Thiếu trầm trọng lao động phổ thông

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
03/06/2024 05:46 GMT+7

Thị trường lao động tại TP.HCM đang có một nghịch lý: lao động phổ thông thất nghiệp rất nhiều nhưng các doanh nghiệp lại không tuyển được người. Trong khi đó, mặc dù địa phương có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo rất cao trong cơ cấu nguồn nhân lực, tuy nhiên nhóm này lại đang có ít lựa chọn việc làm hơn.

Gia tăng nhu cầu tuyển dụng không cần bằng cấp

Theo thống kê trên cổng thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), có tới 48.837 vị trí tuyển dụng và 8.568 người lao động (NLĐ) tìm việc trong 5 tháng đầu năm 2024.

Thiếu trầm trọng lao động phổ thông- Ảnh 1.

Doanh nghiệp treo băng rôn tuyển dụng trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM)

THU NGÂN

Trong số đó, ghi nhận tới 15.374 công việc ngành lao động phổ thông (LĐPT) (chiếm 31,48% trong tổng số) và tăng tới 13.339 vị trí so với tháng 4, 6.968 vị trí ngành thực phẩm - đồ uống (chiếm 14,27%) và 7.039 vị trí cần tuyển trong ngành sản xuất da giày - may mặc (chiếm 14,41%).

Trong khi đó, chỉ có 2.736 NLĐ tìm công việc ngành LĐPT, 257 NLĐ muốn có việc ngành thực phẩm - đồ uống và 645 NLĐ tìm việc ngành da giày - may mặc.

Xét theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng công nhân kỹ thuật không bằng cấp chiếm tới 35,76%. Theo sau đó là nhu cầu tuyển 20,97% NLĐ có chứng chỉ nghề ngắn hạn dưới 3 tháng; 8,67% tuyển NLĐ có trình độ sơ cấp từ 3 - 12 tháng; 16,9% tuyển NLĐ có trình độ trung cấp; 10,9% tuyển người có trình độ cao đẳng; và đáng chú ý nữa là chỉ có 6,81% tuyển nhân lực có trình độ đại học trở lên.

Ở kênh tuyển dụng tư nhân với lượng người dùng đông đảo hơn, như chuyên trang tìm việc và tuyển dụng Việc làm tốt (Chợ Tốt), các số liệu cho thấy quý 2/2024, nhu cầu tuyển dụng việc làm LĐPT của cả nước (trong đó ở TP.HCM chiếm 80%) tăng rất mạnh. Chỉ tính riêng 2 tháng vừa qua của quý 2 so với cùng kỳ 2 tháng đầu của quý 1/2024, thì tổng số vị trí và số lượng nhân sự cần tuyển đã tăng lần lượt 39,2% và 47,1%, tức tăng khoảng 48.000 vị trí việc làm với hơn 6,5 triệu người.

Thiếu trầm trọng lao động phổ thông- Ảnh 2.

Doanh nghiệp tại TP.HCM đang cần tuyển dụng hàng chục ngàn lao động phổ thông

NHẬT THỊNH

Cũng theo Việc làm tốt, có 4 lĩnh vực đã và đang có nhu cầu nhân sự cao nhất gồm bán hàng và chăm sóc khách hàng, dịch vụ ăn uống, công nhân và logistics bán lẻ (shipper và nhân viên kho vận). Mặc dù nguồn cung các vị trí LĐPT dồi dào như vậy, nhưng số lượng NLĐ mong muốn có việc làm ở ngành này chỉ tăng khoảng 3,8% so với cùng kỳ của năm 2023.

Nhưng đó là những con số thống kê, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho rằng số lượng NLĐ đăng thông tin tuyển dụng chưa phản ánh việc họ gặp khó khăn khi tìm việc, mà cần xét đến nhiều yếu tố, nhất là khi bối cảnh hiện nay ai cũng muốn tìm công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn.

