Nguy cơ “chìm” cao nhất thế giới
Theo thống kê của UBND TP.HCM, ước tính đến hết năm 2020, TP đã giải quyết được 11/17 tuyến đường ngập nước do mưa và 14/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách. Về công tác đầu tư xây dựng, thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan: Hệ thống cống thoát nước được quan tâm đầu tư, cải thiện. Các dự án lớn nhằm cải tạo cảnh quan và môi trường nước đã bước đầu phát huy tác dụng như dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm...
UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030.
|
Bên cạnh đó, ngoài việc tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa quá nhanh, ý thức của người dân cũng là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho công tác chống ngập của TP. Người dân vứt rác bừa bãi, trôi xuống gây tắc hố ga thoát nước, nghẽn dòng kênh, rạch. Nhiều hộ kinh doanh bịt chắn toàn bộ hố ga thoát nước khiến hệ thống thoát nước không thu được nước mưa, gây ngập. Đặc biệt, hệ thống kênh rạch có vị trí xung yếu thoát nước cho cả khu vực nhưng bị lấn chiếm nhiều, dòng chảy thu hẹp nghiêm trọng. Nhiều vị trí đã được hợp pháp hóa giấy tờ, trách nhiệm giải tỏa thuộc UBND các quận, huyện nhưng tiến độ rất chậm.
Đáng chú ý, dự báo tình hình ngập trong giai đoạn tới, đề án nêu rõ: TP.HCM là 1 trong 10 TP có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới. Theo dự báo khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của TP đến cuối thế kỷ 21 lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473 km2 tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65 cm, 75 cm và 100 cm. Điều này có nghĩa khoảng 1/4 diện tích của TP sẽ chìm trong nước khi nước biển dâng tới mốc 100 cm.
Với tất cả yếu tố khách quan và chủ quan, lãnh đạo TP.HCM nhận định để kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Do đó, quan trọng nhất trong thời gian tới là cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.
Hơn 100 dự án trong 5 năm
Đề án mới được UBND TP.HCM thông qua đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ cố gắng giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020; Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm rộng 106,41 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP.
Để đạt mục tiêu trên, TP.HCM sẽ tập trung thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại; Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt khu vực phía đông TP. Song song, thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm TP về phía nam. Đồng thời chỉnh trang đô thị - hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3, mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải còn lại...
Trong giai đoạn từ nay đến 2025, các giải pháp công trình vẫn được chủ trương ưu tiên. Cụ thể, hoàn hiện Quy hoạch 752 với 16 dự án, Quy hoạch 1547 với gần 29 dự án, cộng thêm 70 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, 7 hồ điều tiết và nhiều công trình nạo vét kênh, xử lý nước thải… Tổng nhu cầu vốn cho hơn 100 dự án trên là hơn 107.000 tỉ đồng, tương đương hơn 4 tỉ USD.
Các dự án chống ngập trọng điểm được hoàn thiện từ nay đến 2025 sẽ là tiền đề để giai đoạn 2026 - 2030, TP thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu; Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi và tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông. Ngoài ra, sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư đông đúc như Bắc Sài Gòn, Tây Sài Gòn, Nam Sài Gòn…
Xây dựng kịch bản thích ứng với thiên nhiên
Hơn 4 tỉ USD cho công cuộc chống ngập trong 5 năm là áp lực cực kỳ lớn đối với TP.HCM. Thực tế, việc thiếu vốn, thiếu tiền là một trong những nguyên nhân chính khiến TP chống mãi không hết ngập. Báo cáo của Sở Xây dựng cho biết: Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TP, cần kinh phí 73.379 tỉ đồng nhưng tổng tất cả nguồn vốn bao gồm được cấp bằng nguồn ngân sách TP, hỗ trợ từ T.Ư, cổ phần hóa… mới có được 26.852 tỉ, còn cần huy động 46.527 tỉ. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, TP dự kiến sử dụng 96.527 tỉ đồng để chống ngập nhưng nguồn vốn ngân sách TP chỉ chiếm 15.851 tỉ đồng, vốn ngân sách T.Ư là 588 tỉ đồng. Phần còn lại huy động từ xã hội hóa và nguồn vốn ODA kết hợp PPP. Tổng cộng, toàn bộ kinh phí đã “đổ” vào công tác chống ngập từ 2016 - 2020 là 25.998 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD nhưng ngập vẫn hoàn ngập, cứ mưa là ngập khiến người dân ngày càng bức xúc.
TS Nguyễn Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định không chỉ chăm chăm tìm cách “hong khô” các điểm ngập hiện hữu, TP.HCM phải đặc biệt quan tâm tới những dự báo về tình trạng sụt lún, nước biển dâng sẽ nhấn chìm TP trong vài chục năm tới. Theo ông, trước thiên tai, con người phải xác định có thể xây dựng phương án dự phòng bằng cách tích hợp nhiều giải pháp nhưng xuyên suốt phải theo tôn chỉ thích ứng, thích nghi chứ không chống lại tự nhiên. Mới đây, chính phủ Indonesia vừa công bố kế hoạch dời thủ đô sang tỉnh Đông Kalimantan vào năm 2024 vì đô thị hiện hữu đã quá chật chội, không còn đủ khả năng đối phó với ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm... Hàn Quốc và Thái Lan cũng có chung ý định. Điều đó cho thấy các nước đã nhận ra rằng nếu cứ đổ tiền vào các công trình hàng trăm, nghìn tỉ để chống ngập thì cũng coi như đổ xuống sông, xuống biển.
Cần có cái nhìn xa hơn, xây dựng nhiều kịch bản ứng phó khác nhau, thích nghi với điều kiện thay đổi khí hậu thực tế. Trong đó, phải tính đến chuyện tích lũy đầu tư xây dựng các khu đô thị mới để lùi lại, nhường bước trước tự nhiên.
“Muốn như vậy, lãnh đạo, các cơ quan quy hoạch cần xem xét lại tất cả quy hoạch và phải có lựa chọn. Cần đặt trong bài toán tổng thể để trả lời một loạt câu hỏi: Bỏ ra hàng nghìn tỉ làm đê, đắp đập thì những công trình này có thích ứng được với kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất hay không? Hạn sử dụng các công trình này trong bao lâu? Số tiền bỏ ra có tương xứng hay không? Trong trường hợp không thể chống ngập thì phương án dự phòng cho người dân ở khu vực đó thế nào? Nếu phải dời đi, họ sẽ đi đâu, tiền ở đâu để đảm bảo đời sống của người dân trong hoàn cảnh đó?...”, vị này đặt vấn đề.
Bình luận (0)