Thi thoảng, ông Hoàng Vĩnh Giang lại gửi qua zalo cho tôi nghe những bài hát rất hay của Nga, ông hát bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt, có thu âm đàng hoàng. Lần cuối cùng, mới đây thôi, ông gửi là bài Đàn sếu. Rồi còn hỏi: “Mày xem chú hát có được không”.
Ngay chính lúc này đây, tôi đang mở lại Đàn sếu qua tiếng hát của ca sỹ Hoàng Vĩnh Giang mà nước mắt như mưa. Tôi gửi cho ông Giang một dòng tin nhắn mà vĩnh viễn không bao giờ được hồi đáp nữa: Chú ơi, sao chú vội vàng bỏ mọi người mà đi!
Cách đây khoảng gần 20 năm, khi ông Giang còn giữ chức Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, tôi và một đồng nghiệp báo bạn có đến văn phòng ông ở phố Trịnh Hoài Đức để phỏng vấn. Được một lát, các chuyên gia Nga và Trung Quốc cùng đến để bàn việc chuyên môn. Ông mời họ uống trà rồi chả hiểu câu chuyện bắt đầu bằng nội dung gì mà thấy mọi người buông bút rồi cùng nhau hát say sưa. Ông Giang thạo mấy ngoại ngữ liền nên hát cả bài bằng tiếng Trung rồi cả bài bằng tiếng Nga. Ông lãnh đạo Sở và các chuyên gia như những người bạn thân thiết, khoác vai nhau rồi cất giọng du dương. Nhìn cái cách ông ngoại giao – chân thành và chu đáo, mới hiểu phần nào, tại sao thể thao Hà Nội thành công thế.
|
Thể thao Hà Nội thành công, với ông Hoàng Vĩnh Giang, có lẽ cũng không quan trọng bằng thể thao Việt Nam làm thế nào để thành công trên đấu trường khu vực và quốc tế. Là người đặt dấu mốc quan trọng của thể thao nước nhà trong quá trình hội nhập trở lại với thể thao Đông Nam Á, chủ trương của ông Hoàng Vĩnh Giang là “đi tắt, đón đầu, bằng cách nhanh nhất để đạt thành tích cao nhất’, ông Giang một lần chia sẻ khi trên xe ô tô từ thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) đến địa điểm thi đấu môn pencak silat tại SEA Games 21 năm 2001.
Khi ấy, ông Giang giữ chức trưởng đoàn thể thao Việt Nam. Cũng năm ấy, môn bóng đá nữ thi đấu ở địa điểm khác các môn võ, nên tất cả mọi người, kể cả ông trưởng đoàn đều phải hóng tin qua điện thoại. Khi được báo, nữ vàng rồi nữ vàng rồi, cánh phóng viên vừa buồn cười vừa cảm động khi chứng kiến ông trưởng đoàn cứ chạy lên chạy xuống tòa nhà cao mấy tầng, rồi hét to: Các con ơi, chúng mày làm bố sống lại rồi, các con ơi!
Thể thao Việt Nam tôn vinh ông bởi ông là kiến trúc sư cho những thành tích cực kỳ xuất sắc ở SEA Games, và cũng là một trong những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược để thể thao Việt Nam đặt những kết quả ấn tượng tại ASIAD hay Olympic.
|
Từng là VĐV nhảy cao nam số 1 Việt Nam, năm 1968, ông Hoàng Vĩnh Giang được cử sang Kiev (Liên Xô) học chuyên ngành quản lý thể thao tại Đại học TDTT Kiev.
Ông Giang từng kể: “5 năm dùi mài kinh sử cộng thêm 3 năm nghiên cứu sinh, khi về nước, tôi đã tự nhủ trong lòng phải thiết kế lại cho thể thao Hà Nội nói riêng mà cũng là giúp cho thể thao Việt Nam nói chung lộ trình tiến ra khu vực và châu lục. Tôi không thích dùng từ ao làng khi nói về thể thao Đông Nam Á. Bởi ở sân chơi này, các VĐV của chúng ta ngoài niềm đam mê cũng phải tận hiến, cũng phải hy sinh bản thân mình, cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt để mang về vinh quang cho quê hương, cho dân tộc. Từ sân chơi Đông Nam Á, thể thao Việt Nam mới có bàn đạp vững chắc để bước ra biển lớn. Tôi không bao giờ muốn nhắc đến công lao của bản thân mình, vì nó sẽ là nhỏ bé so với công sức mà các VĐV thân yêu của chúng ta đã bỏ ra. Họ đã chiến đấu vì hình ảnh ngôi sao trên lá cờ tổ quốc”.
Hôm qua (10.9), Ủy ban Olympic Việt Nam có cuộc họp sơ bộ để chuẩn bị kế hoạch cho cuộc họp Hội đồng thể thao châu Á vào tuần tới. Ông Giang đang giữ cương vị Phó chủ tịch Hội đồng thể thao châu Á, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam. “Chúng tôi còn hẹn nhau là ngày 13.9 sẽ bàn một số chi tiết. Thế mà trưa 11.9, anh Giang đã ra đi. Bàng hoàng và sốc vô cùng”, ông Trần Văn Mạnh – Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam nghẹn ngào thốt lên.
Lúc này đây, bài hát Đàn sếu lại vang lên trên điện thoại của tôi, qua tiếng hát của ca sỹ Hoàng Vĩnh Giang. Giọng hát trầm ấm ấy đã dừng mãi mãi mất rồi!
Thương tiếc vĩnh biệt ông!
Ông Hoàng Vĩnh Giang sinh năm 1946 tại Hà Nội, cha ông là giáo sư Hoàng Minh Giám. Ông Hoàng Vĩnh Giang là nhân vật duy nhất của thể thao Việt Nam đến thời điểm này được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2006). Ông cũng từng được trao danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2010. Năm 2004, ông Hoàng Vĩnh Giang được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
|
Bình luận (0)