Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 3: Thầy võ và tướng cướp

12/06/2013 00:30 GMT+7

Thời trai trẻ Sơn Nam từng chạm mặt võ sĩ lừng danh cùng tướng cướp khét tiếng cuối trời Nam. Và hai nhân vật ấy đã hóa vào trang sách.

Võ sĩ Sáu Cường

Truyện Vẹt lục bình trong tập truyện ngắn Biển cỏ miền Tây miêu tả địa danh Tràm Trốc là nơi lục bình trôi thành dề dày bịt trên sông rạch làm thối lòng dân thương hồ qua giáp sông này. Nhân vật là Hai Cần và lão Ngượt chèo tới đây đuối quá bỏ xuồng lội vào bờ. Dân địa phương an ủi Hai Cần dù anh khỏe, nhưng bậc võ sĩ vô địch Trà Vinh là Sáu Cường cũng thua lục bình. Nghe đồn ông từng xuống đây, thử chạy như bay qua chỗ giáp lục bình, bị sụp chân té xuống uống nước tưởng chết luôn...

 Ông Liêm Châu - người có mối duyên với Sơn Nam - d
Ông Liêm Châu - người có mối duyên với Sơn Nam - Ảnh: T.D

Nhiều thầy võ đọc tới đoạn này nói ông già gan trời dám bẹo gan Sáu Cường, ông Cường mà sống lại, tung vài cước hồn vía Sơn Nam chẳng còn. Nhưng Sơn Nam đâu dám “vuốt râu hùm” bởi hồi trẻ ông đã kính trọng thầy võ này. Trong hồi ký từ U Minh đến Cần Thơ, Sơn Nam bày tỏ: “Năm ấy ở Rạch Giá bày ra hội chợ có tiết mục cuộc đánh võ khiêu khích, võ sĩ quyền anh người da màu là Kid Chocolat đấu với võ sĩ Sáu Cường. Chocolat tìm cách nhập nội đánh những đòn móc quai hàm rất lợi hại, nhưng Sáu Cường đã dùng ngón đá ngàn cân, phòng thủ từ xa. Chocolat trúng cước té lăn cù nhưng ngồi dậy nhanh chóng, xốc tới đánh móc. Rốt cuộc, Sáu Cường thắng điểm rồi đi một đường quyền khá đẹp”. Nhà văn hâm mộ: “Cường cao ráo, tay chân khá dài, thỉnh thoảng nhảy cao như con chim đại bàng. Xem ông đấu, tôi và bao khán giả khác lấy làm hãnh diện cho dân tộc”.

Vậy Sáu Cường là ai? Đó là Nguyễn Phước Cường, quê ở Tiểu Cần (Trà Vinh), được mệnh danh là “thần cước” Nam kỳ. Tên tuổi Sáu Cường vang dội khắp Nam kỳ khi liên tục thượng đài hạ gục các đấu sĩ bằng đòn liên hoàn cước dũng mãnh. Một trong những trận đấu với võ sĩ khét tiếng Anthuong Chay (Thái Lan) rất giỏi đòn tay và chân đã tô điểm thanh danh Sáu Cường khi ông hạ gục đối phương bằng cước pháp. Các thầy võ đoán sở dĩ Sáu Cường giỏi tảo phong cước vì trời phú cho ông hai bàn chân to lớn dị thường.

Thầy giỏi có trò hay nhưng không ai biết Sáu Cường thọ giáo từ đâu. Theo nhà báo Lê Thanh Nguyên, nguyên Trưởng phòng Báo Lao Động khu vực ĐBSCL, thì: “Sáu Cường mê võ thuật và tự luyện tập, ông đào hố trồng cây chuối trong hố rồi tập phóng mình nhảy lên hố. Khi đôi chân búng đất bay vọt khỏi miệng hố như chim, ông tập đá quét các thân chuối, luyện đến lúc tung cú đá liên hoàn gãy rạp hàng loạt thân cây chuối ông Cường xuất môn đấu võ đài”.

Võ sĩ Sáu Cường sau  tham gia cách mạng chống Pháp trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Sợ các thầy võ khác bị ông tác động nên Pháp cho người theo dõi. Năm 1946, mật thám dọ được nơi ông ẩn náu đã huy động lực lượng vây bắt. Sáu Cường tả xung hữu đột nhưng sức người thua súng đạn, ông bị Pháp tử hình tại Trà Vinh sau vài tháng biệt giam.

