Thể loại văn chương 'Tiểu thuyết điện thoại di động' trên thế giới có gì lạ?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
26/08/2021 10:45 GMT+7

Tiểu thuyết điện thoại di động là thể loại văn chương xuất phát từ Nhật Bản chưa đầy hai thập niên gần đây, người Nhật gọi là Keitai shousetsu ( Huề đới tiểu thuyết ), còn Trung Quốc gọi là 手機小說 ( Thủ cơ tiểu thuyết).

Trong tiếng Nhật, keitai là điện thoại di động, còn shousetsu là tiểu thuyết. Keitai shousetsu là tác phẩm được viết bằng điện thoại di động, một hình thức viết mới, chuyển tải văn bản thông qua tin nhắn trên điện thoại.

Takatsu – tác giả quyển Secondhand Memorie, tiểu thuyết điện thoại di động tiếng Anh đầu tiên trên thế giới

Ảnh: T.L

Trào lưu đọc tiểu thuyết điện thoại di động tại Nhật Bản

Ảnh: Brianna Erban

Thể loại này phối hợp giữa cách kể chuyện trực tuyến bằng văn xuôi với kỹ thuật thơ đơn giản như haiku. Tại Nhật thì mỗi chương dài nhất gần 200 từ, trung bình thường khoảng 50 - 100 từ, song tại Trung Quốc mỗi chương có thể lên tới 1.000 từ.
Tác giả của tiểu thuyết điện thoại di động thường là sinh viên hoặc học sinh trung học, phần lớn là nữ giới, vài tác giả trung niên cũng tham gia viết với những đề tài như khoa học viễn tưởng, trinh thám, kinh dị và lịch sử...
Ngôn ngữ của loại tiểu thuyết này hợp với tuổi mới lớn, chủ yếu sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày, pha hơi hướm của văn hóa nhạc pop. Do đề tài thường nhạy cảm, cấm kỵ, liên quan đến đạo đức, phản ánh toàn bộ hoặc một phần chuyện thầm kín riêng tư nên tác giả thường lấy bút danh chứ không sử dụng tên thật. Bút danh thường chỉ là một từ. Sau khi viết xong, tác giả gửi nội dung truyện đến người đọc qua email, tin nhắn văn bản SMS hoặc đăng ký thông qua một trang web viết và chia sẻ trực tuyến từng chương một.
Độc giả của tiểu thuyết di động phần lớn là những cô gái tuổi cập kê; chủ đề tác phẩm thường là chuyện tình lãng mạn, những mối quan hệ nam nữ, cuộc tình tay ba, sự cưỡng hiếp, mang thai… Một số tác phẩm do các bác sĩ sản phụ khoa viết để giúp người đọc trẻ có kiến thức đúng đắn về các biện pháp tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, khi tiểu thuyết di động bùng nổ, lan sang các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc, Mỹ, Đức và Nam Phi, thì chủ đề mở rộng hơn, hầu như không giới hạn.
Sự tương tác là nét đặc thù của loại tiểu thuyết này. Trong quá trình tác phẩm đăng nhiều kỳ trên trang mạng, nhà văn sẽ theo nhận xét của người đọc để tạo diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Đặc điểm của tiểu thuyết điện thoại di động là ngắt nhiều dòng, câu ngắn, nhiều cuộc trò chuyện song rất ít miêu tả ngoại cảnh và tâm lý, sử dụng nhiều biểu tượng, đặc biệt là biểu tượng cảm xúc với cái nhìn chủ quan về nhân vật chính… Nếu tiểu thuyết Nhật Bản thường viết dọc, mở phải thì tiểu thuyết điện thoại di động thường viết ngang và mở trái. Tuy nhiên, đến năm 2019, phần lớn các tác phẩm loại này khi đóng thành sách thì đều được viết theo chiều dọc
Ở Anh – Mỹ người ta gọi tiểu thuyết điện thoại di động là cell phone novel hay mobile phone novel. Năm 2003, quyển tiểu thuyết loại này đầu tiên xuất hiện ở Tokyo là Deep Love (Tình sâu nặng), do một chàng trai độ tuổi 30 với bút danh là Yoshi viết trên chính điện thoại di động của anh ta. Bối cảnh diễn ra tại Tokyo, kể về cô gái điếm trẻ và một thiếu niên mắc bệnh AIDS.
Chẳng mấy chốc Deep Love được xuất bản thành sách với 2,6 triệu bản in ở Nhật Bản, sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình, truyện tranh, phim màn ảnh rộng, phổ biến dần đến giới trẻ ở Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nhà văn nữ Kiki (23 tuổi) trong lễ nhận giải thưởng dành cho tác phẩm tiểu thuyết điện thoại di động.

Ảnh: Motohiro Negishi

Năm 2006, Japan Mobile Novel Award là giải thưởng văn học đầu tiên dành cho tiểu thuyết di động ở Nhật Bản, mở đầu cho hàng loạt những giải thưởng khác, tiền thưởng có thể lên tới 100.000 USD.
Maho i-Land là trang tiểu thuyết điện thoại di động lớn nhất Nhật Bản với hơn 1 triệu đầu sách, được truy cập 3,5 tỉ lần/mỗi tháng. Năm 2007, 98 quyển tiểu thuyết loại này được xuất bản thành sách, trong đó bán chạy nhất phải kể đến là Koizora (Bầu trời tình yêu), Akai Ito (Sợi chỉ đỏ định mệnh), Kimi No Sei ( Lỗi của bạn), Moshimo Kimi Ga (Nếu bạn)…
Năm 2008, Secondhand Memories (Những ký ức sang tay) của Takatsu là tiểu thuyết điện thoại di động tiếng Anh đầu tiên ở phương Tây và trên thế giới. Tác phẩm này giành được nhiều giải thưởng và được xuất bản dưới dạng sách bìa mềm 558 trang in. Tiếp theo là hàng loạt những tác giả khác đoạt giải thưởng, đem đến vinh quang cho thể loại tiểu thuyết này. Đến năm 2017, tiểu thuyết điện thoại di động có tạm lắng xuống, tuy nhiên trong tương lai dự báo có thể sẽ bùng phát trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.