Ghi nhận từ thực tế

Đi một vòng Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) sáng 30.5, chúng tôi ghi nhận 10 công ty thì có tới 7 đơn vị treo bảng tuyển dụng LĐPT. Ngay ở bảng tuyển dụng ở đầu KCX, các tờ thông tin được thay mới và dán kín mặt bảng. Công ty TNHH Semo Vina thông báo tuyển 50 công nhân khâu hoàn thành và phụ việc tổ cắt (không đòi hỏi trình độ học vấn nhưng phải biết đọc, biết viết), 50 công nhân may có tay nghề may thú nhồi bông hoặc biết sử dụng máy may công nghiệp ở các ngành may mặc khác. Về mặt phúc lợi, công ty chi luôn 100% lương thử việc so với lương chính thức.

Hay Công ty TNHH Strongman - Always chuyên sản xuất, lắp ráp các loại xe đạp và phụ kiện liên quan, tuyển tới 300 LĐPT, trong đó nam từ 18 - 45 tuổi, nữ từ 18 - 40 tuổi. Công ty còn lưu ý là không thu phí nộp hồ sơ của NLĐ và nếu ai không có tay nghề thì sẽ được đào tạo miễn phí.

Thiếu trầm trọng lao động phổ thông- Ảnh 3.

Người lao động tìm việc trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM)

THU NGÂN

Đơn vị lớn nhất KCX Tân Thuận là Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam cũng đang tuyển 300 LĐPT cho việc lắp ráp bộ dây điện trong xe hơi. Hay Công ty TNHH Nissey Việt Nam cần tuyển gấp 200 LĐPT, nam từ 18 - 30 tuổi (trình độ 12/12), nữ từ 18 - 40 tuổi (trình độ 5/12).

Cách các doanh nghiệp (DN) chào mời tuyển dụng cũng hấp dẫn và có nhiều thay đổi so với trước. Ví dụ, công ty sẽ ghi rõ trong mục phúc lợi rằng chỗ làm việc có máy lạnh, công nhân ngồi làm chứ không đứng làm, thưởng ngay 1 triệu đồng cho nhân viên mới, hay đặc biệt nhấn mạnh công việc mang tính ổn định, lâu dài.

Văn phòng giới thiệu việc làm tại KCX Tân Thuận của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DN TP.HCM (Sở Công thương TP.HCM) cho biết, hiện nay toàn khu tuyển hàng chục ngàn vị trí LĐPT nhưng có ít nhân lực, trong khi đó NLĐ tìm các công việc thời vụ rất nhiều.

Vì sao có thực trạng này ?

Anh Phạm Thiều, quản lý trang cộng đồng công nhân KCX Tân Thuận với hơn 58.000 thành viên, lắc đầu nói rằng gần đây các nhân sự công ty nhờ anh đăng tin tuyển dụng liên tục, nhưng công nhân lại không muốn vào nộp hồ sơ ứng tuyển.

Thiếu trầm trọng lao động phổ thông- Ảnh 4.

Thiếu trầm trọng lao động phổ thông- Ảnh 5.

Lý do, anh Thiều ghi nhận thực tế rằng công nhân đang muốn "chạy luật". Họ lo sợ luật Bảo hiểm xã hội (BHXH, có hiệu lực vào tháng 7.2025) sẽ quy định phương án chỉ cho phép NLĐ rút khoảng 50% số tiền BHXH một lần.

Do đó, công nhân đang làm việc thì muốn nghỉ ngang để lãnh bảo hiểm thất nghiệp, sau đó chờ rút BHXH một lần. Trong thời gian lãnh trợ cấp, NLĐ sẽ tìm nhiều công việc thời vụ, chạy xe ôm công nghệ, về quê hoặc ra ngoài buôn bán, miễn sao đó không phải là loại công việc có ký hợp đồng lao động.

Chị Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH may mặc Quảng Việt (H.Củ Chi, TP.HCM), cũng cho hay công ty đang có nhu cầu tuyển từ 100 - 150 công nhân để bổ sung cho số người đã nghỉ việc. Có khi công ty tuyển được người nhưng sau đó lại có công nhân nghỉ việc nên lúc nào cũng thiếu lao động. Khi NLĐ có tay nghề rời đi, DN càng gặp thêm nhiều khó khăn.

