Dân vừa mất tiền vừa lo lắng
Ông Phạm Tự Khải, Trưởng thôn Lương Xá (xã Liên Đạt, H.Ứng Hòa, Hà Nội), buồn rầu cho biết tình hình hiện nay tại thôn sau khi việc xây đình mới bị dừng lại. Người dân đã quyên góp từ nhiều nguồn được 5 tỉ đồng để trùng tu ngôi đình của mình. Tất cả chỉ để đình tránh khỏi cảnh cứ mưa là giữa đình hiện ra cả vũng nước lớn. Giờ đây, theo ông Khải, họ hoang mang không biết việc xây dựng rồi sẽ ra sao. Thôn cũng vẫn tiếp tục phải trả tiền nuôi kíp thợ xây đình đã được thuê đến. Cũng phải nói thêm, huy động một số tiền lớn như vậy trong dân, nhưng xã không làm thủ tục xin phép huyện.
“Mong các ông tạo điều kiện cho chúng tôi sớm được xây dựng”, ông Khải nói trong cuộc họp sáng 16.8 để quyết định phương án tiếp theo cho đình Lương Xá. Trước đó, ngôi đình xưa bằng gỗ với những mảng chạm 300 tuổi đã bị hạ giải không phép. Bộ khung đình mới bằng bê tông cũng đã được đổ xong.
Nhưng mọi chuyện không thể đơn giản như vậy. Muốn tiếp tục xây dựng đình mới, ít nhất phải bảo đảm các thủ tục pháp lý cần có. “Địa phương phải hoàn thiện thiết kế, đánh giá lại và xin cấp phép đúng quy trình. Cách khắc phục nên nhờ đơn vị tư vấn thiết kế có chuyên môn sâu khảo sát đánh giá, nêu giải pháp”, ông Bùi Quang Đạo, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết.
|
Cần kiến trúc sư giỏi thiết kế lại đình
Phương án dựng lại đình bằng gỗ không nhận được ủng hộ vì sẽ tiêu tốn quá nhiều tiền, dự kiến khoảng 50 tỉ đồng. Trong khi nhà nước không có tiền chi, người dân không thể đóng góp, phương án này hoàn toàn thiếu thực tế.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liên Đạt (H.Ứng Hòa, Hà Nội), đại diện địa phương cho biết rất muốn làm theo phương án 2. Theo đó sẽ sửa lại hậu cung bằng gỗ, nếu thiếu gỗ sẽ tự mua bổ sung. Còn 5 gian đại bái vẫn được tiếp tục xây bằng bê tông, sau đó gắn các mảng chạm gỗ của đình xưa lên trên. “Phương án này được nhân dân đồng tình ủng hộ”, ông nói.
Dù vậy, các chuyên gia đều không đồng tình với phương án này. KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL), cho rằng đưa cấu kiện cũ vào khung bê tông sẽ gây ra việc không đồng nhất về cả vật liệu, kiến trúc lẫn phong cách. “Bộ khung cũ khác với bộ khung bê tông hiện nay. Cấu kiện gỗ không gắn vào đó được. Thứ nữa, những đầu dư vốn để đỡ thì giờ chỉ để gắn thôi thì không còn đồng nhất cấu trúc nữa. Và phong cách thì đương nhiên không đồng nhất rồi”, ông nói.
TS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cũng không đồng ý với phương án 2: “Như vậy là bảo tồn một cách cưỡng ép. Hơn nữa, nếu nhà bê tông này đã không giữ được kết cấu cũ rồi thì đưa cấu kiện cũ vào chẳng giải quyết được gì”. Ông Cương cũng sẵn sàng chia sẻ tư liệu trong hồ sơ điều tra di tích của Viện. Ở đó, các bản vẽ hiện trạng đình đã được thực hiện bài bản.
Ông Vinh cho rằng, có thể kết hợp phương án 3 và 2. Theo ông, cần điều chỉnh hoàn thiện cấu trúc đình trên cơ sở khung bê tông và không gian cấu trúc xưa, cũng như tổng thể đình với hồ nước và chùa gần đó. Các cấu kiện gỗ có thể đưa vào sử dụng khi dựng lại hậu cung vì vốn dĩ hậu cung đã được dự kiến làm bằng gỗ. Các cấu kiện gỗ khác có thể đưa về bảo tàng hoặc hình thành không gian trưng bày như bảo tàng tại chỗ.
Theo ông Vinh, phương án này có khả năng giữ giá trị của đình xưa tối đa trong hoàn cảnh “chữa cháy” hiện nay. Tuy nhiên, theo ông: “Thiết kế điều chỉnh trên hệ khung hiện nay. Việc này phải giao cho tư vấn có tay nghề, và phải là người có khả năng cao hơn, có trình độ vững vàng. Như thế mới có thể đưa đình mới về gần nhất cái vốn đã có. Nó đòi hỏi người thiết kế phải rất hiểu về kiến trúc cổ”.
PGS-TS Phạm Mai Hùng, Hội đồng di sản quốc gia, cũng đồng tình với phương án 3. Theo ông, đây là phương án hợp lý hơn cả vào thời điểm này.
Bên cạnh đó, KTS Lê Thành Vinh cũng đề xuất những việc phải làm ngay. Thứ nhất, cần kiểm kê đánh giá cấu kiện cũ, lựa chọn những gì sử dụng lại. Việc này theo ông phải để chính KTS sẽ thiết kế đình mới thực hiện. Thứ hai, cần tập hợp hoàn thiện hồ sơ về đình trên cơ sở tư liệu đã có và hiện vật còn lại.
Bình luận (0)