Reuters hôm qua dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết nước này sẽ tung ra thị trường nội địa lô vắc xin Sputnik V đầu tiên, sớm nhất là 2 tuần tới, tiêm cho các y bác sĩ Nga rồi đến người dân từ 18 - 60 tuổi. Đối với người dưới 18 tuổi và trên 60 tuổi, hiệu quả của vắc xin sẽ cần thử nghiệm thêm. Chính phủ Nga cũng lên kế hoạch sản xuất đại trà vắc xin phòng Covid-19 từ tháng 10 và đến tháng 12 có thể đạt năng suất khoảng 10 triệu liều/tháng.
Nga chưa đưa ra giá chính thức của vắc xin Sputnik V, tuy nhiên tờ Vedomosti dẫn nguồn tin tiết lộ một liều duy nhất sẽ không quá 20 USD (hơn 463.000 đồng). Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng dược Nga R-Pharm, ông Alexei Repik dự đoán giá vắc xin ít nhất là 10 USD/2 liều. Những lô đầu tiên sẽ có giá cao và sau đó rẻ hơn khi nhân rộng sản xuất.
Các thông tin trên được đưa ra sau khi Nga hôm 11.8 chính thức cấp phép cho vắc xin Sputnik V do Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh học Gamaleya ở Moscow phối hợp cùng Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Theo Reuters, Sputnik V được cấp phép sau khi thử nghiệm lâm sàng chưa đầy 2 tháng và Nga chỉ mới bắt đầu tiến hành cuộc thử nghiệm cuối cùng với 2.000 người vào ngày 12.8, được gọi là giai đoạn 3 (bước cuối cùng trong thử nghiệm lâm sàng trước khi vắc xin được phê chuẩn).
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 28 trong số 165 loại vắc xin phòng Covid-19 tiềm năng đang được thử nghiệm trên người, trong đó 6 loại đã trải qua giai đoạn 1, 2 và đang ở giai đoạn 3. Vắc xin Sputnik V hiện vẫn nằm trong danh sách thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của WHO. Trong khi đó, tờ Vedomosti (Nga) đưa tin Nga “kết hợp thử nghiệm vắc xin giai đoạn 1, 2 cùng lúc” và gọi đây là chuyện bình thường.
WHO hôm qua tuyên bố muốn tiếp cận, đánh giá dữ liệu, kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin của Nga sau khi các chuyên gia bày tỏ lo ngại trước độ an toàn của Sputnik V, theo AFP. Đến nay, Nga vẫn chưa công bố bất kỳ dữ liệu nào về thử nghiệm lâm sàng. Tờ Vedomosti dẫn lời các chuyên gia Nga kêu gọi cần phải hoàn tất giai đoạn 3, theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng hơn trước khi sản xuất đại trà. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nga Murashko cho rằng mối lo ngại về độ an toàn của vắc xin là “vô căn cứ”.
Philippines hôm qua công bố kế hoạch tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin của Nga vào tháng 10. Còn Viện Công nghệ Tecpar ở Brazil tuyên bố sẽ sản xuất Sputnik V từ tháng 6.2021 ngay sau khi chính quyền bang Parana ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác với Nga. Cùng ngày, Venezuela cũng tuyên bố sẵn sàng tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng Sputnik V và nếu thành công thì nước này sử dụng và quảng bá vắc xin Nga tại thị trường nội địa, theo TASS.
Nghi ngờ nguồn lây từ thực phẩm đông lạnh ?
Tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới với tổng số ca nhiễm tăng lên hơn 20,6 triệu với hơn 749.600 ca tử vong. Đáng chú ý, một số nước gần đây tìm thấy dấu vết của vi rút SARS-CoV-2 trên thực phẩm đông lạnh và bao bì sản phẩm. Cụ thể, chính quyền TP.Tây An (tỉnh Thiểm Tây), TP.Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) ở Trung Quốc hôm qua thông báo phát hiện vi rút gây Covid-19 trong thực phẩm đông lạnh và trên bao bì thực phẩm nhập khẩu từ Brazil và Ecuador. New Zealand cũng đang truy tìm nguồn gốc ổ dịch mới, tình nghi là xuất phát từ vi rút trên bao bì hàng hóa nhập khẩu trong kho đông lạnh. Đây là nơi làm việc của người đàn ông trong gia đình có 4 người mắc Covid-19 chưa rõ nguồn lây.
|
Bình luận (0)