Đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương

Thanh Xuân
Thanh Xuân
20/12/2021 06:40 GMT+7

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng các chợ vẫn vắng, tiểu thương chưa dám trữ hàng... kể cả thực phẩm, bánh mứt truyền thống. Thị trường cần liều thuốc mạnh mới có thể kích cầu tiêu dùng trong dân chúng.

Không có tiền sao kích cầu?

Cách đây mấy ngày, chị Thanh Hà (Q.3, TP.HCM) nhận được thông báo doanh nghiệp thưởng 50% tháng lương thứ 13. Vui mừng chưa được bao lâu thì chị Hà nhận được giấy báo khấu trừ gần 2,2 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN), số tiền còn nhận chỉ 5,1 triệu đồng. “Nhìn số thuế bị trừ mà không còn ý định mua sắm gì”, chị Hà than.

Mùa mua sắm cuối năm nay các chợ sỉ, lẻ tại TP.HCM khá vắng khách

Nguyên Nga

Tháng 12 là mùa lễ hội mua sắm, giờ này hằng năm các trung tâm, siêu thị, quán ăn… tấp nập người ra vào, tình trạng kẹt xe ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM diễn ra khắp nơi. Nhưng năm nay hoàn toàn trái ngược, các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng quần áo… tại TP.HCM vắng người đến mua sắm. Sức tiêu thụ hàng hóa trong nước đã sụt giảm mạnh nhiều tháng liên tiếp gần đây. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 dù tăng 6,2% so với tháng 10, nhưng vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 11 tháng giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái do những tháng trước đó đã ở mức thấp, nhất là từ tháng 5 tới tháng 8, tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Sức mua sụt giảm đến mức ngay cả tháng khuyến mại với mức giảm lên tới 100% cũng không kích được nhu cầu. Trong bối cảnh đó thì chỉ còn vài ngày nữa kết thúc năm 2021, chính sách giảm 30% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số mặt hàng như ăn uống, du lịch, vận tải… cũng chấm dứt sau 2 tháng thực hiện. Nỗi lo sức mua đã yếu sẽ liệt luôn đang khiến các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa.

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng các cơ quan chức năng nên nghiên cứu một gói kích cầu tổng thể, trong đó cần giảm thuế TNCN, GTGT để vực dậy sức mua, từ đó mới có thể thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông Trần Xoa, việc giảm thuế GTGT 30% trong 2 tháng cuối năm đang làm chỉ bó hẹp ở một số ngành hàng như quán ăn, du lịch… Chính sách này chưa thật sự lan tỏa nên cần mở rộng sang các lĩnh vực, ngành nghề khác và kéo dài mức giảm lên 6 - 12 tháng. Kết hợp với việc giảm thuế GTGT, để người lao động mạnh dạn chi tiêu thì cũng cần giảm thuế TNCN để họ có tiền mua sắm.

Nên giảm 30% thuế TNCN với người làm công ăn lương

Mới đây Tổng cục Thuế công bố số thu thuế TNCN đã tăng 107% so với mức dự toán năm. Mặc dù thông cảm cho ngân sách nhà nước đang gặp những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng ông Xoa cho rằng số thuế đã đủ dự toán thì cũng cần giảm cho người nộp thuế, đặc biệt là người làm công ăn lương, những người đang đóng góp hơn 70% trong tổng số thuế TNCN.

Thực tế, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc từ giữa năm 2020 chỉ là bù đắp phần trượt giá của những năm trước đó, chứ chưa tính đầy đủ người lao động có sống được với mức này hay không. Hơn 1 năm qua, giá tiêu dùng đã tăng rất mạnh.

Người lao động phải bỏ nhiều tiền hơn để duy trì bữa ăn hằng ngày mà chất lượng thì sụt giảm. Chưa kể tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động trong mùa dịch. Nhiều người phải gánh thêm người thân thất nghiệp. Những người còn lại phải tăng công việc lên, theo đó thu nhập có tăng lên một chút lại phải rơi vào mức thuế cao hơn. Điều này làm tâm lý người lao động không mấy thoải mái, cứ làm càng nhiều thì đóng thuế càng cao, tỷ lệ điều tiết thuế trên thu nhập cũng vì thế mà tăng lên.

Ông Trần Xoa kiến nghị nhà nước cần sớm có quyết sách giảm 30% số thuế TNCN đối với tiền công tiền lương của người lao động, số thuế giảm không vượt quá 30 triệu đồng/năm. Quy định này áp dụng cho kỳ quyết toán thuế năm 2021 và 2022. Điều này coi như nhà nước hỗ trợ cho những người đang có thu nhập thêm một khoản để chi tiêu vào thời điểm cuối năm. Nếu quyết sớm trong tháng 12.2021 hay đầu tháng 1.2022 sẽ giúp người lao động mạnh dạn chi tiêu hơn vào dịp cuối năm, không những kích cầu kinh tế mà hoạt động của doanh nghiệp cũng sẽ khởi sắc hơn vào thời điểm đầu năm 2022. “Đừng để qua thời điểm này mới quyết thì sức lan tỏa của chính sách cũng không được hiệu quả, kích cầu không thực hiện được thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó hồi phục”, ông Xoa khuyến cáo.

Đồng tình nên giảm thuế cho người dân trong giai đoạn này, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng: Việc giảm thuế TNCN cho người làm công ăn lương cần làm nhanh để khoan sức dân. Vừa qua, số thu thuế đối tượng này ở mức cao nên giờ cũng cần có chính sách hỗ trợ họ.

“Miễn, giảm thuế TNCN nói rất nhiều từ 2 năm nay từ khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng chưa được thực hiện, trong khi mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đối với người làm công ăn lương ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội là khó có thể đủ sống. Những người đóng thuế là những người có thu nhập nên muốn kích cầu thì ít ra cũng nên có chính sách khuyến khích họ chi tiêu. Điều này kích thích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì ngân sách nhà nước có thể thu thuế được ở những nơi khác”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cần thay đổi luật thuế tổng thể cả về TNCN và GTGT

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất: Về lâu dài, cần có chương trình thay đổi luật thuế tổng thể cả về TNCN và GTGT. Nhiều kiến nghị trước đây nên tính mức giảm trừ gia cảnh tính theo lương tối thiểu vùng, đồng thời giãn bậc chịu thuế thì mới công bằng hơn cho đối tượng chịu thuế. Mức lương tối thiểu hiện được tính thành 4 vùng khác nhau, tăng lên hằng năm.

Chẳng hạn lương tối thiểu vùng 1 năm 2013 là 2,35 triệu đồng/tháng thì năm 2021 lên 4,42 triệu đồng/tháng. Mức lương tăng lên gần gấp đôi mà giảm trừ gia cảnh tăng không tương ứng thì nhiều người rơi vào tình cảnh chịu thuế, hoặc số tiền đóng thuế tăng lên. Thu nhập chưa tăng đã phải đóng thuế làm cho người nộp thuế cảm thấy không thoải mái. Còn đối với thuế GTGT, cần thống nhất áp dụng 1 thuế suất ở mức thấp 3% hay 5% cho dễ thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.