Thiết kế động cơ bội siêu thanh lạ: NASA bỏ, Trung Quốc lấy về dùng

Khánh An
Khánh An
09/12/2021 16:11 GMT+7

Ý tưởng động cơ bội siêu thanh của một kỹ sư gốc Hoa bị chính phủ Mỹ bỏ qua nhưng được Trung Quốc chú ý và phát triển.

Mẫu Boeing Manta X-47C là chương trình nhằm xác minh thiết kế của ông Tang

ảnh chụp màn hình scmp

Tờ South China Morning Post ngày 9.12 đưa tin một nhóm chuyên gia Trung Quốc đã chế tạo và thử nghiệm một nguyên mẫu động cơ bay bội siêu thanh.

Động cơ này dựa trên thiết kế thô của một nhà khoa học gốc Hoa từng làm việc cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cách đây 2 thập niên.

Động cơ kép

Không giống hầu hết máy bay bội siêu thanh có động cơ dưới bụng, máy bay X-Plan do cựu kỹ sư trưởng chương trình bội siêu thanh của NASA là Tang Ming Han đề xuất có 2 động cơ tách biệt ở 2 bên.

Các động cơ có thể hoạt động như các động cơ phản lực thông thường ở tốc độ thấp, trước khi chuyển sang tốc độ cao nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh hoặc nhanh hơn nữa.

Tính khí động học của thiết kế động cơ kép rất phức tạp và chưa rõ lời giải cho một số vấn đề quan trọng như liệu động cơ có nóng chảy khi chuyển sang chế độ bội siêu thanh không.

Chương trình Boeing Manta X-47C nhằm xác thực thiết kế của chuyên gia trên đã bị chính phủ Mỹ chấm dứt vào đầu thập niên 2000 do trở ngại kỹ thuật và chi phí.

Trung Quốc sao chép

Dựa trên thiết kế của ông Tang được giải mật vào năm 2011, Giáo sư Đàm Tệ Tuấn và các cộng sự tại Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh ở Giang Tô (Trung Quốc) đã chế tạo một nguyên mẫu động cơ với 2 cửa lấy gió 2 bên.

Ông Đàm, người từng nhận giải thưởng hàng đầu của chính phủ vì những đóng góp vào chương trình vũ khí bội siêu thanh, đã thử nghiệm nguyên mẫu trong một đường hầm trong vài giây vào ngày 4.3 và 8.3.

Họ nhận thấy các động cơ có thể khởi động dưới một số điều kiện bay đầy thách thức như ông Tang đã dự đoán.

Bản sao được chế tạo và thử nghiệm tại Giang Tô, Trung Quốc

Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh

Ông Đàm và các cộng sự cho rằng thiết kế của ông Tang chưa hoàn hảo. Mô phỏng trên máy tính và kết quả thử nghiệm cho thấy nhiễu loạn lớn có thể xảy ra ở một số góc của cửa lấy gió, ảnh hưởng độ ổn định khi bay.

Bên cạnh đó, còn có giới hạn về độ dốc để máy bay lấy độ cao mà không bị nghẽn động cơ, nên còn nhiều thách thức cần giải quyết.

Bay khắp trái đất trong 1 giờ

Vũ khí bội siêu thanh của Trung Quốc chủ yếu dùng tên lửa ở giai đoạn đầu. Sau khi đạt độ cao nhất định ở tốc độ cao, tên lửa dừng hoạt động và để động cơ hút gió đảm nhiệm.

Giám đốc khoa học và công nghệ Duẫn Trạch Dũng tại Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc cho hay nước này còn đang tăng cường năng lực phát triển và thử nghiệm các động cơ phản lực luồng có thể bay ở tốc độ gấp 3-4 lần âm thanh để hoạt động cùng hoặc thay thế tên lửa trong chuyến bay bội siêu thanh.

Cơ quan không gian Trung quốc tham vọng chế tạo máy bay có thể chở 10 hành khách đến bất cứ nơi nào trên trái đất trong một giờ vào năm 2035. Dù còn nhiều thách thức, ông Duẫn cho biết các động cơ chế tạo dựa trên công nghệ phản lực luồng có thể là một lựa chọn khả thi hơn.

Vào tháng 7, Không quân Mỹ đã trao cho công ty Hermeus gói thầu trị giá 60 triệu USD nhằm phát triển nguyên mẫu máy bay với công nghệ tương tự trong vòng 3 năm. Công ty này dự định phát triển động cơ đơn đạt tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Nhà khoa học gốc Hoa tài năng

Ảnh

Ông Tang sinh ra ở Trùng Khánh và có cha là một vị tướng thuộc Quốc dân Cách mệnh quân ở Trung Quốc. Vào cuối cuộc nội chiến Trung Quốc, gia đình ông di cư đến Đài Loan, Brazil và dần dần định cư ở Mỹ vào thập niên 1950. Ông Tang bắt đầu làm kỹ sư hàng không tại Trung tâm Nghiên cứu bay Dryden của NASA ở California vào thập niên 1960 và sau đó đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các chương trình tối mật của hãng Lockheed Martin nhằm phát triển các máy bay do thám tốc độ cao như U-2 và SR-71 Blackbird.

Đến cuối thập niên 1980, ông đứng đầu chương trình nghiên cứu bay bội siêu thanh của NASA trong khi giám sát sự phối hợp giữa cơ quan này với Không quân Mỹ. Ông rời NASA vào năm 1999, một năm trước khi làn sóng bất tín nhiệm các nhà khoa học gốc Hoa dâng cao tại Mỹ. Ông làm công việc tham vấn và qua đời tại Williamsburg (bang Virginia) vào năm 2018, thọ 79 tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.