Thiếu giáo viên trong năm học mới

07/08/2019 07:25 GMT+7

Ngày 6.8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ điều hành hội nghị. Tại hội nghị, vấn đề giáo viên, quy hoạch mạng lưới trường lớp lại tiếp tục là điểm nóng.

 

Cắt giảm biên chế cứng nhắc

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên (GV) mầm non, phổ thông theo định biên. Một số địa phương tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục còn cứng nhắc, chưa gắn với quy mô dân số nên không có biên chế và thiếu GV, nhất là GV mầm non. Nhiều địa phương chưa dùng hết biên chế được giao trong khi vẫn còn hợp đồng GV (Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Nam Định). Đặc biệt, bậc mầm non thiếu đến trên 49.000 GV, gây áp lực lớn cho nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ.
Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2015 đến nay, số trẻ mầm non tăng nhanh (trên 1,2 triệu trẻ, cần thêm khoảng trên 80.000 GV). Tuy nhiên, số GV được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng, trong khi mỗi năm có khoảng 3.000 GV nghỉ hưu. Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm. Một số địa phương thiếu biên chế, kinh phí, vướng mắc hợp đồng lao động. Việc nhiều cơ quan tham gia tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cũng làm cho ngành giáo dục gặp khó khăn về GV.
Trong năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây nguyên (bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây nguyên).
Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD-ĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng GV tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Phải có kế hoạch

Đồng tình với những nhận định trên của Bộ GD-ĐT, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nêu vấn đề: “Việc chưa có định biên với GV tiếng Anh, tin học cấp tiểu học sẽ không có cơ sở tuyển dụng và không thể thu hút được GV giỏi”. Còn ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đưa ra một thực tế khác: “Trong quy hoạch mạng lưới GD-ĐT, lẽ ra phải theo tinh thần là ở đâu có học sinh, ở đó có lớp học. Nhưng thực tế là ở các địa phương đang diễn ra việc sáp nhập, sắp xếp một cách cơ học như một phép cộng, dẫn đến những bất cập”.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng “giãi bày” một số nguyên nhân của tồn tại liên quan tới chính sách, quy định mà ngành mình có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực GD-ĐT. Theo ông Thừa, một số địa phương làm quy hoạch phát triển trường lớp học còn chậm, đặc biệt là những nơi có các khu dân cư lớn, khu đô thị mới, các khu công nghiệp… Các vấn đề quy hoạch phát triển, đầu tư cho GD-ĐT chưa được quan tâm đúng mức, tạo áp lực cho những trường hiện có ở các khu vực này. Ông Thừa cũng xác nhận, GV đang nơi thừa nơi thiếu, rồi thừa thiếu cục bộ, cho thấy vấn đề dự báo phát triển đội ngũ GV chưa được làm tốt, đặc biệt với khối mầm non.
Vừa qua, nhiều địa phương chưa có biện pháp kịp thời tháo gỡ, dẫn đến nhiều đơn thư, ý kiến…; một số địa phương “có vấn đề” trong việc sử dụng, tuyển dụng GV, bố trí đội ngũ GV... Ông Thừa nói: “Việc tuyển dụng GV, đặc biệt là ở cấp huyện, nhiều địa phương thực hiện không tốt. Nhiều ý kiến quá nên vừa qua, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, ưu tiên tuyển với những GV có hợp đồng, làm việc chăm chỉ, đóng bảo hiểm trước năm 2015, đề nghị các địa phương xem xét thực hiện tốt. Việc tuyển dụng phải công khai minh bạch, đảm bảo công bằng xã hội. Còn về thừa thiếu GV cục bộ, rõ ràng các nơi cần phải có kế hoạch cụ thể thì mới giải quyết được. Chứ nếu các nơi cứ kêu thôi mà không có kế hoạch thì khi xử lý rất khó”.
Ông Thừa cũng cho biết, về chính sách với GV, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ, sẽ có những việc làm triệt để hơn. Ví dụ, vấn đề thang bảng lương của GV đang bị phản ánh là bất cập, Nghị quyết 29 cũng yêu cầu thang bảng lương đối với GV đạt được mức cao nhất mà chúng ta chưa làm được, tới đây Bộ Nội vụ sẽ cố gắng xử lý nhanh.
 
Các tỉnh thiếu trên 1.000 giáo viên
Kiên Giang thiếu 1.008, TP.HCM thiếu 1.290, Bình Dương thiếu 2.811, Đồng Nai thiếu 1.762, Gia Lai thiếu 2.572, Nghệ An thiếu 1.939, Thanh Hóa thiếu 2.877, Nam Định thiếu 1.169, Thái Bình thiếu 3.167, Hưng Yên thiếu 1.742, Hải Dương thiếu 1.823, Bắc Ninh thiếu 1.479, Vĩnh Phúc thiếu 2.300, Bắc Giang thiếu 1.019, Sơn La thiếu 3.355. Tỷ lệ GV/lớp ở một số địa phương rất thấp, trong đó Trà Vinh là 1,32; An Giang 1,44; Kiên Giang 1,47; Kon Tum 1,36 và Gia Lai 1,4.
Quy hoạch một cách cơ học
Sau khi sắp xếp, quy hoạch lại các điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh mà chưa có giải pháp khắc phục; chưa thuận lợi cho người dân và bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Sau sáp nhập, các trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý; chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán... dôi dư. Một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ. Qua kiểm tra, nhiều địa phương chưa thực hiện hết số biên chế được giao trong khi vẫn còn tồn tại tình trạng hợp đồng GV.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.