'Thành phố nổi' USS Carl Vinson

27/02/2018 07:34 GMT+7

Sự hiện diện của tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Đông trong nhiều ngày qua thể hiện quyết tâm của Mỹ trong nỗ lực duy trì hoạt động tự do hàng hải tại khu vực.

Tàu sân bay USS Carl Vinson lừng lững tiến vào vịnh Đà Nẵng
Theo TTXVN, được sự đồng ý của Chính phủ VN, đoàn tàu hải quân Mỹ gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E.Meyer sẽ thăm TP.Đà Nẵng từ ngày 5 - 9.3.
Uy lực tàu sân bay
Siêu tàu sân bay lớp Nimitz USS Carl Vinson là soái hạm của nhóm tác chiến tàu sân bay thuộc Hạm đội 3 hải quân Mỹ. Khi được triển khai, tàu USS Carl Vinson luôn được bảo vệ bởi vành đai các khu trục hạm và tuần dương hạm. Tuy đang hoạt động trong vùng trách nhiệm của Hạm đội 7 nhưng nhóm tàu tác chiến Carl Vinson vẫn thuộc quyền chỉ huy của Hạm đội 3, theo chính sách của hải quân Mỹ nhằm phát huy sự phối hợp của hai hạm đội này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng cộng có khoảng 5.300 quân nhân và sĩ quan theo tàu trong sứ mệnh đầu năm 2018 tại Biển Đông, theo Đài ABS-CBN News hôm qua. Tàu sân bay có giá 3,8 tỉ USD này mang theo khoảng 72 máy bay, trong đó có các loại tiêm kích F/A-18 Super Hornet và Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, trực thăng Nighthawk và máy bay trinh sát. Theo dự kiến, USS Carl Vinson nhiều khả năng sẽ tiếp nhận máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35C, có thể là vào năm 2019.
'Thành phố nổi' USS Carl Vinson1
Vận chuyển tên lửa trên tàu
Đây là tàu sân bay đầu tiên trong nhóm 4 tàu đóng ở Bờ Tây sẽ được trang bị dòng máy bay hiện đại này của Mỹ. Vào tháng 10 năm ngoái, lần đầu tiên một tiêm kích tàng hình F-35C (phiên bản dành cho hải quân) đã thực tập hạ cánh thành công xuống tàu sân bay Carl Vinson ở ngoài khơi California.
Bên cạnh khu vực dành cho máy bay trải rộng trên diện tích 18.200 m2, nhà chứa máy bay, hàng không mẫu hạm còn được trang bị hỏa lực đáng nể, bao gồm các tên lửa Sea Sparrow, hệ thống đánh chặn tầm gần Phalanx CIWS và tên lửa đánh chặn tầm ngắn dẫn đường bằng tia hồng ngoại RIM-116.
Ngoài ra, Hạm trưởng Doug Verissimo mô tả USS Carl Vinson là một “thành phố nổi” trên biển, được trang bị đầy đủ phòng chăm sóc đặc biệt, phòng nha khoa (phục vụ 50 - 70 bệnh nhân/ngày), phòng gym, quán cà phê Starbucks, phòng karaoke vào tối thứ sáu hằng tuần và thậm chí cả nhà nguyện phục vụ nhu cầu tâm linh cho mọi tôn giáo, từ Cơ đốc giáo, Tin lành đến Phật giáo. Con tàu có hẳn một khu vực chuyên làm mộc và cửa hàng máy móc cho phép chế tạo linh kiện và vật liệu cần dùng mà không phải chuyển vào đất liền.
Cam kết của Mỹ
Kể từ trước tết âm lịch, tàu sân bay USS Carl Vinson đã đi vào Biển Đông, triển khai các hoạt động tập trận và có chuyến thăm cảng Manila của Philippines. Hạm trưởng Verissimo nhấn mạnh sự có mặt của hàng không mẫu hạm tại một trong những khu vực điểm nóng của thế giới cho thấy quyết tâm của Mỹ tại đây và mang đến lợi thế hành động cho lãnh đạo Lầu Năm Góc. “Khi họ đưa tàu sân bay đến một điểm nào đó, hành động này giúp thể hiện sự quan tâm của Mỹ tại khu vực”, Hạm trưởng Verissimo nói.
Chỉ huy tàu USS Carl Vinson còn chỉ ra “chúng tôi không có nhiều tàu sân bay ngoài kia, nên khi đưa đến một vùng biển cụ thể, nó tạo ra ảnh hưởng nào đó… Tất nhiên, biện pháp này còn cho phép giới chức ngoại giao có thêm thời gian và không gian để đàm phán và đưa ra quyết định, theo hướng cố gắng ngăn chặn bất kỳ xung đột vũ trang nào có thể phát sinh trong thực tế”.
Tàu USS Carl Vinson được đặt theo tên nghị sĩ Mỹ Carl Vinson (1883 - 1981) vì những đóng góp vô cùng to lớn của ông đối với hải quân nước này. Ông được xem là cha đẻ của đạo luật Hải quân hai đại dương năm 1940 (đạo luật Vinson - Walsh), theo đó tăng cường quy mô của hải quân Mỹ thêm 70% bằng cách đóng mới nhiều chiến hạm, trong đó có tàu sân bay. Kể từ khi được đưa vào hoạt động từ năm 1982, tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz thứ 3 này liên tục tham gia các sứ mệnh tại Tây Thái Bình Dương, bao gồm vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Ấn Độ Dương. Vào tháng 10.2001, USS Carl Vinson đã tiến hành đợt không kích đầu tiên vào lãnh thổ Afghanistan, khơi mào chiến dịch Tự do bền vững của Mỹ nhằm đáp trả vụ khủng bố 11.9.2001. Đến tháng 1.2003, con tàu tiếp tục góp mặt vào cuộc chiến ở Iraq. USS Carl Vinson cũng chính là tàu sân bay đã tiến hành thủy táng thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden vào tháng 5.2011 trên biển Ả Rập sau ông ta bị đặc nhiệm hải quân Mỹ tiêu diệt tại Pakistan ngày 1.5.2011.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.