Theo tờ The Straits Times, Malaysia đang chuẩn bị sống chung với dịch và từng bước mở cửa nền kinh tế, xem như Covid-19 bước vào giai đoạn bệnh đặc hữu, nghĩa là người dân phải có trách nhiệm hơn khi cả nước sống chung với SARS-CoV-2.
Trong 2 tuần sau khi nhậm chức vào ngày 21.8, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nhấn mạnh thông điệp các biến chủng SARS-CoV-2 sẽ vẫn tồn tại dù số người tiêm vắc xin đạt tỷ lệ cao.
Vào ngày 1.9, tân Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin đưa ra kế hoạch dài hạn nhằm đối phó Covid-19, sau khi Malaysia trải qua 1 năm với nhiều lần phong tỏa khiến nền kinh tế bị thiệt hại.
Mở cửa với quan điểm mới
Cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin từng hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng nhờ chương trình tiêm chủng trên cả nước. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng điều này khó khả thi, do vẫn có khả năng lây nhiễm ở những người đã tiêm chủng, cũng như bản chất đột biến của virus.
|
Người kế nhiệm ông vẫn theo thời hạn trên, nhưng cảnh báo rằng virus giờ đây là đặc hữu, tức là một virus gây bệnh thông thường tồn tại trong cộng đồng. Do đó, số ca mắc và nhập viện không nhất thiết phải là thước đo các chính sách phát triển.
Mở cửa du lịch đến Langkawi từ 16.9
Theo Bloomberg, Malaysia dự định mở cửa lại đảo du lịch nổi tiếng Langkawi trong nỗ lực phục hồi kinh tế. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho hay Langkawi (bang Kedah) sẽ mở cửa tiếp nhận du khách trong nước từ ngày 16.9. Những nơi khác sẽ được mở cửa nếu tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 80%. Dù kế hoạch chi tiết chưa được công bố, dự kiến những điểm du lịch này sẽ chỉ tiếp nhận du khách trong nước đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19.
|
Giờ đây trên cương vị bộ trưởng y tế, ông Khairy phụ trách cả chăm sóc y tế lẫn vắc xin. Chỉ vài ngày trên cương vị mới, ông vạch ra tương lai với những quy định về xét nghiệm, đeo khẩu trang bắt buộc vô thời hạn và cách ly tại nhà đối với người nhiễm virus.
“Chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng nếu kiểm soát đại dịch, vẫn có lúc Covid-19 là bệnh đặc hữu nên chúng ta phải có các bước sống chung với virus”, ông phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên vào ngày 1.9 trên vai trò bộ trưởng y tế.
Bốn giai đoạn hồi phục
Theo trang The Edge Markets, Kế hoạch Phục hồi quốc gia Malaysia gồm 4 bước, trong đó bước 1 có nội dung áp dụng giới hạn di chuyển toàn bộ trong thời điểm đại dịch diễn biến phức tạp khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng áp lực cao.
Ở giai đoạn 2, hệ thống y tế không còn chịu áp lực như thế, và số bệnh nhân tại các giường chăm sóc tăng cường giảm xuống mức trung bình, với hoạt động kinh tế từng bước mở cửa và 80% lao động đi làm.
Tuy nhiên, chỉ một số lĩnh vực hoạt động trở lại dựa trên quyết định của chính phủ, chẳng hạn như sản xuất xi măng phục vụ xây dựng, bán máy tính và thiết bị điện tử phục vụ làm việc tại nhà. Ở giai đoạn 2, vẫn chưa có hoạt động xã hội và đi lại liên bang.
Ở giai đoạn 3, mọi hoạt động kinh tế được phục hồi, trừ những lĩnh vực nguy cơ lây nhiễm Covid-19 và buộc phải tập trung đông người.
Chính phủ sẽ cân nhắc giai đoạn 4, cũng là giai đoạn cuối cùng, mở cửa mọi hoạt động thường ngày, cho phép nhiều hoạt động xã hội hơn và phục hồi đi lại liên bang, du lịch nội địa.
Các giai đoạn sẽ áp dụng theo từng khu vực và dựa theo đó, bang Melaka sẽ bước vào giai đoạn 2 và bang Negri Sembilan áp dụng giai đoạn 3 từ ngày 4.9. Theo tờ New Straits Times ngày 3.9, Thủ tướng Ismail cho hay quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của ủy ban đặc biệt về kiểm soát Covid-19.
Quân đội mở thêm bệnh viện dã chiến tại 5 bang
Theo trang Free Malaysia Today ngày 2.9, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết các bệnh viện dã chiến sẽ được quân đội lập thêm tại 5 bang có số ca Covid-19 tăng, bao gồm Sabah, Johor, Kedah, Penang và Kelantan. “Một trong những điều quan trọng nhất của quân đội vào lúc này là hoàn thành chương trình quốc gia, đặc biệt là trong đối phó Covid-19”, ông phát biểu. Bên cạnh đó, quân đội cũng hỗ trợ đội ngũ tiêm vắc xin tại các bang, nhất là vùng sâu vùng xa nơi y tế khó tiếp cận.
|
“Dựa trên dự báo của ủy ban đặc biệt về đảm bảo tiếp cận nguồn cung vắc xin Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc xin ở người trưởng thành sẽ đạt 80% ở tất cả các bang vào cuối tháng 9”, ông cho biết, đồng thời kêu gọi người dân chuẩn bị chuyển sang thời kỳ xem Covid-19 là bệnh đặc hữu sau tháng 10.
Dự kiến Bộ Y tế Malaysia sẽ sớm công bố thêm chi tiết về các chiến lược mới liên quan việc xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, trong khi Thủ tướng Ismail kêu gọi người dân nên tăng cường các biện pháp phòng dịch và tự bảo vệ. “Gia đình Malaysia phải nhận ra rằng chúng ta dần dần phải sống chung với Covid-19 như phần còn lại của thế giới”, ông nhấn mạnh.
Bình luận (0)