Thiết kế 'kể nhầm' chuyện văn hóa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/11/2021 06:30 GMT+7

Muốn kể chuyện văn hóa miền Trung Việt Nam nhưng thiết kế lại nhầm sang họa tiết trang phục Trung Quốc ; thiết kế trang phục cho điệu múa được sân khấu hóa lại dùng nhầm màu của áo tang…

Giày Việt bị nhầm hoa văn Trung Quốc

Khi đôi giày Biti’s Hunter Bloomin’ central được Biti’s công bố, nhà sản xuất cho biết sản phẩm mang cảm hứng tự hào về dải đất miền Trung. Đôi giày này cũng dùng lớp vải dệt thổ cẩm của các dân tộc Tây nguyên. Mặc dù vậy, nhiều người đã ngạc nhiên và không giấu bức xúc vì sản phẩm này hóa ra lại có những nhầm lẫn văn hóa nhất định.

Trên Facebook cá nhân, nhà thiết kế La Quốc Bảo lên tiếng về việc sản phẩm đã dùng gấm với hoa văn Trung Quốc. “Hình dáng mây, thủy ba cột thủy (hoa văn sóng nước) lẫn cách phối màu hoàn toàn không có nét nào liên quan đến mỹ thuật cung đình Việt Nam, mà nếu xét về miền Trung, chính là nhà Nguyễn”, ông Bảo phân tích. Đây cũng là nhà thiết kế nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng mỹ thuật cung đình thời Nguyễn vào sản phẩm thời trang.

Cùng lúc, những người yêu mến văn hóa các tộc người cũng lên tiếng về việc mẫu giày này sử dụng vải thổ cẩm của người Chăm nhưng truyền thông là thổ cẩm Tây nguyên. Trang Facebook của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội - môi trường (ISee), một đơn vị có nhiều dự án với các tộc người, đã đưa lên bài phỏng vấn bà Hà Yến Chi (đang theo học chương trình cao học về Nhân học và nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học California Riverside, Mỹ). Bà Chi cho biết Biti’s không phải đơn vị đầu tiên gọi chất liệu vải truyền thống của các tộc người với một cái tên chung chung “thổ cẩm Tây nguyên”.

Chiếc đồng hồ kể câu chuyện văn hóa chợ nổi miền Tây Nam bộ

TL

Cũng theo bà Chi, đã có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp dùng mác đồ thổ cẩm, “tribal” (phong cách dân tộc, thổ dân) để nói về sản phẩm mà mình tiêu dùng hay buôn bán. Cách gọi này vô tình làm mờ đi những cái tên, những nền văn hóa rất đặc trưng đằng sau mỗi họa tiết. Trong khi đó, theo bà Chi: “Việc chúng ta gọi chính xác tên của tộc người gắn bó với tấm thổ cẩm ấy, là thổ cẩm của người Ê đê, người Chăm hay người Mạ... là cách mỗi người sử dụng sản phẩm thể hiện sự tôn trọng và ghi nhận giá trị tri thức của các cộng đồng”.

Cần có những nghiên cứu hệ thống để quét mã văn hóa các vùng, thời kỳ, tộc người. Vấn đề lớn hơn nữa là làm thế nào để liên thông được các kho đó với nhau thành dữ liệu lớn cho quốc gia. Lúc ấy, các nhà thiết kế có thể dựa vào đó để sáng tạo nhiều điều

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế

Cần kho dữ liệu quốc gia để kể đúng văn hóa

Việc kể câu chuyện văn hóa lại luôn đem lại lợi thế cho sản phẩm, cho các chiến dịch truyền thông về sản phẩm. Bản thân văn hóa Việt Nam cũng được kể một cách thú vị trên nhiều sản phẩm trước đó. Chẳng hạn, Hãng Jaquet Droz (Thụy Sĩ) đã cho ra đời chiếc đồng hồ độc bản dành riêng cho Việt Nam, cho nhà sưu tập Việt Nam có tên Chợ nổi, trên mặt là bức tiểu họa vẽ những con thuyền chở trái cây trên sông. Văn hóa chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ) từng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hồi 2016. Tranh được vẽ bằng nghệ thuật tiểu họa với những chiếc bút được thửa riêng, họa sĩ vẽ tranh bằng tay với sự hỗ trợ của kính hiển vi. Hoặc như những hoa văn của gạch bông đã được nhà thiết kế Thủy Nguyễn đưa vào trong bộ sưu tập áo dài Sài Gòn của mình, để tạo dựng lại những hình ảnh về các “cô ba Sài Gòn”.

Mẫu giày của Biti’s muốn kể chuyện văn hóa miền Trung lại bị nhầm hoa văn Trung Quốc

chụp màn hình

Tuy nhiên, câu chuyện về kể nhầm văn hóa trong các thiết kế vẫn còn đó, thực ra cũng đã xảy ra từ trước. Còn nhớ, GS Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Việt Nam) từng kể trong một điệu múa được sân khấu hóa, những diễn viên múa mặc trang phục của một tộc người được cách điệu. Tuy nhiên, người may trang phục lại chọn đúng màu vàng là màu dân tộc này dùng trong... tang lễ.

Nhà nghiên cứu tự do Đông Nguyễn (đồng sáng lập dự án Hoa văn Đại Việt 2016) cho biết nhiều khi việc lấy nhầm hoa văn Trung Quốc không phải do cố tình mà vô ý. “Nhiều đồ án hoa văn của Việt Nam và Trung Quốc hao hao. Ngoài ra, cũng một phần bởi thông tin sai lệch về văn hóa Việt Nam trôi nổi trên mạng rất nhiều, khiến những nhà thiết kế không tìm hiểu kỹ thì rất dễ bị nhầm lẫn. Để tránh tình trạng này, các nhà thiết kế, nhãn hàng nên tìm sự cố vấn của các nhà chuyên môn thay vì tự thu thập thông tin”, ông Đông cho biết và nhắc lại việc cần có một kho họa tiết Việt Nam vốn là vấn đề đã được nêu lên từ nhiều năm trước. Từ đó có những dự án, như Hoa văn Đại Việt của nhóm Đại Việt Cổ Phong, đã số hóa các đồ án Việt Nam và công khai cho công chúng sử dụng từ năm 2016.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho rằng cần có các kho dữ liệu văn hóa quốc gia để các nhà thiết kế, những người muốn kể chuyện văn hóa trong sản phẩm có thể nghiên cứu và tham khảo. Các kho này không chỉ lưu giữ hoa văn mà còn câu chuyện hoa văn, màu sắc, văn hóa đặc trưng vùng miền, tộc người. “Tôi nghĩ các viện nghiên cứu cũng có nghiên cứu. Mặc dù vậy, cần có những nghiên cứu hệ thống để quét mã văn hóa các vùng, thời kỳ, tộc người. Vấn đề lớn hơn nữa là làm thế nào để liên thông được các kho đó với nhau thành dữ liệu lớn cho quốc gia. Lúc ấy, các nhà thiết kế có thể dựa vào đó để sáng tạo nhiều điều”, ông Thế nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.