Tướng cướp Đơn Hùng Tín

Thời Pháp thuộc, đồng bào miền Tiền Giang, Hậu Giang đều nghe danh Đơn Hùng Tín. Trước khi đánh cướp, Tín báo trước ngày giờ để gia chủ đề phòng. Khi quân cướp rút, chẳng ai dám hó hé tố cáo hoặc truy nã. Du đãng Tín thường vượt ngục phá khám hoặc được quan trên... tha bổng. Vì vậy dư luận cho rằng có nhiều ông hương chức hội tề hoặc ông cò Tây đã bí mật làm tay chân cho Tín vì sợ anh ta, vì tham của hoạnh tài (trích Đơn Hùng Tín chào đời - Hương rừng Cà Mau).

Theo nhà văn Trịnh Bửu Hoài, lúc viết bài này Sơn Nam đã nhiều lần tới Châu Đốc trốn Pháp. Tại đây nhà văn đã ở nhờ nhà bạn học cũ là Liêm Châu. Lúc đó Đơn Hùng Tín là nhân vật lục lâm cát cứ vùng Bảy Núi, nhưng chỉ cướp của nhà giàu giúp người nghèo, không sát nhơn đoạt của, không đánh cướp trong vùng Bảy Núi.

Giữa Liêm Châu và Sơn Nam có mối lương duyên. Liêm Châu sinh năm 1924, lớn hơn Sơn Nam 2 tuổi, nhưng một người vùng biển, một người vùng núi lại cùng học chung Trường Collège de Cantho kể từ năm 1940. Sau đó, Sơn Nam lên Sài Gòn đi viết báo, viết văn, còn Liêm Châu về dạy học ở Châu Đốc và viết biên khảo. Ông Châu kể: “Tôi mê tướng cướp hào hiệp này nên hay kể Sơn Nam đây là tướng cướp khinh tài trọng nghĩa. Bản thân tôi hồi đó đã viết thiên truyện Ngũ hổ Đơn Hùng Tín lấy bút danh là Châu Sơn Lâm và nhờ Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang gửi báo Điện Tín đăng nhiều kỳ, bạn đọc thích lắm. Sau này tôi tổng hợp truyện Ngũ hổ Đơn Hùng Tín gồm 5 tập viết theo phong cách kiếm hiệp, một tập hơn 300 trang đem in, năm 1991 một nhà xuất bản ở TP.HCM đã in trước 3 tập trả tôi nhuận quyền là 1 triệu đồng. Nhưng sau đó, gặp ngay đợt sách kiếm hiệp Kim Dung in lậu ồ ạt nên bộ sách này chựng lại”.

Ngày nay Đơn Hùng Tín vẫn là đề tài cho sách báo, tạp văn khai thác như Tín bị Pháp bắt thủ tiêu ở Cù lao Rồng, Tiền Giang hay Tín ẩn náu trên núi Cấm và chôn giấu kho báu trong hang, Tín luyện bùa thiên linh cái, luyện phép gồng nên đao thương bất nhập... Những tư liệu ấy đều trích dẫn từ Sơn Nam và Liêm Châu rồi pha trộn phóng đại thêm. Nhưng Sơn Nam với sự tinh tế và chứng nghiệm thực tế nên không sa đà các tiểu tiết, hư cấu. Ông hóm hỉnh viết Tín là người nông dân bình thường nhưng yêu nước, đi làm tướng cướp vì không chịu cúi đầu trước Pháp, bị súng bắn nhưng đạn xuyên qua mà không chết nên đàn em tin Tín có bùa linh. Sơn Nam thừa biết Tín là người khinh tài, giúp đỡ dân nghèo thì làm gì có châu báu giấu ở núi Cấm, nơi Tín ẩn cư là núi Trà Sư sát biên giới chứ nào ở núi Cấm như đồn đoán...

Thanh Dũng

>> Lịch sử VN tái hiện qua những màn võ thuật
>> Ngôi sao võ thuật gốc Việt trong "Mãnh hổ Tô Khất Nhi
>> Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 7: Vì dân, vì nước đâu phải vì ngôi báu
>> Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 6: Nữ tướng chuyên luyện voi chiến
>> Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 3: Thiết côn vô địch
>> Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 4: Vì dân, vì nước, gác chuyện phục thù
>> Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 5: Tây Sơn ngũ phụng thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.