Tàu chiến hướng đến công nghệ đánh chặn tên lửa bội siêu thanh

07/12/2020 09:01 GMT+7

Cuối tháng 11, khu trục hạm USS John Finn của Mỹ đã đánh chặn thành công tên lửa liên lục địa (ICBM) nhờ vào dòng tên lửa SM-3 Block IIA, theo thông báo từ Lầu Năm Góc.

Theo giới quan sát, diễn biến mới không những chứng minh SM-3 Block IIA có thể đối phó mối đe dọa từ ICBM, mà còn hứa hẹn tác động mạnh mẽ và thay đổi năng lực phòng thủ Mỹ ở những mức độ chưa từng có.
Hành trình của ICBM chia làm 3 giai đoạn, với giai đoạn giữa diễn ra trên không gian cận trái đất, kéo dài khoảng 20 phút trước khi tên lửa quay lại tầng khí quyển. Vì thế, chiến lược đánh chặn của Mỹ tập trung vào giai đoạn được cho mang đến cơ hội tốt nhất nếu muốn tiêu diệt ICBM của đối phương.
Các tên lửa đánh chặn trên bộ (GBI) có tầm bay phù hợp, nhưng bị nhiều hạn chế trong trường hợp đối phương phóng tên lửa từ bên kia địa cầu. Trong vài năm gần đây, hải quân Mỹ nghĩ đến phương án sử dụng tàu chiến làm bệ phóng cho tên lửa đánh chặn ICBM, từ đó cho phép xóa bỏ giới hạn xảy ra đối với trường hợp của GBI.
 
Video về khu trục hạm USS John Finn của Mỹ phóng tên lửa SM-3 Block IIA đánh chặn thành công tên lửa liên lục địa (ICBM). Nguồn: Hải quân Mỹ
Theo chuyên trang The Drive, trong trường hợp này, một nhóm các tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ Aegis có thể đồng loạt khai hỏa nhiều tên lửa SM-3 Block IIA từ giữa Thái Bình Dương, kịp thời can thiệp trong trường hợp một quốc gia ở Thái Bình Dương phóng ICBM đến lãnh thổ Mỹ.
Nếu đa số thời gian của giai đoạn giữa, ICBM thường đạt đến độ cao vượt tầm tấn công của các tên lửa hiện đại, thời điểm ngay sau khi nó rời khí quyển trái đất hoặc ngay trước khi tiến nhập khí quyển đều là cơ hội vàng để tàu chiến Mỹ đánh chặn bằng SM-3 Block IIA. Khu trục hạm hoạt động không xa bờ biển Mỹ hoặc gần bờ biển đối phương đều có được cơ hội này.
Sau khi tàu chiến USS John Finn đánh chặn thành công ICBM mồi trên bầu trời Thái Bình Dương gần Hawaii, có thông tin Lầu Năm Góc đang tìm cách tận dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có để đối phó mối đe dọa mới: tên lửa bội siêu thanh của Nga lẫn Trung Quốc.
Theo chuyên san The National Interest, vấn đề được đặt ra là liệu SM-3 Block IIA bay đủ nhanh để bắt kịp tên lửa bội siêu thanh? Hệ thống radar trên tàu liệu có thể theo dõi mục tiêu di chuyển với tốc độ cao gấp nhiều lần vận tốc âm thanh?
Một tên lửa đánh chặn không thể nào phá hủy ICBM hoặc cả tên lửa bội siêu thanh trừ phi nó thiết lập được quỹ đạo bay của đối phương, và nhiều khả năng Mỹ cần phải nâng cấp hệ thống radar theo hướng bao phủ rộng hơn, xa hơn và chính xác hơn nếu muốn đạt được mục tiêu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.