Đề thi sử ít có sự liên hệ thực tiễn
Cô Đặng Ngọc Tú, giáo viên lịch sử Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cho rằng với đề thi năm nay, phổ điểm chủ yếu là 5 - 6, để đạt điểm 8 trở lên không dễ. Theo cấu trúc đề thi, từ câu 1 - 20 là mức độ nhận biết, vừa sức với học sinh, đảm bảo cho học sinh xét tốt nghiệp THPT.
Từ câu 30 trở đi bắt đầu có sự phân hóa, các câu hỏi đòi hỏi sự so sánh, tổng hợp, phân tích các kiến thức lịch sử nên không dễ với học sinh phổ thông, các phương án trả lời, độ nhiễu cao nên học sinh sẽ phải suy nghĩ và cân nhắc khi lựa chọn các phương án đúng. Nhất là từ câu 37 - 40, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản, mà phải có khả năng vận dụng, suy luận cao.
Theo cô Tú, đề thi năm nay ít có sự liên hệ thực tiễn, chủ yếu là kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa. Trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, có rất nhiều sự kiện trong nước và thế giới tác động đến tình hình Việt Nam, nên việc bổ sung thêm những câu hỏi mang tính thực tiễn trong đề thi sẽ giúp học sinh nâng cao khả năng tư duy, vận dụng kiến thức, đồng thời giúp các em thấy được trách nhiệm, vai trò của mình.
Đề bám sát đề tham khảo của Bộ GD-ĐT. Có 4 câu lịch sử lớp 11, còn lại nội dung đề tập trung ở kiến thức lớp 12, trong đó nhấn mạnh nội dung của giai đoạn lịch sử 1930 - 1945, có sự so sánh giữa các giai đoạn lịch sử.
Đề có một số câu hỏi khó nằm ở 4 phương án lựa chọn và học sinh rất khó để chọn được phương án đúng nhất.
Đa số học sinh đạt phổ điểm 6 - 7 môn địa lý
Với môn địa lý, cô Lại Kim Anh, giáo viên Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), dự đoán với đề thi năm nay, đa số học sinh đạt 5 điểm, phổ biến 6 - 7, để đạt được điểm giỏi là không dễ, bởi đòi hỏi học sinh phải thực sự đầu tư kiến thức, yêu thích địa lý và bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội đang diễn ra của đất nước.Đề thi rất cơ bản, bám sát đề minh họa của Bộ GD-ĐT, kiến thức trải rộng ở cả 3 chương trình lớp 10, 11, 12 (tập trung nhất ở lớp 12).
Điểm khác biệt của đề năm nay so với năm 2018 là kiến thức lớp 11 chỉ tập trung vào khu vực Đông Nam Á và sự giảm tải này, theo cô Kim Anh, là cần thiết và hợp lý. Trong đó, có 1 câu hỏi về tự nhiên, 1 câu hỏi về kinh tế của khu vực Đông Nam Á nhưng cũng sát thực với kinh tế của Việt Nam để học sinh có thể dễ dàng trả lời được.
Đề có sự phân hóa rõ rệt khi có 4 - 6 câu đòi hỏi học sinh không những phải nắm chắc kiến thức cơ bản, mà còn cần có khả năng phân tích, tư duy tổng hợp kiến thức. Tuy nhiên, nội dung ở những câu hỏi này khá hay, đề cập đến những vấn đề nội cộm cũng như những thế mạnh của các vùng kinh tế.
Tình huống thực tế đưa ra thú vị khiến đề thi giáo dục công dân không khô cứng, nhàm chán
Với đề thi môn giáo dục công dân, cô Chu Thị Hiên, giáo viên môn này tại Trường THPT Trí Đức (Hà Nội), cho rằng học sinh học lực trung bình dễ dàng đạt điểm 5 - 6. Học sinh học lực khá có thể đạt điểm 7 - 8. Tuy nhiên, để đạt điểm 9 - 10 thì học sinh cần nắm vững kiến thức và có sự liên hệ, phân tích, xử lý mới có thể đạt được.
Theo cô Hiên, đề có hệ thống logic, bám sát thực tiễn, đặc biệt ở những tình huống vận dụng cao. Điều này giúp học sinh có những kiến thức thực tế để đánh giá và áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Đề thi cũng đảm bảo đúng 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; có mức độ phân hóa để đáp ứng 2 tiêu chí của kỳ thi là xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
Cô Hiên cho rằng, những vấn đề thực tiễn được đưa vào đề thi năm nay là vấn đề an toàn thực phẩm, sử dụng mạng xã hội, các mỗi quan hệ trong gia đình… sẽ trực tiếp mang lại cho học sinh các kiến thức thực tế nên tính giáo dục rất cao, giúp các em có được các kỹ năng cũng như các bài học kinh nghiệm để vận dụng vào cuộc sống.
So với năm 2018, theo cô Hiên, đề thi năm nay hay hơn, câu hỏi rõ ràng, các tình huống vận dụng chặt chẽ, độ gây nhiễu tốt, tạo sự hứng thú với học sinh khi làm bài. Những tình huống thực tế đưa ra thú vị khiến đề thi không khô cứng, nhàm chán.
Bình luận (0)