Phí đổi tiền giảm
Liên lạc với anh Hùng (ở Q.10, TP.HCM), người làm dịch vụ đổi tiền mới, báo phí: “Loại tiền mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng có phí 10%; loại 50.000 đồng có phí 7,5%, giảm 0,5% so với cách đây mấy ngày. Hiện nay các mệnh giá đều còn, chị cần loại nào thì tụi em đến giao tận nơi". Người này cho biết, 2 mệnh giá mà khách hỏi đổi nhiều là 20.000 đồng và 50.000 đồng nhưng phí giảm hơn vì cũng sát tết "giảm chút cho mọi người cùng vui”.
Liên hệ một điểm đổi tiền khác cũng trên địa bàn Q.10, người này báo phí đổi tiền với mức thấp hơn các nơi khác 2%, chẳng hạn loại mệnh giá 50.000 đồng chỉ ở mức 6%, loại 10.000 đồng và 20.000 đồng ở mức 8%, 100.000 đồng ở mức 5%... Không như những năm trước, thời điểm này liên hệ các dịch vụ đổi tiền hầu như hết mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng thì năm nay hầu như nơi nào cũng còn.
Năm nay, nhu cầu đổi tiền lẻ giảm mạnh do hạn chế đi lại phòng dịch Covid-19. Mục đích đổi tiền cũng có nhiều điểm mới. Chị Tâm (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) năm nay đến ngân hàng đổi tiền mới loại 50.000 đồng nhưng mục đích chính là để qua tết khi con đi học lại, phát tiền chi tiêu hằng ngày đỡ phải tiếp xúc với tiền cũ. Tương tự, chị Ngọc Trang (ở Q.3, TP.HCM) cũng đổi được 5 triệu tiền mới mệnh giá 50.000 đồng ở ngân hàng. “Tình hình dịch bệnh chưa biết diễn biến thế nào nên xác định tết năm nay ở nhà, chỉ đổi một ít lỡ như các cháu hàng xóm đi cùng ba mẹ qua chúc tết. Nếu không đổi được tiền mới ở ngân hàng thì cũng không nghĩ đến việc ra dịch vụ đổi mà mất phí. Thu nhập đã giảm, chi tiêu trong gia đình cũng phải tính toán tiết kiệm mà bỏ ra 300.000 - 400.000 đồng chỉ để đổi xấp tiền 50.000 đồng mới thì thật sự không cần thiết”.
Tăng cường xử lý kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ
Các dịch vụ đổi tiền mới năm nay cũng hoạt động cầm chừng bởi cơ quan chức năng tăng cường siết chặt kiểm soát. Từ tháng 1, UBND TP.HCM có công văn yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép, đặc biệt tại các khu vực có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng đầu năm, ảnh hưởng đến việc lưu thông tiền tệ và an ninh trật tự.
UBND TP.HCM cũng giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, các ngân hàng thương mại có hoạt động giao dịch ATM nắm thông tin về nhu cầu tiền mặt của các doanh nghiệp dự kiến sẽ trả lương, thưởng cho người lao động qua tài khoản ATM. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có kế hoạch triển khai cụ thể và dự phòng các vấn đề về tiếp quỹ ATM, về sự cố kỹ thuật để đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, liên tục, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu rút tiền của người dân. Ngân hàng phối hợp làm việc với Công an TP.HCM để có kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm ATM, đảm bảo an toàn cho người rút tiền.
Mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ra công văn yêu cầu các đơn vị bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, yêu cầu Cục Phát hành và Kho quỹ chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung chỉ đạo tổ chức tốt công tác điều hòa, cung ứng tiền mặt, đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống.
Đặc biệt, để thúc đẩy việc không dùng tiền mặt, các ngân hàng, ví điện tử những năm gần đây đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng lì xì app, ví điện tử. Chẳng hạn, Ví điện tử SmartPay khuấy động không khí tết với “Đại tiệc lì xì - Trúng hơn 2 tỉ” diễn ra từ tháng 1 đến hết tháng 2. Theo đó, mỗi lượt chuyển tiền lì xì cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp, người dùng sẽ được SmartPay lì xì một “mã lộc vàng” với cơ hội rinh chú trâu vàng trị giá đến 200 triệu đồng hoặc trúng 9 giải 1 chỉ vàng 9999, 50 giải voucher hoàn tiền khi giao dịch mua sắm...
Đây cũng là một trong những lý do khiến nhu cầu đổi tiền mới giảm mạnh, nhất là trong mùa Covid-19 đang bùng phát trở lại.
Bình luận (0)