Theo thống kê sơ bộ năm 2022 của Tổng cục Thống kê, lứa tuổi từ 15 - 24 chiếm 10% lực lượng lao động. Dự báo tới năm 2025, lực lượng này sẽ chiếm khoảng 30% trong cơ cấu.
Nỗi ám ảnh gen Z "nhảy việc"
Giữa bối cảnh sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) muốn ổn định nguồn nhân lực hiện có và dốc sức đào tạo người lao động (NLĐ) trẻ mới tuyển. Thế nhưng, câu chuyện "nhảy việc" của lứa gen Z ngày nay khiến không ít đơn vị đau đầu.
Chị N.B.H (quản lý nhân sự của một công ty dịch vụ du lịch và khách sạn tại Q.1, TP.HCM) chia sẻ chưa tới một năm mà công ty phải đăng tuyển NLĐ rất nhiều lần để đắp vào vị trí NLĐ (chủ yếu là người trẻ) nghỉ việc.
Chị H. nói, khi bỏ việc giữa chừng, nhân viên công ty chị thường tắt liên lạc, thoái thác trách nhiệm còn lại.
"Tôi không phải vơ đũa cả nắm. Nhưng hiện giờ thị trường có một thế hệ rất khác. Các bạn trẻ thiếu kiên nhẫn và bốc đồng hơn. Tôi có hỏi lý do nghỉ việc thì đa số các bạn bảo chưa phù hợp văn hóa công ty, stress hoặc là... chê mức lương. Nhưng các bạn còn trẻ, thu nhập 9 triệu đồng/tháng cho vị trí nhân viên kinh doanh là mặt bằng chung bây giờ. Công ty phải đào tạo lại, bổ sung cho các bạn rất nhiều kiến thức, kỹ năng làm việc, nhưng rồi các bạn đột nhiên bỏ việc. Nếu cứ giữ thái độ dễ hòa nhập nhưng sớm từ bỏ thế này thì rất thiệt thòi cho DN, người đã cất công đào tạo, và cho chính sự nghiệp của các bạn nữa", chị H. chia sẻ.
Trên các diễn đàn nhân sự, "gen Z nhảy việc" trở thành một từ khóa tìm kiếm và chủ đề bàn luận mỗi ngày.
Ở góc độ đào tạo, cô N.T.D (giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trường ĐH ở TP.HCM về truyền thông và quan hệ công chúng) cho hay hiện nay các bạn trẻ năng động, sáng tạo, làm chủ công nghệ và cập nhật kịp thời xu hướng. Nhưng ít sinh viên gen Z chịu học hỏi tiền bối, chưa hòa nhập đội nhóm do cá tính quá mạnh.
"Mặc dù nhảy việc thời nào cũng có, nhưng ở nhóm NLĐ trẻ ngày nay nhiều hơn. Có thể là vì điều kiện gia đình của các bạn khá hơn nhiều so với thế hệ trước. Tôi hay nói với các em là hiện nay công việc cạnh tranh khủng khiếp do nguồn lực lao động rất nhiều mà nhu cầu hạn chế, có nhiều ngành nghề bão hòa. Do đó, các em phải rèn luyện cho mình khả năng giải quyết, sống chung với trúc trắc đời sống để phát triển", cô D. nói.
Tái định nghĩa thị trường lao động win - win
Trong khi vẫn đang tồn tại nhiều "định kiến" nhất định với gen Z thì một số nhân sự khác lại cho rằng DN phải thích ứng với nguồn lao động mới này.
Chị Lê Bích Lam (29 tuổi, quản lý nhân sự tại một công ty chuyên dịch vụ ăn uống) nói rằng nhiều lãnh đạo hiện nay có cái nhìn quá tiêu cực đối với NLĐ gen Z một phần vì bản thân họ đã quen làm việc theo lối mòn.
"Ngày trước, thế hệ 7X, 8X vẫn hay quan điểm là xin việc. NLĐ trẻ bây giờ gọi là "apply" hay ứng tuyển. Họ nói em không đi xin xỏ công việc. Ngày xưa, nhân viên có thể chịu lương thấp, chịu bị sếp đì, chịu làm tăng ca không lương để có thu nhập. Bây giờ các em không cam chịu vậy. Các em mưu cầu môi trường làm việc linh hoạt, lương phải đủ sống, đồng nghiệp cư xử lịch sự. Có một nhân viên 22 tuổi, nghỉ việc ở công ty năm trước. Lúc đi ai cũng chê trách bạn, nói tuổi nhỏ mà chê lương, không chịu được áp lực. Nhưng giờ bạn là một Vlogger thu nhập một tháng có khi tới trăm triệu đồng", chị Lam nói.
