Nhưng khi điều kiện khách quan không cho phép, nước chủ nhà SEA Games nên tính toán kỹ càng để đi đến quyết định đúng đắn, không làm ảnh hưởng đến cục diện chung của thể thao khu vực.
Lo ngại không đủ nhân lực cho công tác y tế
Sau khi đăng bài viết Có nên tổ chức SEA Games 31?, Báo Thanh Niên đã nhận được phản hồi của rất nhiều bạn đọc, trong đó đại đa số đều chia sẻ âu lo với Ban tổ chức (BTC) là nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, thì việc dừng đại hội là cần thiết. Hầu hết bạn đọc đều có chung quan điểm: “Được chứng kiến một sự kiện thể thao lớn tổ chức ngay tại đất nước mình là niềm tự hào lớn nhưng an toàn phải được đặt lên hàng đầu. An toàn thì cần hoãn - hủy. Rất nhiều giải thể thao trên thế giới phải dừng, đâu chỉ Việt Nam chúng ta. Tập trung nguồn lực và con người cho phòng chống dịch bệnh đang diễn ra vô cùng phức tạp. Với tư cách là một trong hàng chục triệu khán giả, tôi thấy dừng SEA Games 31 là hành động nên làm lúc này”.
Xin được lưu ý rằng, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội và ông Cao Đình Thưởng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, đã cùng đưa ra ý kiến, trong số các kịch bản về tổ chức SEA Games 31 cũng phải đặt ra trường hợp là SEA Games không thể tổ chức hoặc phải lùi thời điểm tổ chức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Một quan chức ngành thể thao nói: “Hằng ngày chúng tôi vẫn theo sát tình hình Covid-19 không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực. Tại Việt Nam, diễn tiến đang rất phức tạp mà một số ổ dịch lại được phát hiện ở các địa phương tham gia tổ chức một số môn tại SEA Games 31. Chúng ta hiện vẫn đang kiểm soát được, nhưng e rằng các địa phương đó sẽ khó lòng khởi động được công tác chuẩn bị tổ chức trong thời gian tới. Khâu chuẩn bị không chỉ về cơ sở vật chất mà còn kèm theo nhiều yếu tố khác. Việc phong tỏa, giãn cách ở một số nơi dự kiến đăng cai các môn SEA Games rõ ràng tác động trực tiếp đến BTC địa phương. Và nhìn ra bên ngoài, các nước ở Đông Nam Á cũng chưa thể khống chế được đại dịch, nếu không muốn nói là tình hình ở một số quốc gia có chiều hướng trầm trọng hơn trước, nhất là đang có những biến thể mới nguy hiểm hơn. Việc đón tiếp số lượng có thể lên đến gần 20.000 người là vô cùng phức tạp. Vì chúng ta không chỉ mỗi trông chờ vào việc tiêm vắc xin Covid-19 mà còn cần phải có nguồn lực tài chính, nhân lực hùng hậu, địa điểm đủ tốt để đảm bảo công tác an toàn y tế cho cả đại hội. Liệu Việt Nam có đủ nhân lực để phục vụ chăm sóc y tế cho tất cả các đoàn khi lực lượng bác sĩ, nhân viên y tế còn có nhiệm vụ cấp bách hơn ở các ổ dịch, địa phương có dịch phức tạp?”.
|
Không có khán giả, tổ chức Sea Games là vô nghĩa
Hôm qua 19.5, ông Nguyễn Hồng Minh tiếp tục có những ý kiến mạnh mẽ: “Chúng ta cần phải xác định rõ nên tập trung vào việc gì quan trọng hơn. Là một người đã từng theo thể thao gần cả đời người, tôi không thể không xót xa khi các VĐV không có cơ hội thi đấu nếu SEA Games 31 phải dừng. Nhưng dừng là quyết định tôi cho là đúng đắn. Trong các phương án có thể bị xem là dở, chúng ta cần chọn phương án ít dở nhất. Hơn 1.700 tỉ đồng, nếu trong bối cảnh đất nước bình thường, là cần thiết để nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức đại hội cho thật tốt, thật thành công, để lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam. Nhưng lúc này, khoản kinh phí đó có thể sẽ trở thành gánh nặng khổng lồ với đất nước ta. Nền kinh tế có thể sẽ bị suy kiệt. Khi Việt Nam đang có nhiều bài toán cần phải giải quyết, đừng đặt thêm một bài toán khó giải khác lên vai Chính phủ nữa. Việt Nam đang có những nhiệm vụ cấp bách hơn. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: Chống dịch như chống giặc. Khi chúng ta chưa “đuổi” được giặc thì cần có sự lựa chọn dũng cảm. Tôi chỉ lấy một ví dụ. Tổ chức đại hội luôn cần đến lực lượng tình nguyện viên, hầu hết nguồn từ các trường đại học. Hiện tại vì phòng chống dịch mà không được phép tụ tập quá 10 người. Vậy BTC sao kêu gọi được đội ngũ sinh viên với số lượng đông để đào tạo, huấn luyện công tác tình nguyện viên? Tôi còn lo ngại thêm một điều nữa là có thể sẽ có quốc gia không sang được Việt Nam dự SEA Games”.
Tổng cục TDTT đang lên phương án chi tiết để đoàn thể thao VN dự Olympic 2021 (khởi tranh ngày 23.7 tại Tokyo) có được lịch trình an toàn nhất. Ca nhiễm bệnh Covid-19 của một VĐV VN khi đi thi đấu vòng loại Olympic khiến lãnh đạo ngành vô cùng lo lắng. Vì VĐV này có thể bị lây trên máy bay từ Uzbekistan về VN.
|
Đó cũng là quan điểm của một lãnh đạo ngành thể thao thuộc khu vực phía nam: “Với những sự kiện thể thao luôn lấy khán giả làm gốc thì tổ chức không khán giả để làm gì? Không phục vụ được gì. Nếu chỉ tổ chức thi đấu thì SEA Games cũng chỉ hoàn thành một phần nhiệm vụ. Không có khán giả quốc tế, không có khán giả trong nước sẽ biến SEA Games thành một sự kiện vô nghĩa ở một góc độ nào đó. Do đó nếu trong ít tháng nữa dịch bệnh vẫn phức tạp thì dừng tổ chức là cần thiết”.
Vị quan chức này đề xuất: “Nếu phải dừng thì Việt Nam có lẽ nên tính đến phương án là đàm phán với Campuchia để Việt Nam đứng ra đăng cai SEA Games vào năm 2023. Không thể dời đại hội sang năm 2022 vì toàn bộ chu kỳ sẽ bị phá vỡ. Theo nguyên tắc, SEA Games được tổ chức vào những năm lẻ để còn chuẩn bị cho ASIAD, Olympic thường vào các năm chẵn. Năm 2022 Việt Nam còn phải dự nhiều đại hội thể thao lớn khác cũng như tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc”.
Bình luận (0)