Thêm nhiệt vào 'cơn sốt' giá gạo

Chí Nhân
Chí Nhân
26/08/2023 07:06 GMT+7

Cơn sốt giá gạo trên thị trường thế giới tiếp tục tăng nhiệt khi được bổ sung hàng loạt thông tin về việc thắt chặt nguồn cung từ Ấn Độ và cả Myanmar. Gạo Việt cũng đang "nín thở" dò xét các diễn biến mới của thế giới.

Giá gạo sẽ vọt lên trong ngắn hạn

Ngày 25.8, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), đơn vị chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, nói với Thanh Niên: Nguồn đáng tin cậy từ giới chức Myanmar cho biết chính phủ nước này sẽ hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo. Khả năng cao là lệnh hạn chế sẽ có thời hạn từ ngày 1.9 - 15.10.2023.

Thêm nhiệt vào 'cơn sốt' giá gạo - Ảnh 1.

Thị trường lúa gạo thế giới thêm nóng vì nguồn cung tiếp tục bị siết chặt

ĐÌNH TUYỂN

Cùng ngày, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), xác nhận trong giới kinh doanh có lan truyền thông tin Myanmar sẽ hạn chế xuất khẩu gạo trong vài ngày tới. Về mặt tâm lý, thông tin này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo trong thời gian tới.

Những lo ngại này là hoàn toàn có thể xảy ra. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ ngày 20.7 đã khiến giá gạo toàn cầu tăng vọt thêm 100 USD/tấn. Gạo 5% tấm của VN hiện đang ở mức 638 USD/tấn và Thái Lan là 628 USD/tấn, mức giá cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Lệnh cấm của Ấn Độ khiến thị trường thế giới thiếu hụt khoảng 7 - 8 triệu tấn gạo, trong khi khả năng bổ sung từ hai nguồn cung chính là Thái Lan và VN chỉ có thể tăng thêm tối đa 2 triệu tấn. 

Chưa kể, thiên tai đang diễn ra khắp nơi, gây thiệt hại nghiêm trọng đến vụ mùa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước đều có nhu cầu tăng nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực và đối phó hiện tượng El Nino đe dọa. Điển hình là Indonesia vẫn đang tìm đến nguồn cung thay thế từ Myanmar, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 6 thế giới. Hai bên đang thảo luận về một hợp đồng có sản lượng từ 80.000 - 100.000 tấn, giá trị lớn nhất mà Myanmar có được từ trước đến nay.

Trong một diễn biến khác, ngày 25.8, Bloomberg đưa tin Chính phủ Ấn Độ đang xem xét đánh thuế mặt hàng gạo đồ xuất khẩu. Tuy nhiên sau đó, Reuters dẫn lời ông Sanjeev Chopra, Bộ trưởng Lương thực của Ấn Độ, cho hay: "Hiện tại không có đề xuất nào nhằm hạn chế xuất khẩu gạo đồ". Tuy nhiên, điều thị trường vẫn chưa quên, Bloomberg là nơi đầu tiên "lộ" tin Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu gạo. Trước đó, Indonesia đã đạt được thỏa thuận mua 125.000 tấn gạo với Campuchia qua hình thức ngoại giao, trong đó có 100.000 tấn gạo trắng và 25.000 tấn gạo thơm.

Thị trường gạo đối mặt khó khăn mới vì Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo

"Vào thời điểm hiện tại, thị trường thế giới đang rất nhạy cảm và sẽ có những phản ứng gần như tức thời với các loại thông tin như vậy. Gần như chắc chắn, giá lúa gạo trên thị trường thế giới sẽ tăng vọt trong những ngày tới. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cũng nên bình tĩnh nhìn nhận, đây chỉ là hạn chế trong một giai đoạn không phải cấm hoàn toàn và không xác định thời hạn như trường hợp của Ấn Độ. Thời điểm 15.10 là lúc vụ thu hoạch lúa ở Myanmar cơ bản kết thúc, họ cân đối lại sản lượng nhu cầu tiêu thụ nội địa và giá cả thị trường sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu", bà Phan Mai Hương nói.

Giá cao, chỉ đi được hợp đồng nhỏ

Trong 2 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gạo của Myanmar đạt khoảng 800 triệu USD/năm, chủ yếu bán cho Trung Quốc và Philippines. Trước khi lệnh cấm của Ấn Độ được ban hành, giá gạo chất lượng cao xuất khẩu của Ấn Độ khoảng 700 USD/tấn, còn gạo thường từ 300 - 400 USD/tấn. Trong giai đoạn đầu năm, sản lượng xuất khẩu gạo của Myanmar giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Trước cơn sốt giá gạo hiện tại, Myanmar đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1 tỉ USD. Có thể thấy, Myanmar là một nguồn cung gạo quan trọng nhưng sản lượng không quá lớn. Dù vậy, khi giá thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại VN và Thái Lan, những nhà nhập khẩu tìm đến các nguồn cung thay thế như Myanmar hay Campuchia.