Theo chị Lam, ở lứa tuổi nào cũng có những mẫu nhân viên đáng khen, đáng chê. Thay vì chì chiết, gán nhãn cho cả một thế hệ thì chính DN phải nhìn lại môi trường và văn hóa tại đơn vị mình đã thật sự tốt để níu chân NLĐ hay chưa.
"Tôi cho rằng hiện nay còn rất nhiều DN lúc nào cũng muốn được lợi hết mức có thể, trong khi nguồn lực chính là NLĐ thì ít khi nào chăm lo. Ngay cả DN còn cố sa thải NLĐ lớn tuổi thì tại sao lại đòi hỏi thế hệ trẻ phải trung thành với đơn vị? Sự xuất hiện của một thế hệ quá mới thế này đặt lại tính fair-play (chơi đẹp) và win - win (đôi bên cùng có lợi) của thị trường lao động", chị Lam nói thêm.
Anh Võ Phước Thuận (25 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, làm ở một công ty chuyên về thiết kế) cho hay khi vào các hội nhóm, anh thấy rất ức chế vì lúc nào gen Z cũng bị đổ lỗi cho bất cứ lý do tiêu cực nào đang diễn ra trong thị trường lao động, từ "nhảy việc", "thiếu tính chịu đựng" cho tới "thiếu sự lễ phép, vâng lời"…
Anh Thuận thấy môi trường làm việc ở công ty hiện tại ổn định, nhưng anh cũng thấy rõ sự xung đột của mình với những người lớn tuổi hơn trong công ty. "Đa số đều nằm ở câu chuyện NLĐ lứa 7X, 8X chưa tôn trọng sự khác biệt của gen Z. Họ rất bảo thủ. Ví dụ, lứa chúng tôi làm việc nhóm với nhau toàn người trẻ, trước khi thống nhất kế hoạch nào đó đều bỏ phiếu và tranh luận với nhau. Nhưng các anh chị lớn tuổi thì không vậy. Họ không để tâm đến những gì người trẻ nói. Họ tự ý áp đặt, giao việc, kế hoạch, mà những thứ đó đều không thật sự phù hợp để có hiệu quả cao", Thuận kể.
"Đọc vị" gen Z
Chị Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Công ty CP Anphabe - một đơn vị tư vấn về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc, cho biết gen Z đã và đang gia nhập lực lượng lao động ngày càng đông đảo. Là thế hệ trẻ trung, năng động, sáng tạo, giỏi công nghệ, sở hữu nhiều lợi thế khác biệt trong tư duy lẫn hành động, gen Z cũng thể hiện một tinh thần chủ động vượt bậc so với các thế hệ khác trong việc tự học và nâng cao các kỹ năng, nhất là kỹ năng công nghệ.
Theo khảo sát của Anphabe năm 2023 với 63.878 người đi làm và 9.638 sinh viên trên toàn quốc cho thấy đa số các bạn đặt ra mục tiêu nghề nghiệp là có thu nhập đủ sống thoải mái, tiết kiệm được; công việc ổn định, đảm bảo; được đào tạo và có cơ hội phát triển…
Ngoài ra, gen Z cực kỳ chú trọng môi trường, đồng nghiệp trong công ty. Có tới 73% muốn làm việc trong môi trường năng động, vui vẻ. Đối với gen Z, 3 tiêu chí công việc hàng đầu gồm: phúc lợi tốt; lãnh đạo có tầm nhìn; chăm sóc sức khỏe, đời sống nhân viên tốt.
Có khoảng 10 ngành/nghề mà sinh viên gen Z yêu thích, trong đó đứng top là ẩm thực, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính; bán lẻ, bán sỉ, thương mại.
Khi tổng kết kết quả khảo sát của đơn vị hơn 10 năm qua, Anphabe phân tích giai đoạn 2013 - 2023 và cho thấy nhiều thay đổi lớn. Trong đó, thu nhập đã trở thành ưu tiên số 1 của NLĐ kể từ năm 2018 đến nay. Ngoài ra, có một thực tế rằng các tổ chức có sự xung đột thế hệ, nhất là gen X (khoảng từ năm 1965 - 1980), gen Y (khoảng từ năm 1981 - 1996) với gen Z.
Những thay đổi nhanh chóng trong thập kỷ qua đã làm tăng sự khác biệt giữa các thế hệ, khiến gen Z trở nên biệt lập hơn trong quan điểm, phong cách làm việc, thái độ, giao tiếp và cách tiếp cận công nghệ. Dự báo rằng thế hệ tiếp theo sẽ có nhiều đặc trưng rõ rệt hơn nữa. Vấn đề căng thẳng thế hệ gây nhiều thử thách, nhưng cũng mở ra cơ hội để các tổ chức nuôi dưỡng "hạnh phúc đa thế hệ", và thúc đẩy văn hóa làm việc đa dạng, bình đẳng và hòa nhập hơn.
Bình luận (0)