nay.
Viện Jenner đã được “chọn mặt gửi vàng” bởi những thành tựu trong việc nghiên cứu vắc xin chống các bệnh do virus tương tự, như Ebola, sốt rét, HIV, HPV và viêm gan B và C.
Rất ít khả năng SARS-CoV-2 sẽ bị diệt trừ, do đó, loài người có thể cần vắc xin trong nhiều năm tới
Giáo sư Gilbert cũng cho biết, Viện Jenner đã từng nghiên cứu thứ gọi là “Bệnh X” - giả thuyết về một “thứ bệnh không rõ sẽ xuất hiện và gây ra đại dịch trong tương lai, và chúng ta cần kế hoạch đối phó”.
Bà Gilbert nhấn mạnh sự tương đồng giữa loại vắc xin đang được phát triển để chống SARS-CoV-2 và những loại vắc xin đã được Viện Jenner thử nghiệm và lưu hành trước đây.
Những nghiên cứu trước đó của Viện cho phép nhóm chuyên gia này đi nhanh hơn trong việc phát triển vắc xin chống Covid-19, theo bà Gilbert.
Nhóm nhà khoa học đã được cấp 2,2 triệu bảng Anh ngân sách từ Viện Nghiên cứu sức khỏe Quốc gia và Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới Anh vào tháng 3. Ngoài ra, giáo sư Hill cho biết “hàng chục triệu bảng” và hơn nữa đang được chi ra cho việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong tương lai.
Dù vậy, giáo sư Hill vẫn bày tỏ lo lắng về nguồn lực có hạn của Oxford, kể cả về tài chính và phương tiện, cho rằng “sản xuất đại trà sẽ là thách thức lớn nhất nếu loại vắc xin này có hiệu quả”.
“Chúng tôi là một trường đại học, chúng tôi chỉ có một cơ sở sản xuất nhỏ có thể làm ra khoảng vài chục liều, không đủ để cung cấp cho toàn thế giới”, ông Hill nói với BBC.
Tuy nhiên, ông Hill vẫn tuyên bố “mục tiêu là sản xuất ít nhất 1 triệu liều vào tháng 9”, nhấn mạnh “vắc xin là chiến lược để thoát khỏi dịch bệnh” trong khi cảnh báo “loài người cần vắc xin cho nhiều năm tới, bởi rất ít khả năng là chúng ta có thể diệt trừ được loại virus này”.
Mới đây, Merck Millipore, một công ty công nghệ hàng đầu, đã cam kết sẽ hỗ trợ Viện Jenner trong việc sản xuất hàng loạt vắc xin trên nếu thử nghiệm lâm sàng thành công. Giáo sư Gilbert nhấn mạnh, sự cần thiết của việc tiêm vắc xin hàng loạt sớm, thông qua việc hợp tác với các tổ chức như Merck Millipore.
Thêm 3 nhóm nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm vắc xin trên người
Hiện tại, khoảng trên 70 loại vắc xin chống Covid-19 đang được nghiên cứu trên toàn thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới. Nhóm của giáo sư Gilbert là nhóm đầu tiên bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Tiếp theo họ, 3 nhóm khác cũng bắt đầu thử nghiệm trên người, là CanSino Biological Inc./Beijing Institute of Biotechnology (Công ty sinh học CanSino/Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh), Inovio Pharmaceuticals Inc. (Công ty Dược phẩm Inovio), và Moderna Inc./National Insitute of Allergy and Infectious Diseases (Công ty Moderna/Viện Quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm).
Giáo sư Gilbert cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu vắc xin. Trao đổi với tạp chí y khoa lừng danh The Lancet, bà cho biết, “WHO đang tạo ra một diễn đàn cho mọi nhà khoa học phát triển vắc xin chống Covid-19 có thể tập hợp và trao đổi về kế hoạch và những phát hiện ban đầu của họ”.
“Điều cần thiết là tất cả các nhóm đều đo lường các phản ứng miễn dịch đối với các loại vắc xin khác nhau theo cùng một cách, để đảm bảo tính tương đương và tính khái quát của các phát hiện. Công việc đang tiếp tục với tốc độ rất nhanh, và tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ thấy một tinh thần hợp tác và phối hợp chưa từng có, quy tụ bởi WHO, khi tiến tới mục tiêu chung là phòng ngừa Covid-19 thông qua tiêm chủng”, bà Gilbert cho biết.
Bình luận (0)