Người giàu cá tính nhất từ bỏ V-League: Đâu rồi, thời của những ông bầu!

20/11/2020 08:00 GMT+7

Việc bầu Đệ chia tay CLB Thanh Hóa hay nói chính xác hơn là chia tay bóng đá có thể khiến V-League khép lại một giai đoạn lịch sử. Thời mà những ông bầu ‘khuynh đảo’ các CLB tạo nên hiệu ứng tốt có, xấu có sẽ khép lại để mở ra một giai đoạn mới.

 
Ít ngày trước, bầu Đệ nói lời tạm biệt Thanh Hoá vì lý do sức khoẻ. Ông khẳng định mình chia tay đội bóng xứ Thanh đơn thuần chỉ vì tuổi tác không cho phép ông tiếp tục cống hiến cho bóng đá, chứ không phải vì bất cứ những nguyên nhân hậu trường nào khác.
Dù thế nào đi chăng nữa, sự xuất hiện của bầu Đệ trong đời sống bóng đá Việt Nam cũng đem lại nhiều sắc thái. Thậm chí gây ra những tranh cãi. Nhưng cựu chủ tịch CLB Thanh Hóa vẫn là ông bầu nhiệt huyết, chỉ có điều một số quyết định của ông đã gây sốc cho chính những người trong cuộc lẫn những người chứng kiến nó.

Một con người có nhiều tâm huyết

ẢNH: VY KHÁNH

Người ta vẫn không thể quên việc Mạc Hồng Quân cay đắng rời Thanh Hoá khi phải tự bỏ tiền để chuộc lấy hợp đồng. HLV Fabio Lopez hay Nguyễn Thành Công rời khỏi CLB Thanh Hoá sau những quyết sách cứng rắn của bầu Đệ. Trước khi tạm chia tay CLB Thanh Hóa, bầu Đệ nổi như cồn trong các cuộc họp về bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức. Bầu Đệ “ẩn mình” một thời gian và sau đó quay lại với bóng đá nhưng gần như ngay lập tức, HLV Nguyễn Đức Thắng phải ra đi. Không phủ nhận bầu Đệ là người tâm huyết, luôn muốn dành sự cống hiến cho bóng đá quê hương nhưng cách mà ông xử lý trong nhiều vấn đề lại khiến chính bản thân ông phải khổ.
Nhìn từ bầu Đệ, khán giả cũng mở rộng ra cách đánh giá chung với một số ông bầu khác. V-League tròn 20 tuổi và ở từng thời kỳ lại có những ông bầu mang những cá tính khác khác nhau, tạo ra cho bức tranh bóng đá nội vô vàn màu sắc sống động.
Thập kỷ đầu tiên của V-League là cuộc chiến “gạch, gỗ” của bầu Đức (HAGL) và bầu Thắng (Đồng Tâm Long An). Sự xuất hiện của họ đánh dấu một cú chuyển mình chuyên nghiệp cho bóng đá Việt Nam. Các CLB không còn thi đấu theo diện bao cấp, chơi bóng theo sự quản lý trực tiếp từ tỉnh. Sự đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân mà đứng đầu là những ông bầu (nắm giữ luôn vai trò chủ tịch trên danh nghĩa) mang đến cho các CLB nhiều nguồn thu hơn, nhiều bản hợp đồng đình đám hơn.

V-League sẽ không còn những ông bầu đình đám như bầu Đệ

ẢNH: MINH TÚ

 
Thành công của bầu Đức (2 chức vô địch V-League 2003, 2004) và bầu Thắng (2 chức vô địch 2005, 2006) mở ra một giai đoạn tiếp theo với làn sóng xuất hiện nhiều hơn của những ông bầu. Bầu Thụy bầu Trường,…Bóng đá Việt Nam xuất hiện nhiều đội bóng mới mà mỗi năm lại… thay một tên gọi. Thị trường chuyển nhượng có giai đoạn “loạn đao pháp”. Hàng loạt các bản hợp đồng tiền tỉ, chục tỉ với mức lương cầu thủ lên đến cả trăm triệu đồng được nhiều ông bầu “khai phá”. Giai đoạn 2008 – 2013 có thể xem là thời kỳ “loạn giá”. Các cầu thủ có thể hưởng những bản hợp đồng lót tay trong mơ cùng mức lương khổng lồ. Nhiều CLB với sự đứng sau của các ông bầu đã thi đấu “hào sảng” trong một giai đoạn hay một mùa bóng.
Nhưng rồi sau cơn bão ấy là gì? Hàng loạt ông bầu rời khỏi bóng đá. Các CLB thiếu căn cơ và vốn chỉ tồn tại bởi ý thích của các ông bầu, lần lượt giải thể hoặc chuyển giao lực lượng. Đời sống bóng đá Việt Nam, gần như chỉ còn ba ông bầu bền bỉ: Bầu Hiển, bầu Đệ và bầu Đức. Tuy nhiên, thời gian thay đổi, thời thế cũng đổi thay. Bầu Đệ chia tay Thanh Hoá. Bầu Đức cũng vì việc kinh doanh mà chẳng thể dồn trí lực cho HAGL. Còn với bầu Hiển, sau những năm tháng thành công với bóng đá Việt Nam, ông cũng lui dần vào hậu trường để dành cơ hội cho con trai của mình.
Có lẽ bước sang thập kỷ thứ 3, người ta sẽ hiếm khi nhắc về những ông bầu nữa. Có thể, chức danh chủ tịch, giám đốc điều hành vốn danh chính ngôn thuận sẽ được nhắc đến cho những người điều hành trẻ trung, có năng lực và khéo léo từ thương trường đến truyền thông. V-League có thể sẽ ít điều tiếng hơn, năng động hơn và chuyên nghiệp hơn. Nhưng chắc chắn, hoài niệm về những ông bầu, với tốt có, xấu có vẫn là một phần lịch sử để khi nói về V-League người ta vẫn cảm thấy: À, đó từng là đặc sản của giải đấu này.
Ví dụ như bầu Đệ!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.