Thiếu 'bột' để 'gột' phim hay

Ngọc An
Ngọc An
27/09/2020 06:44 GMT+7

Lâu nay, nhiều nhà sản xuất phim điện ảnh thường ở trong tình trạng 'khát' kịch bản.

Một cuộc thi sáng tác kịch bản cho phim truyện điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị và các ngành kỷ niệm các ngày lễ lớn vừa được Cục Điện ảnh phát động. Lý do của hoạt động có phần đột xuất này, theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, là bởi “việc thiếu kịch bản phim truyện hay đã ở mức báo động”.

Nhà biên kịch đi đâu?

“Nói thiếu những cây bút viết cho điện ảnh cũng đúng, nhưng không thực đầy đủ”, Trịnh Thanh Nhã - một trong những nhà biên kịch nổi tiếng ở phía bắc - nhìn nhận. Bà Nhã cho rằng, với dòng phim lịch sử, chiến tranh, cách mạng, hay còn gọi chung là “phim từ ngân sách nhà nước”, gần chục năm nay, nguồn phim hết sức eo hẹp.
Bên cạnh việc thiếu cơ sở giảng dạy chuyên nghiệp, chúng ta còn hạn chế về giáo trình giảng dạy. Cần có những giáo trình cập nhật phù hợp với thời đại, điều kiện sản xuất hiện tại
Nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng
“Những người trong cương vị có thể "đặt hàng" biên kịch thì lúng túng giữa 2 mục tiêu: vừa muốn đúng tiêu chí "cúng cụ", vừa muốn phải ra rạp và có doanh thu cao. Hai yếu tố này thực ra vốn không mâu thuẫn nhau, nhưng do cách nhìn còn phiến diện của chính những người thẩm định mà các kịch bản trình duyệt thành ra luôn ở tình trạng "được cái nọ mất cái kia", lâu dần nhiều biên kịch của dòng phim này không còn biết mình nên làm gì, và nhiều người bỏ cuộc cho khỏi nhức đầu”, bà Nhã nói.
Với dòng phim thị trường, nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng (biên kịch trẻ ở phía nam) cho rằng việc thiếu những kịch bản hay cũng cần nhìn nhận ở nhiều yếu tố. “Định nghĩa “hay” còn tùy thuộc nhiều góc độ. Điều quan trọng là nhà sản xuất có khả năng sản xuất kịch bản đó hay không”, nhà biên kịch tham gia (cùng nhà sản xuất Charlie Nguyễn, đạo diễn Lê Thanh Sơn) viết kịch bản phim Em chưa 18, bộ phim điện ảnh hiếm hoi của Việt Nam được nhà sản xuất nước ngoài mua bản quyền làm lại, nói. Trần Khánh Hoàng lý giải: “Thị trường hiện nay có những hạn chế nhất định. Để kịch bản an toàn trong khâu sản xuất, ngoài yếu tố nội dung, còn có yếu tố giới hạn thể loại, chi phí sản xuất... Cho nên, nhiều khi có kịch bản hay nhưng chưa chắc kịch bản đó đã sẵn sàng được đưa ra xem xét. Nhà biên kịch khi viết cũng phải đứng ở góc độ nhà sản xuất để xem dự án có phù hợp với khả năng sản xuất hay không, cùng với việc đáp ứng thị hiếu của thị trường”.
Khi góp ý cho cuộc thi của Cục Điện ảnh, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang bày tỏ hy vọng ban giám khảo không còn “sợ” hai chữ “nhạy cảm”. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì cho rằng không thể đổ hết lỗi cho “lưới” kiểm duyệt khi nhà biên kịch không thực sự hiểu luật chơi. Trong khi đó, nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng mong muốn luật Điện ảnh sửa đổi sắp tới sẽ quy định lại rõ ràng hơn về những việc được làm hoặc không được làm trong phim. “Luật Điện ảnh hiện nay có nhiều quy định vẫn còn chung chung, chẳng hạn như quy định không trái thuần phong mỹ tục. Chúng tôi cũng không rõ những điều trái thuần phong mỹ tục là như thế nào, giới hạn ở đâu?”, Trần Khánh Hoàng bày tỏ.

