Đẳng cấp của cầu thủ ghi và kiến tạo hơn 100 bàn thắng tại giải nhà nghề Mỹ (MLS) không hiện diện ở Lee Nguyễn trong buổi tối 14.3 trên sân Cẩm Phả.
Chi 10 tỉ đồng để có sự phục vụ của Lee Nguyễn trong một năm, CLB TP.HCM trông đợi cầu thủ nội ở đẳng cấp cao nhất từ trước đến nay sẽ nâng tầm đội bóng. Nhưng đến lúc này, đội bóng của HLV Alexandre Polking đang phải thất vọng.
Sau 2 trận, Lee Nguyễn không ghi bàn hay kiến tạo. CLB TP.HCM thắng may mắn trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, trước khi thua tâm phục khẩu phục trước CLB Quảng Ninh. So với cùng kỳ mùa trước, CLB TP.HCM kém 4 điểm và 10 bậc.
Tuy nhiên, trách nhiệm lớn nhất không thuộc về Lee Nguyễn. Thậm chí, CLB TP.HCM mới là người có lỗi khi chưa tạo được một hệ thống phù hợp với cầu thủ Việt kiều.
|
Sau thất bại tối qua, HLV Polking nói muốn tạo cho Lee Nguyễn không gian để sáng tạo, giống với những gì Bruno Fernandes nhận được ở Manchester United. Hai tiền vệ đánh chặn Đỗ Văn Thuận và Ngô Hoàng Thịnh được giao vai trò càn quét, phòng ngự, để Lee Nguyễn tập trung tấn công.
Dù vậy, công thức này chỉ đúng trên lý thuyết. Văn Thuận và Hoàng Thịnh không luân chuyển bóng tốt, đứng vị trí thiếu nhạy cảm và chủ yếu mở bóng an toàn ra biên.
Trên hàng công, 3 tiền đạo ngoại của CLB TP.HCM đá mỗi người một phách, không tìm được sợi dây liên lạc nào. Ngoài Joao Paulo, hai ngoại binh còn lại thi đấu thiếu nhiệt tình và không ăn khớp với Lee Nguyễn.
Đá sau lưng hàng công rời rạc và phía trước một hàng thủ không thể tổ chức lối chơi bài bản, Lee Nguyễn lạc lõng và lạc... lối! Do đói bóng, Lee Nguyễn phải lùi về phối hợp với trung vệ để kéo bóng lên - vai trò vốn thuộc về Văn Thuận.
|
Hơn nửa thời gian trận đấu, Lee Nguyễn đá như tiền vệ con thoi, thi đấu rất xa vòng cấm đội Quảng Ninh. Những phẩm chất của Lee Nguyễn như “đánh hơi” vị trí, xâm nhập, bật nhả hay chọc khe hầu như không được tận dụng.
2 trận vừa qua, cầu thủ Việt kiều phải chỉ đồng đội cách chuyền bóng, phối hợp. Trình độ của Lee Nguyễn ở quá xa so với các đồng đội.
Lee Nguyễn có gần một thập kỷ chơi bóng ở Mỹ. Anh là cầu thủ Việt Nam hiếm hoi ở đẳng cấp quốc tế, nhưng sẽ sai lầm nếu đội TP.HCM và HLV Polking nghĩ Lee Nguyễn có thể làm tất cả.
Ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, Lee Nguyễn không thể chạy liên tục, dốc bóng và sút quyết đoán như bàn thắng “cháy lưới” Thể Công năm 2009. Cựu sao HAGL không thể tự một mình giải quyết mọi vấn đề của CLB TP.HCM.
|
Ngược lại, với đẳng cấp của mình Lee Nguyễn cần đồng đội hiểu ý, một hệ thống con người và lối chơi đồng bộ với triết lý bóng ngắn được tổ chức tuần tự từ hàng thủ. Chất lượng hậu vệ CLB TP.HCM đang không đáp ứng được điều này.
Trung vệ tốt nhất là Diakite bị loại khỏi danh sách đăng ký để nhường chỗ cho tiền đạo Junior Barros. Xây dựng lối chơi với 3 tiền đạo ngoại giống như xây nhà từ nóc, nhất là khi trình độ phòng ngự của trung vệ nội không cao.
HLV Mano Polking được trả mức lương cao nhất V-League để xây dựng đội TP.HCM đá ngắn, đá đẹp. Đây là cách chơi phù hợp nhất với đẳng cấp của Lee Nguyễn. Nếu CLB TP.HCM đá bóng dài và ưa va chạm, thể lực như hiện tại, tài năng của Lee Nguyễn sẽ bị lãng phí.
Bình luận (0)