Thêm một năm học cùng nhiều nỗi lo

Đến giữa tháng 8, hầu hết các trường học trên toàn quốc đã tựu trường.

Tín hiệu tích cực, dễ thấy nhất của đầu năm học này so với các năm học trước là học sinh được nghỉ hè dài hơn, hơn 2 tháng, từ cuối tháng 5 đến đầu/giữa tháng 8. Điều này cho thấy nếu lãnh đạo ngành giáo dục quyết tâm thực hiện không cho các trường tựu trường sớm thì sẽ làm được.

tin liên quan

Năm học 'bản lề'
Từ ngày 14.8, học sinh bắt đầu tựu trường. Năm học 2017 - 2018 được xem là năm 'bản lề' để chuẩn bị thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT bắt đầu từ năm 2018.
Tuy được xã hội hoan nghênh về kỳ nghỉ hè dài ngày của học sinh nhưng từ đây vẫn cho thấy nhiều bất cập. Nghỉ hè, song vẫn chưa trút bỏ hết gánh nặng về áp lực tâm lý của việc học. Vì thế, nhiều phụ huynh vẫn cho con em học tại các trung tâm, gia sư kín cả thời gian hè. Nhất là học sinh các lớp đầu cấp, sợ không theo kịp chương trình; học sinh chuẩn bị vào các lớp cuối cấp, như lớp 9, lớp 12, do áp lực của các kỳ thi trước mắt nên vẫn phải học trước chương trình.
Bài toán về sự thiếu hụt trầm trọng giáo viên mầm non ở nhiều địa phương vẫn chưa có lời giải dù một số nơi đã có nhiều giải pháp, như tại TP.HCM bỏ yêu cầu hộ khẩu thành phố, song vẫn không tuyển đủ giáo viên biên chế cho các trường công lập.
Tuyển sinh đầu cấp, như tiểu học, THCS vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu rất lớn của phụ huynh về việc học trái tuyến, về chế độ bán trú… Vì thế vẫn còn áp lực rất lớn về trường lớp. Rồi bất cập trong cách tính điểm cộng, chế độ ưu tiên trong việc xét tuyển đầu cấp cũng dễ phát sinh tiêu cực.
Mặc dù vừa qua Thủ tướng đã ký Nghị định 88/2017/NĐ-CP về việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, theo đó giáo viên không phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp hoàn thành nhiệm vụ, nhưng thực tế hoạt động tại nhà trường vẫn chưa cởi trói hoàn toàn để trút bỏ gánh nặng về hồ sơ, sổ sách, họp hành cho giáo viên.
Thi THPT quốc gia và quy trình xét tuyển sinh có nhiều cải tiến tích cực, song vẫn bộc lộ những bất ổn khiến xã hội chưa an tâm, như về chế độ ưu tiên, về tính phân loại của đề thi, về hiện tượng “mưa điểm 10”, về việc thí sinh điểm cao tuyệt đối vẫn trượt đại học… Nhiều hệ lụy sẽ phát sinh từ đây, mà nhãn tiền là việc học lệch của thí sinh cuối cấp. Điểm xét tuyển vào khối ngành sư phạm ở một số địa phương quá thấp, cũng ảnh hưởng đến tâm lý xã hội về vai trò của giáo dục, mà trước hết là tâm thế của đội ngũ giáo viên đang đứng lớp.
Thêm một năm học nữa sắp tới với những nỗi lo không mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.