Thế trận ý thức chống dịch Covid-19

24/04/2021 13:03 GMT+7

Có đi qua những ngày Covid-19 khi Đà Nẵng trở thành 'tâm dịch', tôi mới thấm thía một điều, muốn chiến thắng đại dịch, trước hết bản thân mỗi người dân phải là một 'chiến sĩ' phòng dịch.

Có khi nào mình đã bị nhiễm bệnh ?

Với người dân Đà Nẵng, ngày 28.7.2020 trở thành ngày không thể nào quên khi chính quyền chính thức áp dụng biện pháp phong tỏa ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng cùng 8 tổ dân phố xung quanh. Làn sóng Covid-19 thứ 2 ập đến với cấp độ nghiêm trọng hơn, bởi “thành trì” được cho là an toàn nhất là các bệnh viện đã bị SARS-CoV-2 “xuyên thủng”.
Mầm bệnh đã đi vào cộng đồng mà những ngày sau đó, không riêng gì Đà Nẵng, ở nhiều địa phương khác cũng liên tiếp phát hiện các ca bệnh. Trở về nhà sau một ngày tác nghiệp, tôi cứ suy nghĩ mãi về người thân của mình sẽ ra sao trong dịch bệnh. Con nhỏ thì ở nhà, vợ thì không đến những nơi có nguy cơ. Chỉ còn tôi, tôi là người thường xuyên lui tới ở những khu vực có nguy cơ cao. Nếu không may gia đình nhiễm Covid-19 thì chính tôi là người đã mang và truyền mầm bệnh ấy cho người thân
Làm công tác thông tin vào những ngày Covid-19 “biến” Đà Nẵng thành “mặt trận tiền phương”, cũng như tôi, hẳn trong tâm trí nhiều người sẽ tự đặt câu hỏi: Có khi nào mình đã bị nhiễm bệnh? Bởi cũng như các đồng nghiệp của mình, trong suốt thời gian từ cuối tháng 7.2020 cho đến giữa tháng 9.2020, gần như mỗi ngày tôi đều có mặt tại điểm nóng mà Covid-19 âm ỉ diễn tiến, như: các khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến... Có những thời điểm, trên bản đồ đánh dấu dịch bệnh, những ổ dịch đã “tiến sát” đến nơi gia đình tôi sinh sống chỉ vài trăm mét. Vậy phải làm gì để bảo vệ mình và cũng là để bảo vệ những người thân xung quanh ?

Dù sống chung nhà nhưng tôi đã tìm cách để “ra riêng”

Một buổi tối đầu tháng 8.2020, tôi trở về nhà khi đã khuya. Trằn trọc không ngủ được, tôi lướt Facebook thì thấy status của một đồng nghiệp đăng tải hình ảnh đứa con trai cùng dòng tâm sự xúc động. Đại để anh nói đến cảm xúc của mình khi nhìn thấy con mà không dám lại gần. Anh lo sợ mình đã nhiễm bệnh, rồi sẽ lây cho con. Bất giác tôi nghĩ đến đứa con còn nhỏ của mình. Tôi quyết định chọn giải pháp tự mình cách ly trong chính ngôi nhà của mình.

Người dân Đà Nẵng tình nguyện lập chốt để giám sát lẫn nhau trong việc phòng dịch Covid-19 (Ảnh chụp tháng 8.2020)

Tôi đọc nhiều tài liệu và biết rằng, nếu tự thân biết phòng dịch bằng cách mang khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn không dưới 2 m thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giảm đến mức tối thiểu.
Bởi vậy, dù sống chung nhà nhưng tôi đã tìm cách để “ra riêng”. Tôi ăn bữa riêng, ngủ phòng riêng, hạn chế tối thiểu tiếp xúc với vợ, con. Tôi tự mình đúc kết rằng, quan trọng nhất là phải đổi nhịp sinh hoạt làm sao có thể “tránh mặt” được vợ con. Kết quả là ròng rã hơn 1 tháng trời, tôi đã “cô lập” mình thành công. Cũng có vài lần tôi suýt thất bại vì thương thằng nhỏ mà chút nữa đã ùa vào ôm lấy nó…
Bản thân tôi mỗi khi ra đường đều luôn tìm cách bảo vệ tốt nhất cho mình trước Covid-19. Những đồng nghiệp của tôi cũng như vậy. Sau khi tác nghiệp thì trở về phòng làm việc, chấp hành tuyệt đối “lệnh” giãn cách xã hội. Tôi hỏi thì được biết, nhiều người cũng có ý định tự cách ly, nhưng rồi vì điều kiện không cho phép lại phải hòa nhịp sinh hoạt chung của gia đình. Những đồng nghiệp trẻ tuổi, chưa vợ con mà tôi quen biết đã tự chọn cho mình giải pháp rời xa gia đình, thuê phòng để vừa thuận tiện tác nghiệp vừa tự cách ly.

Bảo vệ gia đình cũng chính là bảo vệ cộng đồng

Cao điểm của dịch bệnh vào tháng 8.2020, cảnh tượng phố xá im lìm, loa phóng thanh vang lên thông báo, khuyến cáo… khiến Đà Nẵng như chìm vào khung cảnh “thời chiến”. Người dân của thành phố vốn nhộn nhịp vì du lịch, đã chuyển trạng thái rất nhanh. Ai nấy đều tự giác ở trong nhà đúng lời kêu gọi “nhà cách ly với nhà”.
Cũng ở thời điểm ấy, trên mạng xã hội đã liên tục lan truyền những hình ảnh xúc động của việc giữ khoảng cách giữa “người với người”. Đó là hình ảnh người cha là cán bộ chống dịch về nhìn con qua ô cửa rồi trở lại “chiến trường”, mẹ là nhân viên ở trạm kiểm dịch không dám lại gần con vì sợ mình đã mang mầm bệnh… Bởi hơn ai hết, họ thấu hiểu và ý thức được rằng, bản thân họ là những người nguy cơ cao nhất. Bảo vệ gia đình của họ cũng chính là bảo vệ cộng đồng.

Người dân Đà Nẵng tình nguyện lập chốt để giám sát lẫn nhau trong việc phòng dịch Covid-19 (Ảnh chụp tháng 8.2020)

Người Đà Nẵng có lúc đã tổn thương rất nhiều khi đâu đó trên mạng xã hội xuất hiện những clip chế giễu, kỳ thị vì thành phố bất khả kháng trở thành “tâm dịch”. Nhưng không vì thế mà người dân đánh rơi ý chí, và họ vẫn quyết tâm đương đầu, chống lại dịch bệnh. Dù rằng đâu đó vẫn có những hành động chưa tốt xuất phát từ thiếu ý thức của một số cá nhân, như tụ tập ăn nhậu, tụ tập vui chơi… bất chấp “lệnh phong thành”.
Nhưng tựu chung, hình ảnh Đà Nẵng với phong cách sống đề cao sự ý thức, tự giác đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong công tác chống dịch. Để từ đó Đà Nẵng được đánh giá là một “điểm sáng” trong chống dịch Covid-19. Và cả thành phố Đà Nẵng đã cùng nhau vượt qua Covid-19.
Ngày 15.9.2020, Đà Nẵng chấm dứt giãn cách xã hội, đánh dấu mốc gần 2 tháng chiến đấu với dịch bệnh. Nhìn lại, tôi nhận ra rằng, sự cảnh giác để giữ khoảng cách lẫn nhau trong dịch bệnh cũng là cách chiến đấu hiệu quả.
Để chiến thắng Covid-19, có lẽ không gì hiệu quả hơn thế trận về ý thức chống dịch của mỗi người!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.