Thực phẩm đầy kệ, siêu thị giảm giá nhiều loại
Khảo sát tại siêu thị Co.op Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) trong hai ngày cuối tuần vừa qua cũng tương tự. Hàng hóa, thực phẩm tươi sống đều đầy ắp các quầy kệ. Một số mặt hàng còn được giảm giá như khoai lang Đà Lạt giảm từ 27.900 đồng/kg xuống còn 22.900 đồng/kg; bí đỏ tròn (Kiên Giang) từ 15.000 đồng/kg xuống 12.900 đồng/kg; thanh long ruột trắng Phan Thiết chỉ còn 9.900 đồng/kg, giảm gần 3 lần so với giá bán cách đây vài ngày...
Hệ thống siêu thị Vinmart (Trung tâm thương mại Vincom Center, Q.1) cũng liên tục nhập hàng hóa mới, trong đó nhiều loại giá giảm so với cách đây vài ngày. Cụ thể, cá hồi phi lê giảm từ 650.000 đồng/kg xuống còn 469.900 đồng/kg; mực ống tươi loại 20 - 30 cm/con giá 289.900 đồng/kg, giảm hơn 55.000 đồng/kg; cam vàng Úc thường ngày giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, nay giảm giá chỉ còn 56.000 đồng/kg; bưởi hồng da xanh túi lưới từ 50.000 - 80.000 đồng/kg…
Bộ Công thương cho biết qua thực tế kiểm tra của Vụ Thị trường trong nước, nguồn hàng thực phẩm thiết yếu của các siêu thị hiện được bày bán khá dồi dào, giá ổn định như trước tết. Các doanh nghiệp cũng dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh, nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.
Ngoài chợ vẫn bán giá “trên trời”
Dịch viêm phổi Vũ Hán diễn ra khiến hàng loạt mặt hàng nông thủy, hải sản của VN rơi vào tình trạng dội hàng, rớt giá thê thảm khi phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa biên giới và giảm lượng tiêu thụ. Thế nhưng nghịch lý là tại các khu chợ dân sinh, giá những mặt hàng này không giảm.
Chiều 10.2, tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), giá các loại trái cây vẫn khá cao. Xoài cát Hòa Lộc giá 110.000 đồng/kg, trong khi giá thường ngày chỉ 80.000 đồng/kg; bưởi da xanh giá 70.000 đồng/kg. Đáng nói, trong khi dưa hấu bán tháo tại các tỉnh thành với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, có những nơi chỉ 1.000 đồng/kg thì tại chợ Bà Chiểu, các tiểu thương vẫn báo giá dưa hấu Long An 2 loại, giá 30.000 đồng và 35.000 đồng/kg. Tương tự, thanh long bán tại chợ này cũng có giá cao gấp 10 lần nhà vườn, hơn 40.000 đồng/kg.
Thắc mắc vì sao thanh long, dưa hấu khắp nơi kêu giải cứu mà tại chợ giá vẫn cao, các tiểu thương nói thẳng: “Ở đây không bán hàng giải cứu. Thanh long giải cứu thì xấu, dưa hấu thì nhạt, héo nát, ai mà mua”.
Tương tự, cùng ngày khi khảo sát tại nhiều vựa hải sản và chợ tại TP.HCM, giá bán các loại cua biển Cà Mau vẫn đứng ở mức cao dù hơn một tuần qua, nhiều người nuôi cua ở Cà Mau cho biết giá cua đã giảm mạnh đến 50% xuống còn từ 200.000 - 250.000 đồng/kg cua thịt và cua gạch giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Cụ thể, tại vựa hải sản Vũ Huệ An (Q.Bình Thạnh), giá cua thịt từ 270.000 - 320.000 đồng/kg tùy kích cỡ và cua gạch là 360.000 đồng/kg. Tại vựa cua biển Út Kiệt (Q.5, TP.HCM), giá cua thịt loại lớn vẫn giữ giá 500.000 đồng/kg và cua gạch loại lớn có giá 550.000 đồng/kg. Người bán giải thích, giá này đã giảm nhẹ so với trước tết vì khi đó giá cua gạch loại lớn hơn 600.000 đồng/kg, nhưng không giảm nhiều vì hiện thương lái không chịu thu mua nên cửa hàng phải đặt giá cao mới có hàng để bán…
Theo Bộ NN-PTNT, hai mặt hàng chủ lực xuất sang Trung Quốc là thanh long, dưa hấu trong nước đang vào vụ thu hoạch, đến ngày 8.2 tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn... Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến nên khi bị “tắc” sang thị trường Trung Quốc sẽ dội lại về trong nước. Như vậy dù nhiều hàng hóa đang ứ đọng tại khu vực nuôi trồng nhưng ở TP.HCM hầu như không có hàng (ngoại trừ một vài điểm bán dưa hấu và thanh long mang tính hỗ trợ) và như nói trên, giá vẫn cao ngất ngưỡng.
Lý giải hiện tượng này, chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do thời điểm là đầu mùa thu hoạch, lượng hàng dư tồn của người nông dân chưa quá nhiều tới mức dội chợ. Bên cạnh đó, nhiều người dân đang kỳ vọng vào việc Trung Quốc sớm mở lại cửa khẩu biên giới, lưu thông hàng hóa trở lại nên tiếp tục có tâm lý chờ, chưa muốn đẩy hàng bán giá rẻ tại thị trường trong nước. Việc hàng hóa chưa đến được các chợ còn có thể do tắc nghẽn ở khâu vận chuyển khi dịch bệnh bùng nổ khiến các thương lái chưa vào cuộc, hệ thống phân phối trên thị trường bị chậm, gián đoạn.
Để giải quyết tình trạng này, ông Đỗ Hòa nhận định các cơ quan quản lý phải nhanh chóng thấy được bất cập cung - cầu, phát động các hiệp hội ngành nghề, cả bên vận tải lẫn các doanh nghiệp phân phối để nhanh chóng điều chỉnh lại cơ cấu nguồn hàng. Không thể xuất được thì phải có biện pháp hỗ trợ, điều chỉnh phân phối lại thị trường nội địa nhiều hơn.
Bình luận (0)