Lý giải, theo chị Hiền, thực tế đều xoay quanh vấn đề rút BHXH một lần và đặc biệt là quy định mới tại dự thảo luật Việc làm về trợ cấp thất nghiệp. Theo quy định hiện hành, chỉ người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật mới không được nhận trợ cấp thất nghiệp, nhưng trong khi dự thảo mới lại đang mở rộng ra thành nhóm người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (trừ một số trường hợp nghỉ mà không cần báo trước theo quy định bộ luật Lao động). Và điều này đang khiến NLĐ rất bất an.

Mặt khác, vấn đề tiền lương chưa tương xứng đang khiến NLĐ chùn chân. Khi đi tìm việc thời vụ trong Khu công nghiệp Tân Tạo, chị Bích Trâm (41 tuổi, quê Sóc Trăng) nói bản thân chị và chồng đều làm công nhân hơn 20 năm qua. Nhưng chị không còn thấy đây là cái nghề có thể mang lại cho chị cuộc sống ổn định và lâu dài để chờ tới tuổi nghỉ hưu nữa, bằng chứng là chị nằm trong đợt cắt giảm nhân sự đầu tiên khi công ty gặp khó khăn đơn hàng.

"Dí mắt cả đời vào chỉ may, DN thích thì sa thải, khi không đủ NLĐ thì tuyển thêm người trẻ vô. Chồng tôi có thâm niên nhưng bị o ép, chuyển hết chỗ này sang chỗ khác để không phải tăng lương. Làm biết bao nhiêu năm mà lương chưa tới 10 triệu đồng/tháng, chắt bóp không dư. Cứ thử nghĩ giờ xin một công việc mới, lương 6 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca, thì làm sao mà sống với giá nhà, giá sinh hoạt, chưa kể còn phải lo tiền học hành của con cái?", chị Trâm bức xúc và cho hay: "Tôi đang lãnh bảo hiểm thất nghiệp. Bây giờ tôi đi tìm việc thời vụ. Sau khi đợi nhận trợ cấp một năm xong thì tôi sẽ lãnh BHXH một lần, lấy số vốn ra ngoài làm ăn hoặc về quê làm, đỡ tốn tiền thuê nhà, sinh hoạt".

Hồi cuối tháng 3, báo cáo quý 1/2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM một lần nữa chỉ rõ ra nhu cầu công việc theo mức lương của DN và NLĐ chưa gặp nhau. Nhất là đa số NLĐ (chiếm khoảng 43,18%) có nhu cầu tìm việc với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Đáng lưu ý hơn, với mức lương 5 triệu đồng/tháng, chỉ có 0,77% trong tổng số nhu cầu của NLĐ tìm việc (chủ yếu cho các công việc thực tập, phục vụ, bán hàng…) thì nhu cầu của DN lại chiếm tới 32,85%. 

Doanh nghiệp không muốn sử dụng nguồn nhân công giá rẻ

Khi được đặt câu hỏi rằng liệu có hay không tình trạng DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang có tư duy mong nguồn nhân lực giá rẻ để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, thì Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các DN cung ứng sản phẩm hàng hóa cho các thị trường ở khu vực châu Âu, châu Mỹ…, phải đáp ứng một số tiêu chuẩn chất lượng chung và tiêu chuẩn riêng cho từng loại hàng hóa cũng như từng thị trường khác nhau. Trong đó, có quy định về môi trường làm việc quan tâm đến sức khỏe, công bằng cho NLĐ, không sử dụng lao động trẻ em, quy trình sản xuất thân thiện môi trường, DN có trách nhiệm với xã hội…

Để có thể tiếp nhận các đơn hàng thì DN phải có chiến lược kinh doanh cụ thể, do đó không tồn tại xu hướng DN mong sử dụng nguồn nhân công giá rẻ. Bản thân các DN đều nhận ra được điều này và từng bước cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh để đáp ứng yêu cầu đặt ra.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.