Lỗ hổng đào tạo

Một trong những nguyên nhân thiếu kịch bản phim điện ảnh bắt nguồn từ việc thiếu nhà biên kịch, mà sâu xa là lỗ hổng trong đào tạo.
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, việc đào tạo biên kịch hiện nay tại trường điện ảnh yếu, cả đầu vào lẫn đầu ra. “Vài năm trở lại đây, đầu vào vẫn không khá hơn bao nhiêu, nhưng đầu ra đã khắt khe hơn, nghiêm túc hơn. Kết quả là trong những kỳ bảo vệ tốt nghiệp, chúng tôi đã thấy những lóe sáng của một phương pháp tư duy và sáng tạo đúng đắn”, bà Nhã nói. Tuy vậy, theo bà, khi ra trường, những nhà biên kịch trẻ có ít cơ hội thực tập nghề đúng cách để trở nên lành nghề hơn, đồng thời ngay lập tức đối mặt với sự nghiệt ngã của điện ảnh thị trường, nơi chỉ có mua kịch bản hoặc không, chứ không giúp được các nhà biên kịch trẻ sửa chữa, nâng cao những non yếu trong nghiệp vụ, điều mà người làm nghề khi mới ra trường đều vấp phải. “Khi được đào tạo trong nhà trường, rất nhiều sinh viên không chịu lắng nghe và trải nghiệm sớm”, bà Nhã cho hay.
Ở góc nhìn khác, nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng cho rằng, việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà biên kịch đang rất rõ ràng, cơ hội cho những nhà biên kịch trẻ tiếp xúc với những đàn anh, đàn chị trong nghề cũng không có khó khăn, hay khoảng cách. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây, theo anh, là “thiếu những cơ sở đào tạo nhà biên kịch chuyên nghiệp”.
“Hiện nay, chỉ có Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh tại Hà Nội có khoa biên kịch chính. Những nhà biên kịch được đào tạo bài bản, học hành đàng hoàng có số lượng rất hạn chế. Nhiều người làm nghề biên kịch là tay ngang chuyển qua từ những kiểu viết khác, tôi cũng nằm trong số đó. Nhà biên kịch được “học” theo kiểu anh em truyền nghề, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Những điều đó cho thấy sự chưa chuyên nghiệp”, Trần Khánh Hoàng chia sẻ. Anh nói thêm: “Bên cạnh việc thiếu cơ sở giảng dạy chuyên nghiệp, chúng ta còn hạn chế về giáo trình giảng dạy. Cần có những giáo trình cập nhật phù hợp với thời đại, điều kiện sản xuất hiện tại”.
“Muốn có một ngành điện ảnh chuyên nghiệp thì chúng ta phải có lực lượng lao động điện ảnh chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Nhưng ngay từ đầu, ta đã thiếu hụt điều kiện đó rồi thì ngành điện ảnh tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng”, Trần Khánh Hoàng nhìn nhận.
Những cuộc thi sáng tác kịch bản được coi như giải pháp trước mắt mang lại những tín hiệu khả quan. Cuộc thi Nhà biên kịch tài năng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017, tiếp đó là vào năm 2018, 2019, với sự tham gia huấn luyện của nhiều nhà làm phim: đạo diễn Charlie Nguyễn, nhà sản xuất Nguyễn Bích Ngọc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Lý Hải, nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng...
Nhiều thí sinh bước ra từ cuộc thi đã có những kịch bản thành phim. Chẳng hạn, Châu Ngọc với kịch bản Siêu sao siêu ngố đã giành giải Cánh diều vàng Biên kịch xuất sắc 2019, đồng thời bộ phim từ kịch bản này cũng vượt mốc doanh thu trăm tỉ năm 2018. Du Dương là nhà biên kịch chính của bộ phim Táo quậy ra mắt vào mùa phim tết 2018...
Về cuộc thi của Cục Điện ảnh, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, có kịch bản rồi nhưng cơ quan quản lý cũng phải giám sát quá trình làm phim do nhà nước cấp kinh phí. Anh thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều nhà sản xuất “ăn” nhiều quá, “ăn” hết cả tiền làm phim thì làm sao có phim hay được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.