Như Thanh Niên đã đưa tin, theo UBND TP.HCM, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với đồng bào các tỉnh phía bắc. Đã có nhiều người chết, mất tích và bị thương; hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hàng ngàn ngôi nhà bị chìm trong nước, hàng ngàn gia đình phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bị cô lập.
Để thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với những đau thương, mất mát, khó khăn của đồng bào các tỉnh miền Bắc, Thường trực UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo hạn chế, giảm quy mô tổ chức các chương trình lễ hội, sự kiện trên địa bàn thành phố; hoặc tạm hoãn, chuyển sang thời gian khác phù hợp.
Trước mắt, chuỗi hoạt động quảng bá Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ với hơn 70 sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí… sẽ thay đổi kế hoạch tổ chức, theo chỉ đạo mới nhất từ UBND TP.HCM.
Thảm kịch người cha ở Làng Nủ: Mất hết 5 người thân, mong tìm được con út để chôn cất
Thật khó để cười
Nhận xét về chỉ đạo "giảm quy mô, tạm hoãn tổ chức lễ hội, sự kiện" trong thời điểm này của UBND TP.HCM, nhiều BĐ thảo luận rất sôi nổi.
BĐ Tuong Van đặt câu hỏi: "Đây cũng là hoạt động kinh tế, chúng ta có nhất thiết phải dừng?". Như một cách trả lời, BĐ Minh Nghĩa nêu: "Đúng là thật khó để nở những nụ cười lễ hội trong khi bà con nhiều tỉnh miền Bắc đang chịu đựng những mất mát vì thiên tai. Tôi thấy hiện nay cả xã hội đang chú ý nhiều hơn đến công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ. Nếu xuất hiện dòng thông tin ca hát nhảy múa thì có khi bị trách".
Cùng nhận định, BĐ Bích Ngân phân tích thêm: "TP yêu cầu các đơn vị trực thuộc cân nhắc, đánh giá để tổ chức phù hợp các hoạt động có thể đã được lên kế hoạch. Nếu cần thiết có thể dời, hoãn, vì mục đích tuyên truyền, quảng bá của các lễ hội, sự kiện có thể sẽ không đạt được vào thời điểm này. Đây cũng là cách nghĩ rất thực tế".
Chia sẻ về câu chuyện "ở ngay chung cư nhà tôi", BĐ Thủy cho biết: "Không ai nhắc, nhưng đêm lễ hội Trung thu tổ chức cho các bé, ban quản trị cũng quyết định giảm bớt các hoạt động rộn ràng như múa lân, chỉ rước đèn phá cỗ giản dị, rồi nhân đó công khai đến cư dân các hoạt động quyên góp, đóng góp hỗ trợ người dân vùng bão lũ".
Kết hợp vận động hỗ trợ
Tuy nhiên, nhiều BĐ nhận xét có thể giảm quy mô, tần suất, hoặc tạm hoãn tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện trên địa bàn thành phố; nhưng đồng thời cũng có thể cân nhắc đưa các hoạt động vận động quyên góp hỗ trợ khắc phục bão lũ vào các lễ hội này, như vậy sẽ tăng thêm hiệu quả.
BĐ Giàu Lam nêu ý kiến: "Tôi cho rằng thay vì dừng lễ hội, thì đề nghị các lễ hội đó tổ chức đóng góp từ thiện, kêu gọi mọi người tham dự nhiều hơn để có tiền đóng góp cứu trợ đồng bào bị thiên tai". Ý kiến này nhận được sự tán thành của không ít BĐ khác. BĐ Sắc Bùi cho rằng: "Mình thấy cứ để hoạt động lễ hội bình thường, nhưng chủ động kết hợp quyên góp ủng hộ bà con vùng lũ, là rất tuyệt vời!". BĐ Tuấn Anh Nguyễn đóng góp ý kiến: "Tại sao không dùng các lễ hội này kết hợp quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ lụt. Tôi tin rằng sẽ rất hiệu quả đấy".
"Chúng ta sẽ nghĩ đến một "lễ hội" đặc biệt - lễ hội quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bão lũ", BĐ Thúy Nhàn chia sẻ thêm.
* Sao chúng ta không nhân cơ hội có sự kiện, tổ chức kêu gọi đóng góp ít nhiều cho bà con yêu thương miền Bắc, mình nghĩ là sẽ thành công.
fan eric
* Lúc này đang rất cần những đóng góp của mọi người, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng mà có những anh chị em nghệ sĩ khi tham gia lễ hội đứng ra kêu gọi giúp đỡ thì đỡ cho bà con vùng lũ nhiều lắm.
van men phan
* Tạm hoãn thôi mà, chúng ta sẽ tham gia các lễ hội vào dịp khác, có phải là bỏ luôn đâu? Vấn đề là lựa chọn của từng địa phương sao cho thích hợp. Tuấn An
Bình luận (0)