Hôm qua 1.4, Đài NHK đưa tin đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bày tỏ “sự bất mãn mạnh mẽ” và “quan ngại nghiêm trọng” đối với Nhật Bản về những điều Trung Quốc xem là “hành động tiêu cực” của Tokyo đối với Bắc Kinh trong cuộc họp trực tuyến giữa quan chức quốc phòng hai bên hồi đầu tuần. Trong cuộc họp, Tokyo chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào luật hải cảnh mới của Trung Quốc và các hành vi mà Bắc Kinh thực hiện ở biển Hoa Đông cũng như các vùng biển khác.
Tăng cường cung cấp vũ khí
Thông tin trên được phát đi sau khi Nhật và Indonesia tổ chức hội đàm “2+2” tại Tokyo với sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng 2 nước. Tại hội đàm, hai bên bày tỏ quan ngại về các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Sau hội đàm, Tokyo còn thỏa thuận chuyển giao khí tài quân sự cho Jakarta. Dù chưa rõ chi tiết của các nội dung chuyển giao là gì, nhưng từ cuối năm ngoái, truyền thông Nhật đưa tin nước này sẽ chuyển giao 8 tàu hộ tống hiện đại lớp Mogami cho Indonesia. Trong đó, 4 chiếc đầu tiên được Nhật Bản xuất khẩu, 4 chiếc còn lại Indonesia tự đóng dựa trên công nghệ được chuyển giao.
Lâu nay, Nhật Bản từng chuyển giao khí tài quân sự cho nhiều bên trong khu vực, nhưng hầu hết là khí tài đã qua sử dụng hoặc không phải thế hệ mới và tối tân. Trong khi đó, tàu hộ tống Mogami là lớp tàu hiện đại, trang bị nhiều công nghệ và vũ khí tối tân.
Diễn biến này mở ra một khả năng Nhật Bản sẽ trở thành nhà cung cấp vũ khí cho các nước trong khu vực để góp phần rút ngắn sự chênh lệch cán cân quân sự với Trung Quốc. Đây là vai trò mà Mỹ thực hiện suốt nhiều năm qua ở khu vực. Thực tế, Nhật Bản có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới, nên sẽ thừa khả năng thực thi vai trò này.
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Nhật đã chọn cách mở rộng xuất khẩu và tài trợ vũ khí sang các nước Đông Nam Á. Cách thức này giúp ngành quốc phòng Nhật có thể phát triển, đồng thời giúp hình thành mạng lưới cân bằng quân sự với Trung Quốc”.
Đẩy mạnh sức mạnh quân sự
Những năm gần đây, Nhật Bản cũng không ngừng phát triển năng lực quân sự và tăng cường hoạt động quân sự tại các vùng biển trong khu vực. Đến nay, 2 tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo đã dần được chuyển đổi trở thành tàu sân bay thực thụ khi mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình phiên bản F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Đây là mô hình tàu sân bay mà Mỹ đã phát triển cho các dòng tàu đổ bộ tấn công lớp America và lớp Wasp.
Tháng 9.2020, tàu sân bay JS Kaga thuộc lớp Izumo được hộ tống bởi tàu khu trục JS Ikazuchi bắt đầu từ Nhật Bản, đi qua Biển Đông và tập trận với hải quân Úc. Tiếp đó, tàu này đến Ấn Độ Dương và tập trận chung với hải quân Ấn Độ và Sri Lanka. Sau khi tập trận ở Ấn Độ Dương, 2 chiến hạm JS Kaga và JS Ikazuchi quay về phía nam của Biển Đông để tập trận cùng hải quân Indonesia ở gần quần đảo Natuna vào đầu tháng 10.2020. Tiếp theo, JS Kaga và JS Ikazuchi kết hợp cùng tàu ngầm SS Shoryu (Nhật) tập trận chống ngầm ở Biển Đông. Đến ngày 12.10, cũng tại Biển Đông, cặp chiến hạm JS Kaga và JS Ikazuchi tập trận cùng tàu khu trục USS John McCain, tàu tiếp dầu USNS Tippecanoe của Mỹ.
Chuỗi hoạt động này của các tàu chiến Nhật với sự tham gia hộ tống, tập trận cùng tàu ngầm và tàu hậu cần là những chỉ dấu về việc Tokyo đang muốn sớm hoàn thiện năng lực tác chiến tàu sân bay.
Thời gian qua, Nhật cũng tiên phong tập trận chung với Ấn Độ, Úc và Indonesia cùng một số nước trong khu vực. Điều này đã thể hiện vai trò lớn hơn của Tokyo chứ không dừng lại ở việc chỉ thực hiện các hoạt động chung đa phương do Mỹ khởi xướng. Rõ ràng, các động thái mà Tokyo đang theo đuổi không chỉ để tăng cường vị thế mà còn hướng đến cân bằng sức mạnh quân sự với Bắc Kinh trong khu vực.
Viện trợ kinh tế “khủng”
Không chỉ về quân sự, Nhật Bản những năm qua cũng đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ kinh tế trong khu vực.
Điển hình, từ năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe đã công bố sáng kiến “Quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng” với kế hoạch chi ra 200 tỉ USD hỗ trợ các nước trong khu vực để xây dựng các cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Cuối năm 2019, Tokyo tái khẳng định tăng cường viện trợ cho các nước Đông Nam Á. Các chương trình này nhằm đối phó với các khoản hỗ trợ khổng lồ mà Trung Quốc chi ra để thực thi sáng kiến “Vành đai - Con đường”.
Năm 2020, Tokyo cũng chi ra hàng tỉ USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc giữa bối cảnh đại dịch Covid-19. Mới đây, cùng 3 thành viên còn lại của “bộ tứ kim cương” là Mỹ, Úc và Ấn Độ, Nhật Bản cam kết cung cấp thiết bị dự trữ và hậu cần để thực hiện chương trình hỗ trợ 1 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước khác. Chương trình này của “bộ tứ” nhằm đối phó chiến dịch “ngoại giao vắc xin” mà Bắc Kinh đang thực thi từ cuối năm 2020.
Với nhiều biện pháp cả về quân sự lẫn kinh tế, Nhật Bản đang dần trỗi dậy như một thế lực quan trọng để đối phó Trung Quốc.
Trung Quốc xây thêm công trình trái phép ở Trường Sa ?Nhà Trắng quan ngại về tàu dân binh của Trung Quốc ở Biển Đông
Quân đội Philippines ngày 1.4 thông báo vừa phát hiện các cấu trúc nhân tạo phi pháp ở cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, gần khu vực hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung, theo Reuters. Cụ thể hơn, tướng Cirilito Sobejana, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, cho biết quân đội đã phát hiện các cấu trúc nhân tạo bất hợp pháp trong chuyến bay tuần tra hôm 30.3. Tuy nhiên, ông Sobejana không nêu rõ quy mô của những cấu trúc. Bên cạnh đó, theo tờ Inquirer (Philippines), có 3 tàu tên lửa Type 022 của Trung Quốc được phát hiện gần Đá Vành Khăn bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp tại Trường Sa. Đây là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
* Cùng ngày 1.4, website của Nhà Trắng đưa tin giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc cho hàng loạt tàu dân quân tập trung gần đá Ba Đầu tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Emily Horne cho hay Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan bày tỏ quan ngại khi điện đàm với người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon.
Phúc Duy
|
Bình luận (0)