"Việc xuất hiện các lệnh hạn chế có thể nhằm 2 mục tiêu là cân đối sản lượng và nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu của họ. Tôi tin cuối tháng 10 họ sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu bình thường để tận dụng cơ hội giá cao", ông Đỗ Hà Nam nói.

Ông Nam nhận xét: Với thị trường nội địa, giá gạo VN hiện nay tuy chưa cao bằng năm 2008 nhưng đã ở mức rất cao. Lệnh hạn chế xuất khẩu của Myanmar có thể khiến giá gạo trên thị trường tăng thêm một ít trong ngắn hạn nhưng cũng sẽ không quá cao. Bởi với giá gạo hiện tại giao dịch rất yếu, chỉ một ít doanh nghiệp (DN) đi được những hợp đồng giá trị nhỏ. Các khách hàng truyền thống như Philippines hay Trung Quốc vẫn còn chần chừ chưa chịu chốt đơn dù nhu cầu mua là có thật.

"Hiện tại đã cuối vụ thu hoạch lúa hè thu, sản lượng lúa không còn nhiều cũng là lý do thị trường trầm lắng. Với mức giá hiện tại, nông dân có lãi tương đối tốt và theo tôi biết họ cũng bán hết rồi. Hiện nay lúa gạo chủ yếu nằm trong tay những nhà cung ứng. Nếu họ đẩy giá quá cao thì các nhà xuất khẩu cũng không bán ra được và không dám ký hợp đồng mới", ông Nam khuyến cáo.

Tại ĐBSCL, giá lúa gạo ngày 25.8 tiếp tục duy trì mức cao. Cụ thể, gạo IR 504 ở mức 7.750 - 7.900 đồng/kg, giống OM 5451 từ 7.750 - 8.000 đồng/kg, lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.200 đồng/kg, Nàng Hoa 9 có giá 7.800 - 8.200 đồng/kg, Đài thơm 8 và lúa Nhật ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang, thông tin: Thị trường nội địa tiếp tục trầm lắng do cung và cầu chưa tìm được điểm chung về giá. Nếu Myanmar hạn chế xuất khẩu sẽ tác động mạnh đến thị trường thế giới, đặc biệt là về tâm lý với những nước có nhu cầu nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện thời tiết El Nino khắc nghiệt. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến tình trạng biến động giá theo chiều hướng khó lường khiến các DN ngại ký hợp đồng cũng như tâm lý đầu cơ tích trữ. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ thị trường cho cả người mua lẫn người bán.

Gạo nội địa VN và Thái Lan tăng theo giá xuất khẩu

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang, từ cuối tháng 7.2023 đến nay, giá gạo nội địa đã tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg do DN xuất khẩu gạo thu mua giá cao. Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra, phát hiện 4 cơ sở bán gạo không niêm yết giá. Tương tự, tại Cà Mau, các đội QLTT cũng tiến hành tuyên truyền ký cam kết đối với nhiều tổ chức, cá nhân không kinh doanh thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo quy định, không đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý.

Tại Thái Lan, giá gạo nội địa cũng tăng theo giá xuất khẩu. Hiệp hội các nhà phân phối gạo đóng gói Thái Lan gần đây cho biết giá gạo đóng gói tăng thêm 3 baht (2.000 đồng) mỗi kg, lên mức 20 baht (khoảng 13.600 đồng) mỗi kg, bắt đầu từ tháng 9. Cụ thể, giá gạo Sao Hai tăng từ 920 lên 1.010 baht (khoảng 690.000 đồng) mỗi bao, trong khi giá gạo Hom Mali tăng từ 38 lên 40 baht (khoảng 27.000 đồng) mỗi kg.

Một nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Chính phủ Thái Lan đã làm việc và yêu cầu Hiệp hội các nhà phân phối gạo đóng gói không được tăng giá bán ở thị trường nội địa. Nhưng lãnh đạo đơn vị này cho biết "điều đó là không thể vì chẳng khác nào bắt chúng tôi đóng cửa".


Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo VN

Tổng cục Hải quan mới công bố lượng gạo xuất khẩu trong tháng 7.2023 là 619.000 tấn, tăng 0,2% so với tháng trước. Tổng lượng gạo xuất khẩu trong 7 tháng năm 2023 lên tới 4,85 triệu tấn, tăng 19% và trị giá đạt 2,62 tỉ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước. ASEAN và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của gạo VN. Trong đó, gạo VN xuất sang ASEAN đạt 2,87 triệu tấn, tăng 21%; Trung Quốc đạt 715.000 tấn, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, lượng gạo xuất sang 2 thị trường nói trên đạt 3,59 triệu tấn, chiếm 74% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.