Chuyện tử tế

Thiếu tá công an hơn 30 lần hiến máu hiếm cứu người

15/08/2024 07:53 GMT+7

Mang nhóm máu hiếm Rh-, thiếu tá Lê Hoàng Phong (38 tuổi), Bí thư Chi đoàn Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Cần Thơ, đã hơn 30 lần hiến máu tình nguyện và vận động trên 150 người tham gia.

Năm 2007, khi còn là sinh viên, thiếu tá Phong nhận ra ý nghĩa cao cả của việc hiến máu nên luôn tiên phong mỗi khi phong trào được phát động. Tốt nghiệp ra trường, về công tác tại Công an TP.Cần Thơ vào năm 2010, anh tiếp tục duy trì hiến máu tình nguyện. "Lúc nhỏ, như bao đứa trẻ khác, tôi rất sợ kim tiêm. Sau này, được nghe cha mẹ kể lại giây phút tôi chào đời, mẹ như chết đi sống lại vì xung khắc với máu của tôi. Từ đó, tôi thấy rõ ý nghĩa của việc hiến máu và nỗi sợ kim tiêm cũng không còn nữa", thiếu tá Phong kể.

Thiếu tá công an hơn 30 lần hiến máu hiếm cứu người- Ảnh 1.

Thiếu tá Lê Hoàng Phong được tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024

DUY TÂN

Mang nhóm máu hiếm Rh-, thiếu tá Phong đăng ký tham gia CLB hiến máu hiếm khu vực Tây Nam bộ. Ngoài hiến máu định kỳ, anh còn hiến máu cho những ca cấp cứu. Với người có nhóm máu hiếm, xác suất tìm đúng người cùng nhóm máu để truyền rất nhỏ. Vì vậy, có hôm, dù bận rộn công tác, nhưng khi nhận điện thoại có bệnh nhân nguy kịch vì thiếu máu, thiếu tá Phong liền báo cáo lãnh đạo đơn vị, sắp xếp công việc để đến bệnh viện hiến máu cứu người. Ðược lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện, đến nay, thiếu tá Phong đã hiến máu hơn 30 lần. Ngoài ra, anh còn vận động trên 150 người tham gia hiến máu, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên.

Thiếu tá Phong cho biết sau nhiều lần tham gia hiến máu, sức khỏe anh hoàn toàn ổn định, tinh thần thoải mái hơn. Bản thân anh hiểu tìm được nguồn máu phù hợp với người thuộc nhóm máu hiếm là cực kỳ quý giá. "Nếu không có đủ nguồn máu kịp thời, bệnh nhân sẽ đứng giữa lằn ranh sinh tử. Mỗi lần hiến máu xong, tôi cảm thấy rất hạnh phúc bởi giọt máu của mình sẽ cứu được một người nào đó", thiếu tá Phong chia sẻ.

Thông thường trường hợp cấp cứu là người đang mang thai hoặc lúc sinh con; do nhóm máu của mẹ và con xung khắc nên khi xảy ra sự cố cần lượng máu lớn để truyền vào. Ngoài ra, có những trường hợp bị tai nạn giao thông cũng cần truyền máu. Do vậy, mỗi khi bệnh viện gọi điện thông báo, bất kể ngày hay đêm, thiếu tá Phong đều có mặt kịp thời để hiến máu.

Theo thiếu tá Phong, kỷ niệm khó quên nhất là cuộc gọi của bệnh viện cần cứu một sản phụ lúc 2 giờ sáng. Đây là lần hiến máu muộn nhất trong nhiều lần anh nhận điện thoại từ bệnh viện. "Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, một nhân viên gọi điện cho hay có một thai phụ mang máu hiếm đang cấp cứu và cần truyền máu. Không suy nghĩ nhiều, tôi lập tức chạy đến. Sau khi nghe tin thai phụ bình an qua cơn nguy kịch, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Cảm xúc khi đó vui như người thân trong gia đình mình vừa được cứu", thiếu tá Phong kể.

Ngoài hiến máu cứu người, thiếu tá Phong còn năng nổ trong các hoạt động từ thiện khác như: cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Vừa qua, thiếu tá Lê Hoài Phong là một trong 3 gương mặt tiêu biểu xuất sắc của TP.Cần Thơ được tôn vinh người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2024, do T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.